Từ ngày 20-21/2, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 16 bị cáo có hành vi gắn chip điện tử gian lận xăng dầu về tội Lừa dối khách hàng.
Theo cáo trạng, CTCP Xăng dầu chất đốt Hà Nội là doanh nghiệp cổ phần, trong đó Tổng công ty Vận tải Hà Nội nắm giữ 20% vốn, sở hữu 27 cửa hàng xăng dầu, chất đốt và cửa hàng dịch vụ tổng hợp.
Theo quy định thanh toán, kết thúc ca bán hàng, trưởng ca và nhân viên chốt sổ đồng hồ cột bơm, kiểm tra tiền, hóa đơn, nộp tiền về tài khoản ngân hàng. Mức hao hụt đối với xăng các loại là 0,4%, dầu các loại là 0,2% trên lưu lượng hàng xuất bán.
Từ tháng 4-5/2014, Cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân có 12 cán bộ nhân viên, trong đó Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1966, là cửa hàng trưởng), Nguyễn Mạnh Hà (SN 1983, trưởng ca kiêm thủ kho).
Khi làm việc, Trần Thanh Trình (SN 1980, ở quận Bắc Từ Liêm, nhân viên) và Hà phát hiện, nếu gắn chip điện tử lên cột bơm xăng sẽ làm giảm lượng xăng thực tế bơm cho khách. Cả hai đem “sáng kiến” trên nói với Hạnh và được chấp thuận. Các nhân viên góp 7 triệu đồng/người để mua chip điện tử. Do là Cửa hàng trưởng nên Hạnh được ưu ái miễn trừ khoản tiền này.
Cầm số tiền 70 triệu đồng, Trình và Hà nhờ Hồ Trọng Tuấn (Trưởng phòng kinh doanh Công ty Xăng dầu Hà Nội) mua 3 chip điện tử. Tuấn “bắt mối” với Ngô Đức Toàn mua 2 bộ chip điện tử với giá 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giao cho Trình và Hà, giá trị con chip bị đẩy lên thành 70 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của Tuấn, chip điện tử sẽ giảm từ 1-6% lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Đợi thời điểm thích hợp, cả bọn lắp chip điện tử vào 2 cột bơm xăng số 2 và 4. Sau khi bộ chip hoạt động ổn định, Trình và Hà hướng dẫn lại cho các nhân viên bán hàng khác trong ca trực để sử dụng. Chip điện tử sẽ khởi động khi cầu dao cây bơm xăng được bật. Trường hợp cơ quan chức năng vào kiểm tra, nhân viên sẽ tắt công tắc chip điện tử.
Hơn một tháng sau, Trình và Hà lắp đặt thêm bộ điều khiển từ xa để dễ dàng khởi động con chip và qua mặt cơ quan chức năng.
Số tiền hưởng lợi từ việc gian lận được các đối tượng chia ngay sau ca làm. Trung bình mỗi ca bán hàng sử dụng chip điện tử thu được 3 triệu đồng.
Trong đó, Hạnh hưởng 200 triệu đồng; Trình 120 triệu đồng; Hà 152 triệu đồng… Đến nay, các bị cáo đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính trên.
Ngoài ra, Trình và một số nhân viên tại cửa hàng xăng dầu Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có hành vi lắp chip điện tử gian lận xăng nhưng do chưa xác định số tiền các đối tượng chiếm đoạt nên cơ quan điều tra tách tài liệu xử lý sau.