CEO trẻ của Facebook cũng từng bị vạ miệng trong năm qua.

CEO trẻ của Facebook cũng từng bị vạ miệng trong năm qua.

11 pha “lỡ miệng” của CEO năm 2011

Năm nay, cùng với cuộc biểu tình “Hãy chiếm lấy Phố Wall” diễn ra rầm rộ ở Mỹ, giới lãnh đạo doanh nghiệp ở nước này càng bị dư luận “soi kỹ” hơn bao giờ hết. Bởi thế, không có gì là khó hiểu khi giới truyền thông có dịp đăng tải không ít những phát ngôn ấn tượng, cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực, của làng CEO.

Trong số các CEO Mỹ năm nay, CEO Brian Moynihan của ngân hàng Bank of America có lẽ bị “ném đá” nhiều nhất, vì nhà băng này liên tục gặp bê bối, từ các vụ tịch biên nhà với thủ tục cẩu thả, tới kế hoạch áp phí thẻ nợ bị khách hàng kịch liệt phản đối.

 

Bản thân CEO Moynihan cũng tự chuốc thêm rắc rối khi đưa ra những phát ngôn kiểu như ngân hàng của ông “có quyền kiếm lợi”… Tương tự, CEO Reed Hastings của Netflix cũng có cách xử lý thiếu khôn ngoan khi khách hàng phản ứng tiêu cực trước các quyết định kinh doanh của công ty này.

 

Giữa lúc thu nhập bình quân của người Mỹ đi xuống, các CEO ở nước này vẫn được hưởng những gói thu nhập hấp dẫn. Bởi thế, những phát ngôn gây sốc của làng CEO càng bị dư luận và truyền thông đem ra mổ xẻ nhiều.

 

Dưới đây là 11 pha “lỡ miệng” đáng nhớ nhất của giới CEO Mỹ trong năm 2011, theo lựa chọn của tờ Huffington Post:

 

1. CEO General Electric: “Về cơ bản, nhân viên của chúng tôi thích chúng tôi”

 

 

Với mục đích bảo vệ những doanh nghiệp cũng như công ty của mình trước những lời chỉ trích, CEO Jeffrey Immelt của hãng công nghiệp General Electric (GE) phát biểu trên chương trình 60 Minutes của đài CBS rằng: “Quan niệm cho rằng dân chúng Mỹ chống lại các công ty lớn là hoàn toàn sai lầm. Đây là lối suy nghĩ sai lầm, và khi tôi bước đi trong một nhà máy cùng anh hay bất kỳ ai khác, về cơ bản, nhân viên của chúng tôi thích chúng tôi”.

 

2. CEO Bank of America : “Chúng tôi có quyền kiếm lợi”

 

 

Phản ứng trước làn sóng phản đối lan rộng đối với kế hoạch áp phí 5 USD đối với thẻ ghi nợ, CEO Brian Moynihan của Bank of America lên tiếng bảo vệ nhà băng của mình. Ông nói: “Chúng tôi có quyền kiếm lợi”. Nhưng khoản phí được đề xuất đã bị hủy trước khi áp dụng.

 

3. CEO Groupon: “Chúng tôi đã… tắt não của mình”

 

 

CEO Andrew Mason của trang bán hàng theo phương thức “mua theo nhóm” Groupon lên tiếng xin lỗi về một quảng cáo gây tranh cãi liên quan tới Tây Tạng. Nhưng lời xin lỗi của CEO này càng “đổ thêm dầu vào lửa” khi phát ngôn rằng: “Chúng tôi đã tắt một phần bộ não của mình ở chỗ lẽ ra phải dùng để đưa ra quyết định”.

 

4. CEO JPMorgan Chase: Giàu thì có gì là xấu

 

 

Khi được hỏi về quan điểm của công chúng ngày càng trở nên tiêu cực về các ngân hàng, thể hiện rõ qua phong trào “Hãy chiếm lấy Phố Wall”, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng, những người có quan điểm như vậy “đang hành động như thể ai thành công cũng là xấu và ai giàu cũng là xấu. Tôi chẳng hiểu ra làm sao cả”.

 

5. Netflix: “Tôi đã sai”

 

 

Sau khi hãng dịch vụ thuê video trực tuyến Netflix tăng phí thêm 60% mà không thêm giá trị dịch vụ, CEO Reed Hasting của công ty này gửi đi một bức email xin lỗi mở đầu bằng câu “Tôi đã sai”. Nhưng nội dung thư lại thông báo cho khách hàng một thông tin còn tệ hơn cả việc tăng phí dịch vụ: Netflix sẽ tách đôi hai dịch vụ streaming và DVD. Không lâu sau, chính Hastings lại ra quyết định hủy việc chia tách dịch vụ này.

 

6. CEO MF Global: “Đơn giản là tôi chẳng biết số tiền đó đi đâu”

 

 

Sau khi hãng môi giới MF Global phá sản và có tin hãng này đã tẩu tán hàng tỷ USD tiền của khách hàng, cựu CEO Jon Corzine tìm cách “hạ hỏa” tình hình trong một phiên điều trần bằng câu nói: “Đơn giản là tôi chẳng biết số tiền đó đi đâu”.

 

7. CEO News Corp.: Một Rupert “nhún mình”

 

 

CEO Rupert Murdorch của hãng truyền thông News Corp. điều trần trước Quốc hội Anh sau một loạt bài báo cho rằng một số bộ phận của công ty này, bao gồm tờ News of the World, đã xâm nhập trái phép vào điện thoại di động của nhiều nhân vật nhằm có thông tin sớm. “Tôi chưa khi nào phải nhún mình như hôm nay trong đời”, Murdorch nói, nhưng vẫn phủ nhận trách nhiệm về các vụ xâm nhập trên.

 

8. CEO Goldman Sachs: Chúng tôi phục vụ thế giới này

 

 

Điều trần trong phiên xét xử vụ giao dịch nội gián của Raj Rajaratnam, CEO Lloyd Blankfein tìm mọi cách có thể để bảo vệ ngân hàng Goldman Sachs của mình. “Chúng tôi giống như một người trung gian. Đó là dịch vụ mà chúng tôi làm cho cả thế giới này”, CEO Blankfein nói trước khi sửa “cả thế giới này” thành “khách hàng của chúng tôi” – theo tờ BusinessWeek.

 

9. CEO Facebook: “Chúng tôi có đầy lỗi”

 

 

Sau phán quyết của Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu mạng xã hội Facebook cung cấp thêm thông tin về chính sách bảo mật thông tin người sử dụng, CEO Mark Zuckerburg viết trên blog rằng: “Tôi là người đầu tiên đứng ra thú nhận rằng chúng tôi có đầy lỗi”.

 

10. CEO AIG: Các ngân hàng nên tự giám sát

 

 

Không thể phủ nhận việc Chính phủ Mỹ phải bơm 180 tỷ USD để cứu hãng bảo hiểm AIG khỏi đổ vỡ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là kết quả của chính sách giảm sát lỏng lẻo đối với ngành tài chính trong thập niên 2000. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh CNN, CEO Robert Benmosche của AIG vẫn cho rằng, các ngân hàng nên tiếp tục được cho phép tự giám sát. “Hiện tại, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải để các công ty tự giám sát và làm những việc đúng”.

 

11. CEO Yahoo: "Tôi bị họ chơi xấu!"

 

 

Tháng 9 năm nay, CEO Carol Bartz của Yahoo! bị Chủ tịch hội đồng quản trị sa thải bằng cách thông báo qua điện thoại. Cách sa thải này bị bà Bartz cho là không ra gì. Trả lời phỏng vấn tờ Fortune, bà Bartz nói: “Tôi bị họ chơi xấu”.