Lời Tòa soạn: Tâm đắc với thông điệp đổi mới và quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp của Thủ tướng, GS. Phan Văn Trường, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Pháp, thành viên độc lập Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình, đã có bài viết kiến nghị những giải pháp để hiện thực hóa chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong nước. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của ông.
Tôi thực sự ấn tượng với những lời động viên, khuyến khích người dân, đặc biệt những người trẻ tuổi mạnh dạn khởi nghiệp để tạo ra những giá trị mới cho xã hội của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Báo giới trong nước nhận định rằng: “Chưa bao giờ, hoạt động khởi nghiệp lại nhận được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có được điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, về thể chế như lúc này” và tôi cũng thấy hồ hởi.
Chỉ cần Chính phủ tài trợ cho mỗi công ty khởi nghiệp nghiêm túc 1 tỷ đồng tiền vốn, thì với 10.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ được 10.000 công ty khởi nghiệp.
Bởi lẽ, người trẻ hiện đang chiếm tới 30% dân số Việt Nam và họ sẽ đóng góp đến 100% trong vòng 10 năm, 20 năm tới. Và may mắn thay giới trẻ Việt Nam hôm nay rất yêu thích công nghệ thông tin và họ có hiểu biết tốt về lĩnh vực này. Họ cũng quan tâm đến chất lượng thực tế của cuộc sống trong ẩm thực, giải trí, đọc sách, thể thao...
Từ những mối quan tâm này, có thể khơi nguồn cho hàng ngàn, hàng vạn ý tưởng kinh doanh cho người trẻ tuổi: lập doanh nghiệp phần mềm, xây dựng trang web, doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hay mở quán cà phê, ẩm thực…
Tôi chưa rõ Chính phủ sẽ có những giải pháp gì nên tôi xin mạn phép đưa ra một vài đề xuất và hy vọng rằng những đề xuất này sẽ công thức hóa những lời hứa của Chính phủ với giới trẻ.
Thứ nhất, phải tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho giới trẻ khởi nghiệp. Theo đó, các thủ tục thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký mã số thuế… cần được đơn giản hóa. Chính phủ cũng cần có các chính sách ưu đãi thuế cho những người khởi nghiệp. Chẳng hạn, người khởi nghiệp dưới 25 tuổi cần được miễn thuế trong vòng tối thiểu 5 năm kể từ ngày công ty bắt đầu đi vào vận hành, để hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn ban đầu .
GS. Phan Văn Trường
Thứ hai, vốn là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, với người khởi nghiệp lại càng là vấn đề lớn. Bởi họ hầu như mới chỉ có ý tưởng kinh doanh và một chút vốn huy động từ bạn bè, người thân, việc huy động vốn qua ngân hàng hầu như không thể do thiếu tài sản đảm bảo và tính rủi ro của phương án kinh doanh.
Vì vậy, cần thành lập một quỹ quốc gia hỗ trợ cho khởi nghiệp. Quỹ này có thể tự tài trợ bằng cách dùng thuế do những công ty khởi nghiệp thành công để huy động vốn cho những công ty chưa tới ngưỡng thu nhập. Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến có thể có.
Tôi còn nhớ, giai đoạn thị trường địa ốc trong nước rơi vào khủng hoảng những năm 2013-2014, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để “giải cứu” thị trường này, trong đó có gói vốn 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà ở. Vậy thì không có lý gì khởi nghiệp, có liên quan đến sự phát triển của mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế, lại không xứng đáng được hưởng một quỹ hỗ trợ tối thiểu là 10.000 tỷ đồng.
Chúng ta đừng quên mục tiêu tối hậu là các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là thành phần nòng cốt của nền kinh tế năng động trong tương lai gần. Khi tôi viết con số 10.000 tỷ đồng, thực tâm tôi thầm mong tới con số 100.000 tỷ, nếu chúng ta nhận ra rằng việc khởi nghiệp liên quan đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Đối với những người trẻ, họ gần như vào đời bằng hai bàn tay trắng nên sẽ không có những đòi hỏi quá cao, điều cần tránh là những hô hào suông, hay khuyến khích vô tội vạ.
Với số tiền tài trợ đó, sẽ có nhiều nhóm khởi nghiệp với những công ty có thể giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, nạn thực phẩm bẩn, góp phần xây dựng một cuộc sống tốt lành hơn, thậm chí có thể phát triển dòng ô tô với nhãn hiệu Việt Nam (như Malaysia từng thành công với chiếc ô tô Proton)… được thành lập.
Như chúng ta đã biết, người khởi nghiệp rất khó vượt qua hai, ba “cửa ải” tài chính: vốn ban đầu, vốn bổ sung lúc sản phẩm mới ra đời, vốn để vận hành công ty lúc công ty đi vào hoạt động chính thức. Chỉ cần Chính phủ tài trợ cho mỗi công ty khởi nghiệp nghiêm túc 1 tỷ đồng tiền vốn, thì với 10.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ được 10.000 công ty khởi nghiệp.
Chỉ cần 10.000 tỷ đồng, bằng một phần ba so với số vốn dùng để hỗ trợ thị trường địa ốc, nhưng đã có thể cổ súy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế đi lên, thay đổi bộ mặt công nghệ đất nước. Tôi biết lập luận của tôi có phần đơn giản, nhưng vẫn vạch rõ hướng phải đi.
Thứ ba, những doanh nghiệp được khởi nghiệp sẽ giúp cho mọi miền của lãnh thổ có công ăn việc làm, vì vậy, không nhất thiết phải tập trung khởi nghiệp vào hai thành phố lớn là Hà Nội hay TP.HCM. Khởi nghiệp sẽ tạo việc làm cho mọi thành phần trẻ. Hiện thời, đất nước ta đang có quá nhiều người trẻ không có công ăn việc làm, nhất là tại các vùng nông thôn.
Tôi cho rằng đây không phải là tình huống lý tưởng, mà phải là mối quan tâm của Chính phủ. Khởi nghiệp về nông nghiệp cao cấp, nông nghiệp chuyên đề với công nghệ cao sẽ động viên được mọi thành phần trẻ tại nông thôn. Đây là những lợi ích mang tính dài hạn, có ý nghĩa an ninh quốc gia và an sinh xã hội.
Thứ tư, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ kiến thức cho những người khởi nghiệp bằng cách huy động trí tuệ của các chuyên gia từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau giúp đỡ cho các công ty khởi nghiệp.
Chính phủ cần lựa chọn một đội ngũ chuyên gia giỏi và tài trợ kinh phí cho hoạt động tư vấn với doanh nghiệp khởi nghiệp của họ. Những người trẻ sẽ cần người có kinh nghiệm hỗ trợ và tư vấn, tôi tin rằng họ sẽ đón nhận nhiệt tình những chuyên gia nếu như Chính phủ tài trợ việc này.
Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia đông đảo, một số đông từng được đào tạo tại nước ngoài, thiết tưởng đã đến lúc chúng ta động viên những thành phần này đóng góp vào việc thúc đẩy khởi nghiệp. Tư vấn cho các công ty khởi nghiệp từ những chuyên gia cao cấp sẽ góp phần vào xác xuất thành công.
Thứ năm, mở cửa thư viện và trường đại học cho những người khởi nghiệp. Các trường đại học có nhiều diện tích trống vào những ngày cuối tuần, trong khi các công ty khởi nghiệp rất cần mặt bằng để sinh hoạt. Vì vậy, việc các trường đại học hỗ trợ miễn phí về văn phòng cho người khởi nghiệp cho đến khi công ty khởi nghiệp đi vào thời kỳ vận hành thực sự sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Tại sao tôi nghĩ đến khuôn viên của các trường đại học? Đó là vì số đông nhóm trẻ khởi nghiệp chính là những sinh viên tuấn tú đã hoặc chưa tốt nghiệp của những cơ sở này.
Thứ sáu, trong một số lĩnh vực nhập khẩu công nghệ của Việt Nam (như nhà máy điện, lọc dầu, luyện thép, lắp ráp xe, hóa chất…), Chính phủ cần có sự chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Tất cả các nước trên thế giới đều đã và đang làm việc này.
Việc chuyển giao công nghệ cho những nhóm trẻ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết, Chính phủ có thể chuyển giao công nghệ turbin lớn nhỏ và công nghệ đường sắt cho các công ty khởi nghiệp. Nắm vững được hai công nghệ này sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được tối thiểu ba, bốn chục ngàn tỷ đồng nhập khẩu máy móc mỗi năm, mặt khác tạo ra nhiều việc làm mới với giá trị cao cho nhân sự trẻ trong nước.
Thứ bảy, trong truyền thông sản phẩm, kinh nghiệm cho thấy, ít có công ty khởi nghiệp có đủ tài chính để quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thiết nghĩ, thay vì để tồn tại hàng chục kênh truyền hình, mà đôi khi chiếu những chương trình không có nội dung thiết thực, tốn kém, mỗi ngày hay mỗi tuần, các đài truyền hình nên tặng một, hai giờ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Đây không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá sản phẩm, mà họ còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong những người khác, tạo ra làn sóng khởi nghiệp rộng khắp, nhất lại tại những địa phương đang có con em khởi nghiệp thành công. Chưa kể tới việc này sẽ phong phú hóa và súc tích hóa một số chương trình trên các kênh truyền hình.
Thứ tám, Chính phủ cũng nên khuyến khích các tập đoàn lớn dành sự quan tâm đặc biệt tới khởi nghiệp. Chính những doanh nghiệp này lại thiếu đội sáng tạo. Chi bằng chúng ta hãy nghĩ tới một việc có lợi cho cả giới trẻ khởi nghiệp và doanh nghiệp đang cần làm mới các sản phẩm, hoặc đang tìm hướng đa dạng hóa…
Cần thêm nhiều giải pháp nữa để khởi nghiệp trở thành làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam. Tôi mong sự đóng góp của mọi giới để chúng ta sớm có ít nhất 1.000 công ty khởi nghiệp thành công.
Đối với những người trẻ, họ gần như vào đời bằng hai bàn tay trắng nên sẽ không có những đòi hỏi quá cao, điều cần tránh là những hô hào suông, hay khuyến khích vô tội vạ. Từng tham gia vào những nhóm trẻ với tư duy là hỗ trợ, hỗ trợ và hỗ trợ vô điều kiện, tôi hiểu rõ các nhóm trẻ cần những gì để khởi nghiệp.
Tôi tin tưởng, Chính phủ sẽ cầu thị đón nhận những ý kiến đóng góp đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, để thực hiện một bước ngoặt cho nền công nghiệp nước nhà. Và tôi tin chắc hàng trăm, hàng ngàn nhóm trẻ đang chờ mong những hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ. Nhiều nước đã làm tốt việc thúc đẩy khởi nghiệp, vậy thì không có lý do gì Việt Nam không làm được.
GS. Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, Cố vấn thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp. Ông là người thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, từng qua lại 80 nước, lãnh đạo những đoàn đàm phán (có khi đến 200 người) đi chào bán những nhà máy điện, nhà máy hóa dầu, nhà máy lọc nước hay những dự án xây dựng khách sạn 5 sao, hệ thống metro, hệ thống đường sắt, giá trị nhiều triệu USD, thậm chí lên tới cả tỷ USD.
GS Trường đã hai lần được Tổng thống Pháp tấn phong Hiệp sĩ, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Cuốn sách “Một đời thương thuyết” do Giáo sư viết đã được vinh danh là “Sách Hay” về quản trị vào tháng 9/2016 và được tái bản chính thức 4 lần.