IPO MobiFone được nhiều nhà đầu tư đánh giá là phiên IPO hấp dẫn nhất trong năm 2016. Ảnh: Đức Thanh

IPO MobiFone được nhiều nhà đầu tư đánh giá là phiên IPO hấp dẫn nhất trong năm 2016. Ảnh: Đức Thanh

10 phiên IPO “khủng” tạo nguồn hàng nóng cho M&A 2016

Các phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn đã lên sàn cùng một số phiên IPO khác chuẩn bị thực hiện trong năm 2016 là nguồn hàng được nhiều nhà đầu tư trông đợi.     

1. IPO Công ty mẹ - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM):

Phiên IPO của VEAM ngày 29/8 được xem là đợt IPO lớn nhất năm 2016.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, vốn điều lệ của VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 678 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ; cổ phần đấu giá công khai là 167 triệu đơn vị, chiếm 12,57% vốn điều lệ.

Với giá khởi điểm IPO là 14.290 đồng, vốn hóa của VEAM và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là 19.000 tỷ đồng và gần 2.400 tỷ đồng.

Phiên IPO này hấp dẫn giới đầu tư, bởi VEAM đang nắm cổ phần tại 3 liên doanh lắp ráp xe máy, ô tô lớn tại Việt Nam, đó là Honda, Toyota và Ford.

2. IPO Công ty mẹ - Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam)

Mặc dù phiên IPO của Vigecam đã bị tạm dừng ngay trước ngày đấu giá do “đề nghị của cơ quan chức năng”, nhưng đây là một trong những doanh nghiệp IPO thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong tháng 7/2016.

Theo kế hoạch ban đầu, 6.350.580 cổ phần của Vigecam được chào bán với mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phần, tương đương 28,87% vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vigecam là 220 tỷ đồng. Đã có 21 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, với tổng số cổ phần chào mua cao gấp gần 3 lần số cổ phần chào bán.

Phiên IPO của Vigecam thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong thời gian qua bởi Vigecam đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Đặc biệt, theo phương án cổ phần hóa Vigecam đã được phê duyệt, 2 cổ đông chiến lược của Vigecam là Tổng công ty Rau quả, nông sản - CTCP (Vegetexco) nắm 45% và CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNAinsurance) nắm 25%. Trong đó, Vegetexco được biết đến là doanh nghiệp IPO chưa lâu và có quan hệ mật thiết với Tập đoàn T&T.

3. Đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Viglacera - CTCP

Sau thành công của đợt IPO Viglacera năm 2014, cuối tháng 7/2016, Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại Viglacera thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần.

Với 30 triệu cổ phần đem ra đấu giá với giá khởi điểm 11.700 đồng/cổ phần, đã có 178 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 19 tổ chức và 159 cá nhân. Các nhà đầu tư đã đặt mua tổng cộng 82,33 triệu cổ phần, gấp 2,7 lần số cổ phiếu chào bán. Kết quả, chỉ có 5 nhà đầu tư đấu giá thành công 30 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân 13.923 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc Nhà nước thu về 417,7 tỷ đồng từ phiên đấu giá này.

Phiên đấu giá không chỉ hấp dẫn bởi giá chào bán thấp hơn thị giá tại thời điểm công bố đấu giá, mà còn bởi sau khi cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Viglacera đã tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận qua các quý.

4. IPO Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)

Mặc dù không phải là phiên IPO lớn nhất của năm, nhưng phiên IPO của Vissan lại là phiên IPO nghẹt thở nhất, bởi giá đấu được đẩy lên cao gấp 5 lần giá chào bán.

Tại phiên đấu giá này, toàn bộ 11,33 triệu cổ phần (tương ứng 14% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phần đã được bán hết cho 6 nhà đầu tư, gồm 5 cá nhân và 1 tổ chức nước ngoài. Giá đấu thành công cao nhất của phiên IPO này lên tới 102.000 đồng/cổ phần, gấp 5 lần giá chào bán. Với giá đấu bình quân 80.053 đồng/cổ phần, Nhà nước đã thu về 906 tỷ đồng từ phiên IPO.

Đồng thời, sau phiên đấu giá trên, Vissan đã lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược là CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) - công ty thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Masan. Anco đã phải bỏ ra gần 1.428 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ 11,33 triệu cổ phần (tương đương 14% vốn điều lệ) bán cho nhà đầu tư chiến lược.

5. IPO Công ty mẹ - Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm)

Phiên IPO của Vinapharm diễn ra cuối tháng 6/2016 cũng là một trong những phiên IPO đình đám của năm nay, với tỷ lệ thành công 100%, có 175 nhà đầu tư trúng thầu.

Với số cổ phần chào bán là 42,56 triệu cổ phần, chiếm 18% vốn điều lệ, các nhà đầu tư đã chào mua tổng cộng hơn 61 triệu cổ phiếu, gấp 1,4 lần con số được chào bán đấu giá. Với mức giá trúng thầu trung bình là 10.433 đồng/cổ phần, Nhà nước đã thu về 444 tỷ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh khả quan, đem lại doanh thu và lợi nhuận khá đều hàng năm, Vinapharm cũng nắm quyền sử dụng tổng diện tích đất lên tới 9.869,2 m2. Tại địa chỉ 95 Láng Hạ, Hà Nội, Vinapharm là một trong nhiều chủ sở hữu tài sản trên đất, đang xây dựng kế hoạch hợp tác với CTCP Đầu tư tài chính Đất Việt và CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng để thực hiện Dự án Trung tâm Dược phẩm, văn phòng - căn hộ.

6. IPO Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1)

Phiên IPO của CC1 với 14.089.100 cổ phần ngày 20/7 đã thu hút 73 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua tổng cộng hơn 68,958 triệu cổ phần, gấp 4,8 lần so với số lượng cổ phần chào bán. CC1 đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần chào bán và thu về hơn 200 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, CC1 có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn của CC1, Nhà nước nắm giữ 40%, nhà đầu tư chiến lược nắm 45%, người lao động mua ưu đãi 2,1% và IPO 12,81%.

CC1 lựa chọn 2 cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (đăng ký mua 41,8 triệu cổ phần, tương đương 38% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Top American Việt Nam (đăng ký mua 7,7 triệu cổ phần, tương đương 7% vốn điều lệ).

7. IPO Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina)

Đợt IPO của Savina diễn ra tháng 3/2016 đã thành công với 100% cổ phần chào bán được bán hết cho 74 nhà đầu tư. Phiên IPO hơn 16 triệu cổ phiếu của Savina (tương đương hơn 24% vốn điều lệ) đã “nóng” từ trước đó, khi có 243 nhà đầu tư tham gia, với tổng số lượng đăng ký mua hơn 30 triệu cổ phiếu, gấp gần 2 lần lượng chào bán.

Mặc dù có kết quả kinh doanh không mấy nổi bật, nhưng phiên IPO này hội tụ 2 yếu tố khiến nhà đầu tư hào hứng là Savina sở hữu nhiều “đất vàng” và sự tham gia của ông lớn Vingroup trong vai trò cổ đông chiến lược nắm giữ phần vốn lớn nhất (65% vốn điều lệ). Savina hiện sở hữu quyền sử dụng 3 khu “đất vàng” ở trung tâm Hà Nội: tại số 44 Tràng Tiền với diện tích 712 m2; tại 22A và 22B Hai Bà Trưng với diện tích lần lượt là 1.202 m2 và 2.203 m2. Theo kế hoạch của Savina, khu đất 22A và 22B Hai Bà Trưng sẽ được Công ty đầu tư Dự án Trung tâm Văn hóa và Dịch vụ thương mại Savina Plaza.

8. IPO 4 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng dự kiến tiến hành IPO Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) trong năm nay.

Tổng công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, chiếm 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện. Năm 2014, Sông Đà đạt hơn 21.000 tỷ đồng doanh thu và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 254 tỷ đồng.

HUD là chủ đầu tư của hàng loạt dự án trên khắp cả nước và là chủ đầu tư nhiều dự án khu đô thị mới tại TP. Hà Nội, như Định Công (35 ha), Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (184 ha), Khu đô thị Mỹ Đình, Khu đô thị Việt Hưng… Hiện vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng.

Vicem sở hữu 8 đơn vị thành viên, gồm: Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân và Vicem Tam Điệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp thành viên đã hoàn thành xong cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên).

Trong khi đó, IDICO đã và đang đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành 17 dự án khu công nghiệp trên cả nước, với diện tích khoảng 7.000 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, như Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch 5 (tỉnh Đồng Nai); Mỹ Xuân A, Phú Mỹ II (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Kim Hoa (tỉnh Vĩnh Phúc); Quế Võ 2 (tỉnh Bắc Ninh)… Năm 2015, vốn chủ sở hữu của IDICO đạt 2.600 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản 12.455 tỷ đồng; tổng giá trị sản lượng đạt 9.025 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 272 tỷ đồng.

9. IPO Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Theo Quyết định số 1759/QĐ-DKVN ngày 28/7/2015 về cổ phần hóa PV Power và Quyết định số 2307/QĐ-DKVN ngày 24/9/2015 phê duyệt kế hoạch tiến độ cổ phần hóa PV Power, thì việc IPO doanh nghiệp này được tiến hành vào tháng 10/2016; tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp, ra mắt công ty cổ phần vào tháng 12/2016.

Hiện PVN năm nắm 75% vốn điều lệ của PV Power. 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng điện của PV Power đạt hơn 10,7 tỷ kWh. Doanh thu toàn PV Power ước đạt 12.398 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 897 tỷ đồng, bằng 149% kế hoạch cả năm 2016, nộp ngân sách nhà nước đạt 563 tỷ đồng.

10. IPO Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone)

Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), MobiFone là cái tên được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược.

Dự kiến phiên IPO MobiFone sẽ được thực hiện trong quý III/2016.

Sau khi tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và thành lập Tổng công ty, MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2010 - 2014, tổng doanh thu của MobiFone đạt hơn 191.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 8%/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 33.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 6%/năm) và nộp ngân sách gần 23.000 tỷ đồng. Năm 2015, MobiFone đạt doanh thu 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận 7.395 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 49,35%, nộp ngân sách 6.922 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.

Tin bài liên quan