1.600 sinh viên đăng ký tham gia cuộc thi “Hiểu biết về tài chính” tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

1.600 sinh viên đăng ký tham gia cuộc thi “Hiểu biết về tài chính” tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc truyền thông giáo dục tài chính cho người dân là một xu hướng của Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin, hiểu biết về tài chính, minh bạch hóa pháp luật với người dân. Trên thế giới, giáo dục tài chính cho người dân, đặc biệt là với giới trẻ được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong đó, tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng. Với một mục tiêu như vậy, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất chú trọng và thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục tài chính (như Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái, cuộc thi Hiểu đúng về tiền, nhà Ngân hàng tương lai…).

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho nền kinh tế, đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ngày 12/01/2024, Vụ Truyền thông NHNN phối hợp Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức cuộc thi “Hiểu biết về tài chính”.

Đây là chương trình truyền thông giáo dục tài chính ý nghĩa, thiết thực dành cho các bạn sinh viên. Chương trình có 1.600 bạn sinh viên đăng ký, nhưng chỉ có 1.100 bạn được vào tham dự. Điều này cho thấy các thông tin về tài chính rất được giới trẻ quan tâm. Các thông tin liên quan đến cuốn sách “Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền” của chương trình cũng rất hữu ích, được lan tỏa và nhận được sự quan tâm lớn của giới trẻ.

Thông qua các chia sẻ đến từ chuyên gia của NHNN và các trò chơi thực tế, cuộc thi “Hiểu biết về tài chính” đã cung cấp các kiến thức bổ ích, lý thú về đồng tiền Việt Nam cũng như lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đến với các bạn sinh viên một cách sinh động, đơn giản, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi.

Qua đó, giúp các bạn sinh viên hình thành những thói quen tốt về tài chính như chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư; đồng thời, có những hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam, cách ứng xử với đồng tiền, biết quý trọng giá trị sức lao động, cảm nhận được những thông điệp về lòng yêu lao động, lòng nhân văn, nhân ái. Từ đó, giúp các bạn học sinh sớm tiếp cận với kiến thức và có kĩ năng cần thiết khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên sinh viên của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM được giới thiệu và hướng dẫn để hiểu rõ hơn về sự ra đời của tiền tệ, cách phân biệt các loại thẻ cũng như làm quen về việc quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là với các bạn sinh viên trong bối cảnh tín dụng đen đang hoành hành.

Ngoài ra, chương trình đã tặng 200 cuốn sách “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” cho trường. Đây là cuốn sách của tác giả Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi. Cuốn sách được coi là một học liệu rất tốt để giáo dục tài chính cho cộng đồng hiện nay. Các khái niệm tưởng chừng như phức tạp, khó hiểu đã được cuốn sách định nghĩa và lý giải một cách dễ hiểu, logic, được lồng ghép vào nội dung của 30 câu chuyện trong cuốn sách. Cuốn sách còn giúp các bạn sinh viên rèn luyện văn hóa đọc, hoàn thiện kĩ năng, nhân cách và phát triển một cách toàn diện.

Vụ Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính, lan tỏa mạnh mẽ hơn, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, hướng tới giới trẻ … để lan tỏa kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh, qua đó giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, cũng như góp phần bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Tin bài liên quan