100% cơ sở giáo dục được tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
Làm việc với Đoàn khảo sát số 1 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, Bộ GD&ĐT cho biết 100% cơ sở giáo dục thuộc khối THPT tổ chức giảng dạy phòng, chống tham nhũng.
Phó trưởng ban Thường trực Ban nội chính trung ương Võ Văn Dũng trong buổi làm việc.

Phó trưởng ban Thường trực Ban nội chính trung ương Võ Văn Dũng trong buổi làm việc.

100% cơ sở giáo dục được triển khai nội dung phòng, chống tham nhũng

Đoàn khảo sát số 1 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Làm việc với đoàn về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, lãnh đạo một số đơn vị Vụ, Cục.

Về thực trạng và giải pháp công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 (Chỉ thị 10), Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ GD&ĐT phổ biến, quán triệt và triển khai Chỉ thị 10 tới các đơn vị thuộc, trực thuộc và các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 10, việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình và nhận được hưởng ứng tích cực từ phía các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.

Nội dung phòng, chống tham nhũng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của của các đối tượng người học vì ý nghĩa, tầm quan trọng đối với quốc gia, dân tộc và tính chất thời sự; góp phần trang bị cho người học kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng, nâng cao ý thức của người học trong thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.

Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cụ thể, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; biên soạn tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý và tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra...

Qua quá trình đưa phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, đến nay 100% cơ sở giáo dục thuộc khối THPT đã được tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng và hầu hết học sinh cấp THPT đã được tiếp cận, học tập nội dung này. Đối với các học viện, đại học, trường đại học, trường trung cấp sư phạm, việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực và đang từng bước đi vào nề nếp theo hướng giáo dục đạo đức và lối sống liêm chính.

Giáo dục liêm chính là cấp bách và cần thiết

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá: Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã phản ánh bức tranh đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục liêm chính trong ngành giáo dục, đặc biệt cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Ghi nhận từng kết quả cụ thể của ngành giáo dục trong triển khai Chỉ thị 10, đồng chí Võ Văn Dũng cũng nhấn mạnh sự cấp bách, cần thiết của công tác giáo dục liêm chính trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang trong giai đoạn kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng.

Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục liêm chính là vấn đề cấp bách, quan trọng.

Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục liêm chính là vấn đề cấp bách, quan trọng.

Cho rằng, ngành Giáo dục đã đi trước một bước trong công tác giáo dục liêm chính, đồng chí Võ Văn Dũng gợi mở, thống nhất giáo dục liêm chính là một nội dung trong giáo dục đạo đức và cần được tích hợp hài hòa; Bộ GD&ĐT cần chủ động nghiên cứu để cơ cấu lại chương trình phù hợp với các cấp học, đặc biệt là đại học; tiếp tục áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp; quan tâm đào tạo, tuyển dụng đủ số lượng, chất lượng giáo viên, giảng viên; đề xuất, kiến nghị có cơ chế khuyến khích giáo viên, giảng viên...

“Hy vọng giáo dục liêm chính sẽ được chú trọng đúng mức hơn, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hoá liêm chính và xây dựng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ tương lai của đất nước”, đồng chí Võ Văn Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ các quan điểm, định hướng về giáo dục liêm chính, trong đó khẳng định, giáo dục liêm chính không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn hơn thế, bởi đây là giá trị cốt lõi trong giáo dục con người. Giáo dục liêm chính không phải tích hợp hay đưa thêm vào mà là nhiệm vụ tự thân, là mục tiêu lớn, tinh thần lớn của giáo dục; cũng không chỉ thể hiện bằng số tiết, bài giảng, giáo trình mà phải toát ra từ một chương trình giáo dục. Muốn giáo dục liêm chính cần có nền giáo dục liêm chính.

Trong bối cảnh việc thực hiện giáo dục liêm chính có nhiều thách thức như hiện nay, theo Bộ trưởng, quan trọng nhất của giáo dục liêm chính là giáo dục tích cực, lấy giáo dục tích cực làm dòng chủ đạo. Ngoài ra, cần gia tăng giáo dục pháp luật, thực hiện pháp luật, nghiêm minh của thực thi pháp luật.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục liêm chính; vai trò của nhà giáo trong giáo dục liêm chính; sự cần thiết có giáo trình, môn học, chuyên ngành Liêm chính học trong các trường chính trị...

Tin bài liên quan