1. Thành tựu nổi bật nhất mà bạn đạt được trong công việc là gì?
Câu trả lời của ứng viên sẽ bao gồm rất nhiều những giá trị cá nhân mà họ cho là quan trọng. Những điều này tiết lộ cho bạn biết ứng viên định nghĩa thế nào là một “thành tựu”, mức độ cầu toàn cũng như mục tiêu mà ứng viên đặt ra với bản thân.
2. Môi trường làm việc như thế nào giúp bạn phát huy khả năng một cách tốt nhất?
Mục đích của câu hỏi này là để khẳng định xem môi trường làm việc của công ty tuyển dụng có tương thích với nhu cầu của ứng viên hay không.
3. Bạn nghĩ một người sếp lý tưởng sẽ có những tương tác như thế nào với bạn?
Câu hỏi này giúp bạn nhận biết khả năng tự quản lý và điều hành bản thân của ứng viên. Trong một công ty chú trọng về quyền tự quyết của cá nhân, việc ứng viên trông đợi vào chỉ thị của cấp trên sẽ không phù hợp. Ngược lại, nếu cấp trên là một người chuyên chế, còn ứng viên lại thiên về khả năng tự quyết, thì đó sẽ là một thảm họa.
4. Đâu là thử thách khó khăn nhất mà bạn phải vượt qua trong quá trình xây dựng sự nghiệp của mình?
Một câu hỏi hữu hiệu giúp nhà tuyển dụng biết về khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên, đồng thời cho thấy đâu là “khó khăn” đối với họ. Câu trả lời của ứng viên cũng cho thấy khả năng tương tác và làm việc với người khác của họ.
5. Tại sao bạn quyết định nộp hồ sơ vào công ty chúng tôi?
Câu hỏi này trực tiếp giúp nhà tuyển dụng hiểu được nhu cầu và ý nguyện của ứng viên, đồng thời cũng một phần tiết lộ hình ảnh của công ty trong mắt ứng viên.
6. Vì sao bạn nghỉ việc ở nơi làm cũ?
Câu trả lời của ứng viên sẽ cho thấy, những giá trị, mục tiêu, tầm nhìn và những điều mà ứng viên cần ở bạn. Nếu bạn nhìn nhận rằng, ứng viên hoàn toàn có thể gặp những vấn đề ở công ty bạn tương tự như ở công ty cũ của họ, có lẽ ứng viên đó không thích hợp cho vị trí bạn đang tuyển.
7. Đâu là 3 kỹ năng cá nhân mà bạn nghĩ sẽ mang lại thành tựu cho công ty?
Những gì ứng viên đưa ra sẽ cho biết, họ có nhận thức được rõ ràng về những kỹ năng vượt trội của mình hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ biết được ứng viên nhìn nhận vị trí ứng tuyển như thế nào.
8. Ba việc đầu tiên bạn sẽ làm nếu được tuyển cho công việc này là gì?
Bạn sẽ biết được điều gì ứng viên cho là quan trọng, ứng viên có hiểu rõ về yêu cầu công việc của mình hay không và cách họ tiếp cận với một môi trường làm việc mới.
9. Đồng nghiệp trước của bạn nhận xét như thế nào về bạn và về mối tương tác giữa bạn với họ?
Câu hỏi này giúp bạn nắm bắt được khả năng tự đánh giá hiệu quả làm việc của ứng viên và cho thấy mối quan hệ của họ với đồng nghiệp.
10. Cấp trên cũ của bạn đánh giá như thế nào về bạn và những gì bạn đã cống hiến?
Bạn muốn biết khả năng nhận biết của ứng viên đối với sự hỗ trợ và đánh giá của cấp trên hiện tại. Đồng thời, điều này cho thấy, mối quan hệ với cấp trên và việc họ đối mặt như thế nào với những lời phê bình và khiển trách.
11. Kỹ năng nào của bạn cho thấy bạn thích hợp với công việc này?
Điều bắt buộc mà mỗi ứng viên cần làm trước khi phỏng vấn đó là tìm hiểu về công ty và công việc mà mình ứng tuyển. Câu hỏi này giúp bạn biết được ứng viên có sự chuẩn bị hay không, có nắm bắt được công việc mình cần làm và công ty mình ứng tuyển hay không. Đồng thời cũng cho thấy nhận thức của ứng viên về những kỹ năng mà ứng viên có có thể giúp công ty phát triển hay không.
12. Bạn có kế hoạch gì để tiếp tục trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng của mình?
Bất kỳ một nhà tuyển dụng nào cũng muốn thấy được tinh thần cầu tiến ở nhân viên của mình. Câu hỏi này cho thấy, liệu ứng viên có tích cực, chủ động trong việc phát triển bản thân hay phụ thuộc vào những gì mà nhà tuyển dụng mang lại. Trên đây là 12 câu hỏi hữu ích một nhà tuyển dụng cần khi phỏng vấn. Bạn cũng có thể tự lên một danh sách câu hỏi riêng của mình dựa trên kinh nghiệm phỏng vấn và những gì bạn trông đợi ở một ứng viên.