Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết mục tiêu của Diễn đàn năm nay tập trung hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp, đề xuất các mô hình kinh doanh sáng tạo không chỉ tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.
Đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết trong vòng 5 năm, số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững đã tăng gấp 2 lần, với 90% các doanh nghiệp đăng ký, đã có 500 công ty lớn nhất lập báo cáo bền vững.
Hơn thế nữa, mạng lưới hợp tác cũng đã được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ và tích cực giữa các doanh nghiệp và các quốc gia. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các mục tiêu phát triển bền vững mang lại cũng như các rủi ro có thể khắc phục.
Ông Vinh cũng cho hay, mặc dù cơ hội đem lại từ 12 lĩnh vực phát triển bền vững có thể mang lại giá trị kinh doanh ít nhất là 12.000 tỷ USD, song phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững; nhận thức trên toàn cầu đối với phát triển bền vững vẫn còn thấp; nhất là ở các đối tượng như người dân, người tiêu dùng, các nhà quản lý...
Do đó, ông Vĩnh đã khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh tiên tiến và giải pháp kinh doanh bền vững để thu được lợi ích lâu dài.