TS. Lê Văn Châu

TS. Lê Văn Châu

15 năm phát triển TTCK trên nền 19 năm gây dựng

(ĐTCK) LTS: TTCK Việt Nam mở cửa hoạt động 15 năm phát triển, nhưng ngành chứng khoán Việt Nam đã trải qua 19 năm gây dựng và phát triển với dấu mốc đầu tiên là thành lập UBCK vào năm 1996. ĐTCK xin giới thiệu những hồi ức của vị Chủ tịch UBCK đầu tiên, TS. Lê Văn Châu từ buổi phôi thai ý tưởng đến hiện thực hóa quyết tâm xây dựng thị trường tài chính bậc cao này.

Bài viết được biên tập lại từ bài viết cùng tên của TS. Lê Văn Châu trên Đặc san “TTCK Việt Nam – Dòng chảy 15 năm” do Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản tháng 7/2015 nhân dấu mốc 15 năm TTCK Việt Nam.

Vào một buổi chiều đầu năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cho gọi tôi, khi đó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và anh Đậu Ngọc Xuân, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư; anh Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư; anh Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lên làm việc.

Trong buổi làm việc, chúng tôi đề nghị đồng chí Đỗ Mười cân nhắc và quyết định sớm xây dựng TTCK. Đồng chí Đỗ Mười chăm chú lắng nghe chúng tôi trình bày, giải thích và chỉ sau đó vài ngày, nhiều cơ quan đã được giao tìm hiểu, nghiên cứu về TTCK, trong đó có NHNN.

Mấy tháng sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ (thay đồng chí Đỗ Mười), Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy xúc tiến ngay việc chuẩn bị cho ra đời TTCK. Tôi được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị phương án phát triển TTCK.

Cũng phải nói thực là, trong khoảng thời gian đó, có không ít lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ lo lắng về việc mở TTCK, bởi TTCK được định danh là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (ngày đó, chủ nghĩa tư bản thường được coi là phía đối lập với xã hội chủ nghĩa). Nhưng thật bất ngờ, ngay sau cuộc họp, Bộ Chính trị chỉ đạo và quyết tâm xây dựng TTCK. 

Để thành lập và đưa vào hoạt động một cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm là sự nỗ lực lớn, phải vượt qua biết bao khó khăn và thử thách.

Về nhân sự lãnh đạo của UBCK, bởi tính chất liên ngành, liên bộ trong hoạt động quản lý thị trường và xứng tầm với vị thế của cơ quan trực thuộc Chính phủ, có ý kiến đề nghị để một Phó Thủ tướng kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch.

Ý kiến khác cho rằng, do Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm đa ngành, đa lĩnh vực nên không có nhiều thời gian quan tâm, đôn đốc đối với một lĩnh vực vừa mới ra đời và lại vô cùng nhạy cảm, vì thế, phương án tốt nhất là giao chức Chủ tịch UBCK cho Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Tài chính đảm nhận.

Cả hai phương án này đều có những ưu việt và hạn chế. Nhưng thật bất ngờ là cuối cùng không ai đứng ra nhận chức vụ này với những lý do rất xác đáng. Đứng trước tình thế này, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt động viên tôi đứng ra cáng đáng nhiệm vụ lãnh đạo UBCK.

Sau rất nhiều nỗ lực của chúng tôi và được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là cá nhân nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 28/11/1996, UBCK chính thức được thành lập. 

Sau khi được thành lập vào năm 1996, do chưa có trụ sở làm việc nên ở thời điểm đó, UBCK là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên phải đi thuê văn phòng làm việc bằng tiền của ngân sách.

Địa điểm thuê lúc đó là tòa nhà Tung Shing (số 2 Ngô Quyền, Hà Nội), gần với trụ sở của UBCK hiện tại. Sau thời gian đi khảo sát địa điểm, chúng tôi đề xuất Chính phủ giao trụ sở của Bộ Thủy lợi ngày ấy làm trụ sở của UBCK ngày nay. Sau khi được Chính phủ đồng ý, phải mất 7 - 8 tháng cải tạo, trụ sở làm việc của UBCK mới hoàn tất.

Để kịp chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK Việt Nam tại TP. HCM, việc “tìm đất dựng nhà” cho Trung tâm GDCK TP. HCM (nay là Sở GDCK TP. HCM - HOSE) lúc bấy giờ được tiến hành khẩn trương. Ban đầu, Chính phủ quyết định cho phép sử dụng một phần trụ sở làm việc của Cơ quan đại diện Văn phòng Chính phủ ở phía Nam để lập trụ sở làm việc cho HOSE, nhưng địa điểm này khó đáp ứng được yêu cầu về lâu dài.

Tôi đề xuất và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép xây dựng trụ sở HOSE tại số 45 - 47 Bến Chương Dương (đường Võ Văn Kiệt hiện tại), vốn trước đây là trụ sở Thượng viện của chế độ Sài Gòn, với vị trí và khuôn viên đẹp bậc nhất Thành phố. Việc tìm đất xây dựng trụ sở cho Trung tâm GDCK Hà Nội (nay là HNX) sau này cũng thuận lợi tương tự như tìm đất làm trụ sở cho HOSE nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội.

Mọi công việc hoàn tất, đúng ngày 20/7/2000, lịch sử thị trường tài chính Việt Nam bước sang trang mới khi TTCK đi vào hoạt động, với 2 cổ phiếu đầu tiên được giao dịch là REE và SAM.

Với lịch sử của một ngành, đặc biệt với ngành chứng khoán thì 15 năm không phải là dài. Những gì đạt được dù còn khiêm tốn, chưa như kỳ vọng, song cũng rất đáng tự hào.

TTCK có được những thành quả như ngày hôm nay cũng là nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là cá nhân nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng như lãnh đạo UBND TP. HCM, UBND TP. Hà Nội, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước qua các thời kỳ và bạn bè quốc tế...

Tin bài liên quan