Chậm tái cơ cấu sẽ tụt hậu
Hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế so với nhiều quốc gia trong khu vực ở mức khá thấp.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR) trong giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam là 6,92, cải thiện không đáng kể so với mức 6,96 giai đoạn 2006 - 2010. Tính riêng giai đoạn 2011 - 2013, chỉ số ICOR của Việt Nam là 6,99, cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như: Malaysia (5,4), Indonesia (4,64), Philippines (4,09).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn trước cao là do tập trung đầu tư cho hạ tầng, quản lý đầu tư yếu dẫn tới lãng phí, thất thoát, trình độ khoa học công nghệ chưa cao. Bên cạnh đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt khoảng 29%, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Năm 2016, xét về năng lực cạnh tranh, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đang đứng vị trí 60/139 nền kinh tế được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực ASEAN; còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, Việt Nam xếp thứ 82/190 nền kinh tế được xếp hạng, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Nếu không có nhận thức đúng, coi việc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt, hoặc nếu làm chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì Việt Nam sẽ rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.
Phân bổ và khai khai thác hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở giảm dần tiến tới xóa bỏ cách tiếp cận hành chính thiếu hiệu quả, chuyển sang áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quyết định kinh tế, lấy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
"Đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn"
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu định lượng có thể đánh giá được.
Về các chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu tăng năng suất lao động trong 5 năm tới là 5,5%/năm để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7% trong bối cảnh các nguồn lực huy động còn hạn chế, tốc độ tăng lực lượng lao động trong 5 năm tới có khả năng chỉ đạt khoảng 1 - 1,2%/năm, thấp hơn mức 1,45%/năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Về hiệu quả đầu tư, trong thời gian tới, bằng việc tái cơ cấu mạnh mẽ, tăng cường áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, ICOR dự kiến khoảng 5 - 5,5, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng lên mức 32 - 35%.
Về xếp hạng năng lực cạnh tranh, đến năm 2020, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 hoặc 5 nước đứng đầu của khu vực ASEAN về năng lực cạnh tranh và nằm trong nhóm 3 hoặc 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN về môi trường kinh doanh.
Huy động tổng nguồn lực cho đầu tư phát triển
Giải trình về nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, vị tổng tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%, trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.
Căn cứ Nghị quyết 142 của Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm được tính trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP, hệ số ICOR, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP... Theo đó, để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5 - 5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32 - 34% GDP, tương đương 9 - 10 triệu tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch năm 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.
“Đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, Bộ trưởng nói.
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Vốn nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước) dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011 - 2015 xuống khoảng 31 - 34% trong giai đoạn 2016 - 2020; vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45 - 48% tổng đầu tư toàn xã hội.
Phân tích của Bộ trưởng cho thấy, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước. Huy động thêm nguồn lực là cần thiết, nhưng mục tiêu của Kế hoạch không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn, mà cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên. Nếu làm tốt tái cơ cấu thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể tăng cao hơn mục tiêu đã đặt ra; làm không tốt thì thậm chí mục tiêu 9 triệu tỷ đồng cũng khó đạt được.
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cấu trúc DNNN
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần đẩy nhanh xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt; tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế đầu tư công.
Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước; tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân; thực hiện tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất, trong đó tập trung vào thị trường vốn, quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Theo Bộ trưởng, kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế quyết liệt đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách; tăng đáng kể hiệu quả đầu tư công; cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách xuống còn 4% GDP; cổ phần hóa, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp mà Nhà nước không còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và sử dụng số vốn đó đầu tư một số dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách...
“Đây là công việc không dễ, bởi nó đòi hỏi phải đổi mới tư duy, phải có sự đồng thuận cao và phải thực hiện nhanh trong thời gian ngắn. Phải có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan khác đối với tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ cần có bộ phận chuyên trách, chỉ đạo tập trung và liên tục đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trên phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương nói riêng; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả thực hiện và khắc phục được những yếu kém tồn tại cố hữu trong khâu thực thi thời gian qua”, Bộ trưởng nói.