100% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới

100% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 470/470 đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) gồm có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ trong phiên họp Quốc hội sáng nay ngày 23/7/2021.

Nghị quyết nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Các Bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Tại phiên họp hôm qua 22/7, Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV đã được Chính phủ khóa XIV chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ tuy là giữ ổn định từ nhiệm kỳ khóa XII, nhưng trong nhiệm kỳ khóa XIV, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cả về quy mô, phạm vi quản lý để bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp tinh gọn; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương cơ bản hợp lý hơn; nhiều nội dung quản lý nhà nước có sự chồng chéo, trùng lặp, giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ đã được khắc phục, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Những kết quả này đã được Quốc hội khóa XIV ghi nhận, đánh giá cao.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền.

Tin bài liên quan