Các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2023 tính đến hôm nay là: HDBank, VIB, Techcombank, ACB, VPBank, MSB, TPBank, LPBank, BacABank, Saigonbank, PGBank, BVBank, BaoVietbank, NCB.
Có tổng số 5/14 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương 9 tháng đầu năm, gồm HDBank, ACB, VIB, MSB và SaigonBank. Trong đó, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất là ACB (tăng 11%).
Xét về con số tuyệt đối, Techcombank vẫn đang dẫn đầu lợi nhuận trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân với 17.115 tỷ đồng sau 9 tháng, ACB đứng tiếp theo với 15.024 tỷ đồng. Đây cũng là hai ngân hàng duy nhất có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Dù vậy, nhiều khả năng, MB mới là quán quân lợi nhuận 9 tháng trong khối ngân hàng TMCP tư nhân, hiện ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023.
Các ngân hàng có lợi nhuận ngàn tỷ đồng được ghi nhận tiếp theo là HDBank, VIB, VPBank, MSB, TPBank, LPBank.
Có duy nhất một ngân hàng lỗ 9 tháng đầu năm là NCB và 8 ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong 9 tháng đầu năm, bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, LPBank, BacABank, PG Bank, BVBank, BaoVietBank. Trong đó, các ngân hàng có mức lãi sụt giảm mạnh nhất là:BVBank (giảm 85%), VPBank (giảm 58%), BacABank (giảm 23%)….
Trong khi lợi nhuận sụt giảm, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trở lại.
Tại BacABank, tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt gần 145 tỷ đồng, tăng tới 245%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 289% lên mức 193 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý III/2023.
Còn ở PGBank, nợ xấu đến cuối tháng 9 đã tăng lên mức 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng vọt từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21% trong quý II vàlên 2,97% vào cuối quý III.
Nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý III/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%...
Nợ xấu nội bảng của ABBAnk cuối tháng 9/2023 là 4,6% trong khi cuối năm 2022 mới chỉ 2,9%...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản nợ được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) cuối tháng 7/2023 ở mức 6,16%.
Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thông tin: nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%.
"Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01 sửa đổi và Thông tư 02 hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, các ngân hàng chia sẻ, việc xử lý nợ xấu hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng gặp thách thức.