10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính 2016

10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính 2016

(ĐTCK) Năm 2016, ngành chứng khoán Việt Nam tròn 20 tuổi, thị trường chứng khoán thứ cấp tiếp tục tăng điểm dù chịu tác động không nhỏ từ những biến động bất ngờ bên ngoài. Xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật theo sự bình chọn của các phóng viên, biên tập viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

20 năm - dấu ấn tự hào ngành chứng khoán

Tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 246/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 11 hàng năm là “Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam”. Ngày này 20 năm trước (28/11/1996), Chính phủ ban hành Nghị định số 75/CP thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể từ ngày 12/3/2004, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, theo Nghị định số 66/2004/NĐ-CP).

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, những người đặt nền móng đầu tiên và gắn bó với những bước thăng trầm của thị trường chứng khoán cũng không khỏi ngạc nhiên về những thành quả vượt ngoài sức tưởng tượng của những ngày đầu.

Việt Nam đã xây dựng được thị trường chứng khoán vận hành suôn sẻ, gồm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, với hơn 1.100 doanh nghiệp đại chúng đưa cổ phiếu vào giao dịch, quy mô vốn hóa gần 80 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, với tổng giá trị vốn huy động tính đến nay đạt hơn 2 triệu tỷ đồng.

Xây chỉ số chung trên 2 sàn - bước tiến hợp nhất Sở

Ngày 24/10/2016, chỉ số chung VNX-Allshare đã chính thức vận hành và là chỉ số cơ sở đầu tiên kết nối 2 sàn niêm yết hiện nay. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trên con đường hợp nhất 2 Sở GDCK tại Việt Nam.

Việc ra đời chỉ số chung VNX-Allshare được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi từ trước đến nay, 2 Sở GDCK tại Việt Nam vận hành những bộ chỉ số độc lập. Các chỉ số hiện hành của mỗi Sở đo lường sự biến động chứng khoán tại mỗi Sở, chưa có chỉ số nào đo lường sự biến động chung của chỉ số trên toàn TTCK Việt Nam.

Quyết  chế tài xử phạt các doanh  nghiệp chậm lên sàn

Ngày 1/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.

10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính 2016 ảnh 1

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên giao dịch trên TTCK tập trung sẽ bị phạt tiền. Có 6 mức phạt khác nhau, dựa theo thời gian chậm lên sàn. Mức phạt cao nhất là 400 triệu đồng đối với hành vi niêm yết/đăng ký giao dịch quá thời hạn trên 12 tháng.

Một trong những quy định khác đáng chú ý trong Nghị định số 145/2016/NĐ-CP là hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 400 - 700 triệu đồng.

Gắn chặt IPO với sàn chứng khoán

Thông tư số 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần chính thức có hiệu lực. Theo quy định của Thông tư này, chỉ sau khoảng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều so với quy định trong vòng 90 ngày tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg. 

Quyết hành lang pháp lý cho quỹ hưu trí tự nguyện

Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Việc hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích tiết kiệm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn dài hạn trên thị trường vốn theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. 

Thị trường trái phiếu chính phủ lập kỷ lục mới

Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất huy động giảm mạnh (có thời điểm kỳ hạn 5 năm về dưới mốc 5%/năm, giảm tới 175 điểm cơ bản so với cùng kỳ, từ 6,65% xuống 4,9%/năm), khi kỳ hạn vay kéo dài có ý nghĩa rất lớn đối với việc tái cơ cấu kỳ hạn nợ của Chính phủ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ, giảm bớt áp lực lên “đỉnh” nợ ngắn hạn và chi phí huy động vốn.

Năm 2016, cũng là năm ghi nhận sự sôi động của thị trường TPCP thứ cấp. Chưa năm nào, tổng lượng giao dịch TPCP đạt con số khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và giá trị bình quân phiên đạt trên 6.000 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó, lượng giao dịch repo đã chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều, một minh chứng cho thấy thị trường đã có sự phát triển mạnh theo chiều sâu. 

Dấu ấn bán vốn tại Vinamilk: cần hướng đi mới

Ngày 12/12/2016, phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần của Nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) đã diễn ra tại Sở GDCK TP.HCM. Theo đó, 78.378.300 cổ phần VNM, tương đương 60% số lượng cổ phần chào bán, đã được bán cho 2 nhà đầu tư ngoại.

Thương vụ thoái vốn tại Vinamilk được xem là một thương vụ tiêu biểu của năm 2016 (giá trị giao dịch lớn nhất Đông Nam Á năm 2016, 500 triệu USD). Tuy nhiên, khối lượng bán được thấp hơn nhiều khối lượng chào bán cho thấy, việc bán vốn các ông lớn tiếp theo trong năm 2017 (Sabeco, Habeco, Vinatex…) cần có những cách làm mới, để đạt hiệu quả cao hơn. 

Dấu ấn của những cú sốc từ bên ngoài

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài có tác động mạnh mẽ chưa từng thấy. Đó là các sự kiện rất ít nhà đầu tư nghĩ tới khả năng xảy ra như: sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11.

Hầu hết các sự kiện này đều tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam và dẫn đến hoạt động bán tháo, dù chỉ là những biến động từ bên ngoài. Ngày 24/6, VN-Index có lúc đã sụt giảm 5,47%, ngày 9/11 có lúc giảm 3%. Tuy nhiên, do nền tảng của thị trường vẫn tốt nên đã phục hồi ngay sau đó. 

Chia nhỏ bước giá - thúc thị trường thanh khoản

Từ tháng 9/2016, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), nhà đầu tư được phép đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tối đa 500.000 đơn vị/lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, thay vì mức tối đa trước đó là 19.990 đơn vị. Bên cạnh đó, HOSE chia nhỏ đơn vị yết giá: 10 đồng đối với cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng, 50 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 49.950 đồng và 100 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng trở lên.

Đơn vị yết giá theo quy định cũ là 100 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng, tương ứng với các chứng khoán có thị giá dưới 50.000 đồng, từ 50.000 đồng và từ 100.000 đồng trở lên. Đơn vị yết giá mới đối với chứng chỉ quỹ là 10 đồng, áp dụng cho tất cả các mức giá.

Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị yết giá đối với cổ phiếu từ ngày 12/9/2016 giữ nguyên là 100 đồng, nhưng đối với chứng chỉ quỹ ETF giảm từ 100 đồng xuống 1 đồng. Những giải pháp mới này nhằm thúc đẩy thanh khoản và giúp nhà đầu tư tăng hiệu quả khi giao dịch.

Khoảng hở về minh bạch và trung thực còn lớn

Dấu ấn khó quên, nhất là với nhà đầu tư chứng khoán là câu chuyện về TTF khi báo cáo tài chính hợp nhất của TTF công bố hàng tồn kho của Công ty bị phát hiện thiếu khi kiểm kê lên đến gần 980 tỷ đồng, dẫn đến phải điều chỉnh về trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Một “dấu ấn” khác là JVC - từ mức vốn chủ sở hữu hơn 1.892 tỷ đồng đầu năm tài chính 2015 - 2016 (tại ngày 1/4/2015), đến ngày 31/3/2016, vốn chủ sở hữu JVC giảm mạnh còn 556,42 tỷ đồng, do thua lỗ trong kỳ lên đến gần 1.336 tỷ đồng. Đây là một cú sốc cho những người đã tin tưởng đầu tư vào JVC giai đoạn trước. Điều đáng nói là, yếu tố tạo nên thua lỗ này không phải do hoạt động kinh doanh chính mà do phải trích lập dự phòng từ “hệ quả” của lãnh đạo cũ để lại.

Khoảng hở về minh bạch và trung thực còn lớn, khiến nhiệm vụ phát triển TTCK còn không ít gian nan phía trước.

Tin bài liên quan