Ngày 7/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý III/2024 thông tin một số kết quả chủ yếu của công tác tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024.
Xây dựng nhiều dự án Luật quan trọng
Tại cuộc họp, ông Đỗ Xuân Quý, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Bộ Tư pháp đã trình 03/03 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Ông Đỗ Xuân Quý, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp |
Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Luật Thi hành án dân sự, đề nghị xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Từ ngày 22/6/2024 đến 23/9/2024, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 06 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 48 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh nội dung thẩm định theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung có ý kiến về giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền đều tăng cao
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Xuân Quý, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong 12 tháng năm 2024 (tính từ quý IV/2023 - quý III/2024), kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, qua bước đầu thống kê từ kết quả thi hành án của các địa phương cho thấy, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 83,25%.
Về tiền, thi hành xong 117.349,3 tỷ đồng, tăng 27.843,7 tỷ đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 46,45%.
“Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng”, đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
Về kết quả thi hành án hành chính, trong 12 tháng năm 2024, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73,7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 652 bản án. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành là 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành là 1.066 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay và đồng đều, toàn diện trên tất cả các mặt: án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng kinh tế, án hành chính… Ngoài ra, ông Lợi cũng cung cấp thông tin thi hành án đối với một số vụ việc cụ thể như: Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC…
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự |
Cụ thể, về vụ Tân Hoàng Minh, đến nay tổng số tiền đã chi trả đạt 8.547 tỷ đồng trên 8.644 tỷ đồng phải thi hành. Tổng số bị hại đã được chi trả là 6.630 người, có 6.407 hồ sơ đã được thi hành án.
Đối với vụ FLC, ngày 5/8/2024, TAND TP. Hà Nội đã ban hành bản án sơ thẩm vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, hiện cơ quan thi hành án đang theo sát tiến trình tố tụng; khi bản án có hiệu lực thi hành thì sẽ cố gắng thi hành sớm nhất có thể và cố gắng đạt được kết quả tốt.
Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, từ kinh nghiệm thi hành án vụ Tân Hoàng Minh và các vụ án về tham nhũng kinh tế khác, cơ quan thi hành án rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó tổ chức thi hành án ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, tới đây phải thi hành án đối với vụ trái phiếu Vạn Thịnh Phát. Đây là vụ án cực kỳ phức tạp với giá trị thi hành án lớn, số lượng bị hại - các nhà đầu tư trái phiếu rất lớn.