Ảnh Internet

Ảnh Internet

12 năm áp dụng luật bảo hiểm y tế: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt gần 90%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, thực tiễn cho thấy chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân đang dần trở thành hiện thực.

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT được ghi nhận.

Cụ thể, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế.

Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, số lượt khám, chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh.

Nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT là 2.571 cơ sở khám, chữa bệnh, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt là số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân kí hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở khám, chữa bệnh năm 2014 lên 835 cơ sở KCB năm 2020.

Số lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT đạt 186 triệu lượt năm 2019, tăng gần gấp hai lần so với năm 2009 (92,1 triệu lượt). Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019. 

12 năm áp dụng luật bảo hiểm y tế: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt gần 90% ảnh 1

Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo.

Để đạt được kết quả khả quan như vậy là do sự nỗ lực của Ngành BHXH và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức kinh tế.

Tính đến quý IV/2019, toàn quốc có 12,48 nghìn Đại lý thu với 37,35 nghìn điểm thu và 52,18 nghìn nhân viên đại lý thu; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động, một mặt kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, mặt khác thông qua đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Chính thức sử dụng Hệ thống Thông tin giám định BHY từ tháng 01/2017 để thực hiện các quy trình của nghiệp vụ giám định BHYT qua đó nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ giám định.

Cấp mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia, giúp loại bỏ được tình trạng cấp trùng thẻ, chống các hành vi sử dụng thẻ giả, lạm dụng quỹ BHYT đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. 

Mã số BHXH cũng đã được Bộ Y tế quy định sử dụng làm mã định danh y tế duy nhất cho mỗi người dân Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi,... và đặc biệt là chi khám, chữa bệnh BHYT không ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với nhau.

Tin bài liên quan