10 tháng đầu năm, Uỷ ban Chứng khoán ban hành 401 quyết định xử phạt trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 10 tháng đầu năm 2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành 401 quyết định xử phạt trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền xử phạt hơn 30 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn tiêu cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn tiêu cực.

Ngày 7/11, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/10/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với cuối tháng trước và giảm 31,4% so với cuối năm 2021.

Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 214,31 điểm, giảm 14,4% so với cuối tháng trước và giảm 54,8% so với cuối năm 2021.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 27/10/2022 ước đạt 5.343 nghìn tỷ đồng, giảm 31,2% so với cuối năm 2021, tương đương 63,6% GDP.

Trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.030 tỷ đồng/phiên, giảm 16,7% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.365 tỷ đồng/phiên, giảm 19,7% so với bình quân năm trước.

Với 439 mã trái phiếu đang niêm yết, trong tháng 10/2022, giá trị giao dịch bình trên thị trường trái phiếu đạt 3.847 tỷ đồng/phiên, giảm 41,5% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 8.611 tỷ đồng/phiên, giảm 24,5% so với bình quân năm trước.

Cũng trong tháng 10/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 51 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 3,337 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 401 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là hơn 30 tỷ đồng.

Trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 diễn ra chiều 29/10, báo chí nêu câu hỏi với Bộ Tài chính, vì sao thị trường chứng khoán diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị "bốc hơi" trong khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, GDP thì tăng trưởng; đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính cho biết giải pháp.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, nguyên nhân thị trường chứng khoán có điều chỉnh do lạm phát toàn cầu tăng, kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của những nền kinh tế lớn thay đổi; xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; các điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ trong nước... Tất cả đã tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ, để giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống cần tăng cường minh bạch bằng cách yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, "không trình bày nhiều", vi phạm là xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường. "Tất cả các vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố, công khai luôn. Phải kiên quyết như vậy thì chúng ta mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường thông tin chính thống chính xác, kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin đồn thất thiệt song song với rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để có những phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Tại diễn đàn kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, chiều 28/10, phát biểu thảo luận hội trường phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, chủ trương hiện nay là tăng tốc phục hồi kinh tế sau đại dịch song doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của FLC và Tân Hoàng Minh.

Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế, không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, đại biểu Hùng cho rằng, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Đặc biệt, ông Hùng cho rằng, cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường chứng khoán để khơi thông dòng vốn từ kênh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Kết thúc phiên giao dịch chiều 7/11, chỉ số VN Index về mốc 975,19 điểm, tiếp tục "bốc hơi" 21,96 điểm (tương đương 2,2%) so với phiên cuối tuần trước ngày 4/11. So với mốc đỉnh 1.525,58 điểm hôm 6/1, chỉ số này đã đánh rơi mất hơn 550 điểm, tương đương giảm hơn 36%.

Tin bài liên quan