10 sự kiện tài chính, ngân hàng nổi bật 2013

10 sự kiện tài chính, ngân hàng nổi bật 2013

(ĐTCK) Khép lại năm 2013 với nhiều thăng, trầm của nền kinh tế, xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính, ngân hàng theo sự bình chọn của Đầu tư Chứng khoán. 

1.VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ: Cuối năm 2013, VN-Index đạt 504,63 điểm, tăng 21,9% so với mức điểm đạt được cuối năm 2012 (VN-Index cuối năm 2012 là 413,73 điểm).

Nhờ sự tăng trưởng này, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2013.

Xuyên suốt năm 2013 là sự trồi sụt của VN-Index quanh mốc 500 điểm. Mức điểm cao nhất chỉ số này đạt được trong năm là 528 điểm, vào ngày 7/6, đánh dấu sự hồi phục thực sự của TTCK Việt Nam.

Trong năm qua, ấn tượng lớn đối với TTCK là nhiều mã chứng khoán đã được NĐT thay đổi quan điểm định giá, từ mức định giá dành cho cổ phiếu chờ ngày phá sản (P/B chưa đến 0,4 lần) đến mức kỳ vọng DN hồi phục (P/B xấp xỉ 1 lần). Diễn biến này cho thấy, niềm tin của NĐT vào DN, nền kinh tế và TTCK đã bắt đầu phục hồi trở lại.

Cũng trong năm 2013, quyết định về việc kéo dài thời gian giao dịch, mở thêm các công cụ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư chỉ số…) cho NĐT…, góp phần tạo nên sức bật cho TTCK, cả về điểm số và thanh khoản, cũng như thu hút thêm dòng tiền mới.

2.Thị trường trái phiếu đạt kỷ lục mới: Năm 2013 thị trường trái phiếu tại HNX cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng khi giúp Chính phủ huy động 180.000 tỷ đồng, với thanh khoản tăng mạnh, đạt 1.600 tỷ đồng/phiên. Năm 2013, lần đầu tiên, đường cong lợi suất đã chính thức được tính toán và công bố hàng ngày trên HNX.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường trái phiếu chính phủ vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần phải hoàn thiện, cụ thể là trái phiếu do Ngân hàng Phát triển phát hành hiện còn khoảng 300 mã, tuy nhiên quy mô bình quân mỗi mã chỉ đạt 430 tỷ đồng/mã nên thanh khoản chưa cao; đề án chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ về Ngân hàng Nhà nước chưa được triển khai cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các sản phẩm mới của Sở.

3.Sôi động câu chuyện mới về room: Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam đã được hoàn tất và trình lên Thủ tướng Chính phủ theo hướng mở rộng tỷ lệ sở hữu. Đây là câu chuyện được chờ đợi và bàn thảo nhiều nhất trên TTCK năm 2013.

Nới room được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2013, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trên TTCK tăng 54%, giá trị danh mục đến 30/11/2013 tăng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012, đạt 11,5 tỷ USD.

Các con số này đi ngược lại nhiều dự báo cuối năm 2012 về khả năng dòng vốn ngoại thoái lui đầu tư tại Việt Nam trong xu hướng dòng vốn nóng trên thế giới rút khỏi các TTCK mới nổi. Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

4.Tái cấu trúc CTCK có thành quả cụ thể: Sau một quá trình dài quyết tâm tái cấu trúc khối CTCK, đầu tháng 12/2013 (MBS và VITS), thương vụ hợp nhất 2 CTCK đầu tiên đã diễn ra tại TTCK Việt Nam, mở ra một hướng đi mới trong tái cấu trúc CTCK.

Cũng trong năm 2013, TTCK chứng kiến một số CTCK xin rút tư cách thành viên của 2 Sở GDCK (ngừng nghiệp vụ môi giới), tự nguyện giải thể, rút bớt nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh phát hành…

10 sự kiện tài chính, ngân hàng nổi bật 2013 ảnh 1

Thương vụ hợp nhất 2 CTCK (MBS và VITS) đã mở ra hướng đi mới trong cấu trúc CTCK

Đối với mảng công ty quản lý quỹ, năm 2013 chứng kiến đợt tái cấu trúc mạnh mẽ, với việc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt các công ty quản lý quỹ yếu kém, tạm ngừng hoạt động 2 công ty và đình chỉ hoạt động 1 công ty.

Việc UBCK nghiêm khắc xử lý các đơn vị yếu kém, đồng thời phối hợp với các công ty để tìm hướng ra đã góp phần tích cực trong việc tái cấu trúc khối trung gian tài chính.

5. Kỷ lục về số DN hủy niêm yết: Năm 2013, toàn thị trường có 37 DN hủy niêm yết và 13 DN niêm yết mới.

Cùng với việc nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên hai sàn, nhiều công ty yếu kém, hoạt động kinh doanh thua lỗ hoặc không đáp ứng được yêu cầu về công bố thông tin đã phải rời sàn, góp phần thanh lọc hàng hóa trên TTCK.

Bên cạnh đó, việc thêm chế tài cho các DN đã chào bán chứng khoán ra công chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK tập trung (gồm niêm yết và đăng ký giao dịch) được kỳ vọng làm tăng minh bạch sở hữu của nền kinh tế, đa dạng hóa cung hàng trên thị trường, đặc biệt là trên UPCoM, vốn đang khá èo uột.

6. Cụ thể hóa 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán: Lần đầu tiên tại Việt Nam, Thông tư liên tịch số 10/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán chính thức được ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/8/2013.

Theo đó, đã cụ thể hóa 3 tội danh hình sự trong chứng khoán gồm: cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán.

Với Thông tư này, ranh giới giữa tội danh hình sự và vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã rõ ràng hơn, thay vì trước đây, tất cả đều được xử lý vi phạm hành chính.

7. Trên thị trường ngân hàng, điểm nổi bật năm 2013 là nợ xấu ngân hàng giảm mạnh: Tính đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng, giảm so với mức gần 4,8% của tháng 10/2013 và giảm mạnh so với mức tăng xấp xỉ 68% của cùng kỳ năm 2012.

Để triển khai xử lý nợ xấu một cách căn bản, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). VAMC khai trương hoạt động ngày 26/7 và mua khoản nợ xấu đầu tiên vào ngày 1/10, nhưng đến cuối năm 2013, tổ chức này đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu.

Trong bối cảnh lạm phát năm 2013 được kiểm soát tốt, một điểm sáng khác trên thị trường ngân hàng năm 2013 là lãi suất huy động và cho vay giảm kỷ lục. Theo đó, lãi suất huy động dao động quanh mức 7%/năm, lãi suất cho vay phổ biến dao động từ 8 - 12%/năm.

8. Chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD): Ngân hàng Nhà nước đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hoạt động các TCTD thông qua chỉ đạo quyết liệt các tổ chức này thực hiện tất toán toàn bộ số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả từ đầu tháng 7/2013.

Đồng thời, tổ chức đấu thầu bán vàng miếng nhằm giảm sự mất cân đối cung cầu và hỗ trợ các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng.

Từ ngày 28/3 đến 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, bán ra 1,8 triệu lượng vàng, tương đương hơn 67,5 tấn. Tổ chức sản xuất vàng miếng SJC nhằm đáp ứng nhu cầu vàng miếng cho thị trường. Bên cạnh đó, thiết lập một mạng lưới mua bán vàng miếng mới có tổ chức, quản lý, với gần 2.500 điểm giao dịch ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

9. Một năm ghi nhận những vụ án kinh tế chấn động ngành ngân hàng: trong 10 vụ đại án được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao “điểm danh” năm 2013, có 2 vụ án trọng điểm, gây chấn động ngành ngân hàng. Cuối năm 2013, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), cựu Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB với 4 tội danh.

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên bằng thủ thuật đầu tư lòng vòng, đã kinh doanh trái phép qua 6 công ty, với tổng số tiền lên tới 21.490,4 tỷ đồng. Một vụ án khác, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm sẽ được Tòa án Nhân dân TP. HCM đưa ra xét xử ngày 6/1 tới. Đây là vụ án lớn nhất trong lịch sử của ngành ngân hàng khi  bị can chính Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lên tới 3.986 tỷ đồng.

10.Trên thị trường bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện lần đầu tiên ra đời. Ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện. Sự ra đời của bảo hiểm hưu trí tự nguyện đánh dấu sự hoàn thiện và phát triển của hệ thống bảo hiểm hưu trí/bảo hiểm xã hội nói riêng, hệ thống an sinh xã hội nói chung của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh diễn biến tích cực này, mảng bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận một kỷ lục buồn khi tăng trưởng thấp kỷ lục: lần đầu tiên trong lịch sử bảo hiểm phi nhân thọ, đã có một quý đầu năm (2013) tăng trưởng âm tới 5%. Dự báo doanh thu cả năm của  khối này chỉ tăng khoảng 10%, như vậy, 2013 sẽ là năm thị trường có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm vừa qua.

Ngoài ra, bảo hiểm xe máy đã có một năm đầy tai tiếng dù tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông và công văn chỉ đạo “dẹp loạn” của các cơ quan chức năng, nhưng những chiêu lách luật giảm giá của các đại lý bán sản phẩm này vẫn chưa kết thúc.

>>10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2013