10.000 tài khoản của TAS khó chuyển sang IVS

10.000 tài khoản của TAS khó chuyển sang IVS

(ĐTCK) Thông tin CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) dự định nhận chuyển toàn bộ hơn 10.000 tài khoản của CTCK Tràng An (TAS) đang khiến giới đầu tư bất ngờ, bởi có nhiều vướng mắc xung quanh việc chuyển giao tài khoản này.

10.000 tài khoản của TAS khó chuyển sang IVS ảnh 1

Vướng mắc lớn nhất để IVS nhận các tài khoản chứng khoán từ TAS là các tài khoản mà TAS đã lạm dụng của NĐT

  Theo tìm hiểu của ĐTCK, ông Dương Hiểu Đông, Chủ tịch HĐQT TAS đã trao đổi và xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) về việc xin chuyển toàn bộ số tài khoản của nhà đầu tư tại TAS sang IVS, với số chứng khoán đang nằm tại các tài khoản này khoảng 30 triệu cổ phiếu.

Trong đó, ngoài số lượng tài khoản của người Việt, còn có rất nhiều tài khoản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc IVS, đơn vị nhận chuyển nhượng cho biết, việc chuyển giao này đang gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân.

Để chuyển giao thành công, hai bên phải hoàn thiện, bổ sung các tài liệu liên quan đến thỏa thuận giữa các bên theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) nhằm đảm bảo việc xử lý chặt chẽ, theo đúng quy định về chuyển khoản, tất toán tài khoản.

Ông Hoàn cho biết, TAS có nguyện vọng chuyển tài khoản sang IVS, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, cả hai vẫn chưa chốt được, mà một trong các nguyên nhân là do vướng mắc từ phía người đại diện theo pháp luật của TAS. “Hai bên chưa thống nhất được, nên có khả năng việc chuyển giao sẽ tạm dừng lại”, ông Hoàn nói.

Ngoài nguyên nhân về người đại diện theo pháp luật của TAS, còn có nguyên nhân đến từ những tranh chấp về tài sản giữa TAS và nhà đầu tư. Trao đổi với ĐTCK, anh Q, số tài khoản 041c09xxxx tại TAS cho biết, TAS đã tự ý bán 10.000 cổ phiếu SD9 và làm “bốc hơi gần 100 triệu đồng tiền mặt trong tài khoản của anh.

Dù đã nhiều lần lãnh đạo TAS hứa sẽ bù đắp, song đến nay vẫn chưa giải quyết được. Chính vì vậy, theo anh Q, dù TAS có muốn chuyển tài khoản sang một CTCK khác thì những nghĩa vụ trước đó vẫn còn, Công ty vẫn phải có hướng xử lý trọn vẹn cho nhà đầu tư.

Những nhà đầu tư gặp rủi ro như anh Q đành buộc lòng phải để tài khoản tại TAS với hy vọng ngày nào đó đòi lại được tiền, được chứng khoán.

Còn lại, đa số nhà đầu tư tại TAS, nếu có kinh nghiệm và sự nhạy cảm, đồng thời chưa bị xâm phạm tiền và cổ phiếu bởi Công ty, đã tìm cách chuyển tài khoản của mình sang CTCK khác trước khi Tổng giám đốc TAS bị bắt giữ.

Khối tài khoản còn lại tại TAS hiện nay chủ yếu là những tài khoản còn liên đới nghĩa vụ thanh toán và một phần lớn là tài khoản của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc những nhà đầu tư Việt Nam “chậm chân”, do không nắm được tình hình thực tế tại TAS.

Theo quy định, những CTCK bị cơ quan quản lý buộc ngừng giao dịch đều phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài khoản sang một CTCK khác.

Trước TAS, CTCK SME (SMES) vì vướng vào vụ lừa đảo một số nhà đầu tư, lãnh đạo CTCK này đã bị bắt…, SMES bị ngừng giao dịch và phải tất toán tài khoản cho khách hàng, chuyển sang hai CTCK khác là CTCK Đại Nam và CTCK Phú Gia.

Tuy nhiên, việc chuyển giao tài khoản tại SMES diễn ra khá nhanh chóng và “sạch sẽ” bởi ở Công ty này không vướng chuyện lạm dụng tiền và cổ phiếu trong tài khoản của các nhà đầu tư.

Một thương vụ chuyển giao tài khoản khác cũng từng được thực hiện là CTCK Liên Việt (LVS), chuyển toàn bộ tài khoản của khách hàng sang CTCK Tân Việt. Sau đó LVS chấm dứt tư cách thành viên trên cả hai Sở, chỉ duy trì tư cách thành viên tại VSD. Tại sao các thương vụ chuyển giao trước thực hiện suôn sẻ, nhưng TAS lại khó làm như vậy?

Trao đổi với ĐTCK, Giám đốc môi giới TVSI chia sẻ, trước khi thực hiện chuyển giao, TVSI đã “khoanh vùng” những tài khoản đủ điều kiện, còn đối với những tài khoản vẫn còn nghĩa vụ thanh toán của công ty gốc (LVS) thì sẽ không nhận chuyển giao.

Theo đó, TVSI không phải chịu trách nhiệm gì đối với những tài khoản “dở dang” tại LVS. Bên cạnh đó, dù hai CTCK thỏa thuận với nhau về việc chuyển giao tài khoản, nhưng các khách hàng vẫn có sự lựa chọn chuyển tài khoản sang CTCK khác và đó là quyền của họ.

Dư luận bất ngờ với thông tin IVS dự định nhận chuyển giao tài khoản từ Chứng khoán Tràng An, nhưng có lẽ, cũng như các thương vụ chuyển giao trước, nhân cơ hội này, Tràng An cần trung thực và công khai với thị trường những tài khoản có vấn đề, đồng thời chịu trách nhiệm đến cùng với các tài khoản đó. Có như vậy, IVS mới có thể nhận thêm những tài khoản, khách hàng mới nguyên vẹn và tránh đi những nghĩa vụ pháp lý do tranh chấp đã quá phức tạp mà TAS tạo nên.

>>TVSI cung cấp dịch vụ nộp tiền trực tuyến

>>TVSI sẽ tiếp nhận toàn bộ tài khoản khách hàng từ LVS

>>IVS giảm phí giao dịch xuống còn 0,15%