Theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2022, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 30/11/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 52.001 tỷ đồng, tăng 22,16% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 52.001 tỷ đồng, tăng 22,16%.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 806.855 tỷ đồng, tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 669.671 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 174.213 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước;
Tính đến ngày 30/11/2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Luật khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Ngoài ra, Luật cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.
Để triển khai Luật đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường.
Đến nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng 3 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Chính phủ và đang dự thảo 3 Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm theo Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 3.