101 lý do DN giảm cổ tức 2013

101 lý do DN giảm cổ tức 2013

(ĐTCK) Việc điều chỉnh giảm cổ tức có nhiều nguyên nhân như khả năng tài chính eo hẹp, cần dồn tiền cho đầu tư, do vốn điều lệ của DN tăng nhanh…

Mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2013 đang bước vào giai đoạn cao trào. Kết quả đại hội cũng như kế hoạch trình đại hội của nhiều DN cho thấy, không ít DN lớn cũng giảm mạnh tỷ lệ trả cổ tức năm 2013 so với kết quả thực hiện của những năm trước.

Giảm cổ tức

9% là tỷ lệ cổ tức mà HĐQT CTCP PVI (PVI) đặt ra cho năm 2013 trước khi đem trình cổ đông tại ĐHCĐ sắp tới. Trong khi đó, kể từ khi PVI cổ phần hóa năm 2007 đến nay, mức cổ tức phổ biến của công ty này là 15%/năm.

Với Tổng CTCP Bảo hiểm PJICO (PGI), nếu như năm 2012, Công ty đặt tỷ lệ trả cổ tức tối thiểu ở mức 13%, thì năm nay giảm xuống còn tối thiểu 10%.

101 lý do DN giảm cổ tức 2013 ảnh 1

Tại ĐHCĐ thường niên của CTCP Licogi 166 (LCS) vừa diễn ra, Công ty đặt kế hoạch trả cổ tức năm 2013 ở mức 10%, trong khi mấy năm gần đây đặt kế hoạch cổ tức ở mức 18 - 20% (năm 2012, Công ty không hoàn thành kế hoạch cổ tức).

CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) thì để ngỏ kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013.

 

Có nhiều lý do

Theo Tổng giám đốc PGI, ông Đào Nam Hải, Công ty giảm tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2013 là do lãi suất tiền gửi và mặt bằng lãi suất có xu hướng tiếp tục giảm so với năm 2012.

Tuy nhiên, nhiều DN khác chia sẻ, việc điều chỉnh giảm cổ tức có nhiều nguyên nhân như khả năng tài chính eo hẹp, cần dồn tiền cho đầu tư, do vốn điều lệ của DN tăng nhanh…

Năm 2012, KSA không trả cổ tức là nhằm tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư. Nhiều khả năng Công ty tiếp tục nói “không” với cổ tức năm 2013 khi nhìn vào kế hoạch đầu tư “khủng” trong năm 2013 cũng như các năm kế tiếp. Cụ thể, ĐHCĐ KSA đã thông qua phương án phát hành 18,531 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP để thực hiện giai đoạn 1 Dự án Nhà máy chế biến xỉ titan (154,5 tỷ đồng), đồng thời góp vốn thành lập 3 công ty con phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và xúc tiến việc xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy, với tổng số vốn cần góp gần 463,7 tỷ đồng. Để có thêm nguồn vốn đầu tư, KSA có kế hoạch thoái vốn tại CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (vốn điều lệ 228 tỷ đồng, KSA sở hữu 84%); Công ty TNHH Gốm sứ Thiên Lợi (vốn điều lệ 3,666 tỷ đồng, KSA sở hữu 62%); Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Khoáng sản Bình Thuận (vốn điều lệ 17,688 tỷ đồng, KSA sở hữu 88%).

Đối với PVI, mặc dù năm 2011 đã tăng vốn thêm 30%, lên 2.129 tỷ đồng, nhưng năm 2012, Công ty tiếp tục có kế hoạch tăng vốn lên 4.662 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm qua, PVI chỉ tăng vốn thành công lên 2.342 tỷ đồng và kế hoạch năm nay là tăng vốn lên 2.382 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ tăng lên không nhỏ, trong khi lợi nhuận tăng theo không kịp, PVI khó có khả năng đảm bảo chi trả cổ tức 15% như những năm trước đó. Vì thế, năm 2013, PVI đã phải điều chỉnh giảm cổ tức xuống 9%, tính trên phần vốn được tăng thêm là 2.382 tỷ đồng.

Ngoài ra, do PVI góp 51% vốn để thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, ra mắt giữa tháng 3/2013 vừa qua, chưa thể sinh lời ngay từ năm đầu hoạt động cũng có thể khiến kết quả kinh doanh của PVI bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2013, PVI đặt chỉ lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 176 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức đạt được của năm 2012 là 389 tỷ đồng.

Tại LCS, chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Đồng, Tổng giám đốc LCS cho hay, cổ tức năm 2012 không đạt kế hoạch chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi mảng thi công cơ giới của Công trình Núi Pháo bị lỗ từ khi tiếp quản Công ty Licogi 16.9 (Licogi 16.9 sáp nhập vào LCS).

Lãnh đạo một DN có vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng cho biết, DN dự kiến chi tiêu cổ tức năm 2013 là 10% trên vốn điều lệ cũ. Trong trường hợp phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược thành công, nhiều khả năng Công ty sẽ giảm tỷ lệ cổ tức xuống còn 7%.