Ông Lê Đình Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TSC)
11 năm trước, 6 người chúng tôi thuộc Phòng quản lý dự án của Ngân hàng Quân đội nhận nhiệm vụ thành lập CTCK trong tình huống hiểu biết về chứng khoán là qua sách vở. Với số vốn điều lệ ban đầu 9 tỷ đồng, với những phương tiện rất thô sơ, phần mềm giao dịch bằng exel và foxpro, công bố thông tin bằng một chiếc tivi 21 inch, chúng tôi đã khởi đầu hoạt động như vậy trong lĩnh vực chứng khoán.
Ngay sau năm đầu tiên với những háo hức, căng thẳng và thú vị là quãng thời gian trầm lắng kéo dài trong gần 4 năm tiếp theo của TTCK. Trong suốt thời gian đó, nếu không có sự kiên định và quyết tâm vượt qua khó khăn, TSC có thể đã không tồn tại đến ngày hôm nay.
10 năm của TTCK Việt Nam cũng là 10 năm tập thể TSC kiên trì lao động, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, đóng góp một phần vào sự phát triển của các DN, TTCK và nền kinh tế. Dù đã đạt được những thành tích nhất định, nhưng chúng tôi luôn ý thức rằng, với những biến động của nền kinh tế sau khủng hoảng, khó khăn và cơ hội luôn song hành đối với các DN nói chung, các CTCK nói riêng. Cũng chỉ một thời gian rất ngắn nữa, theo cam kết WTO, các CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam, điều này bắt buộc các CTCK trong nước phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới. 10 năm không phải là một thời gian quá dài, tuy nhiên trong một lĩnh vực sôi động như lĩnh vực chứng khoán, 10 năm vừa qua đã chứa đựng đầy đủ sắc thái của kinh doanh cũng như của cuộc sống, có gian nan và thành công, có mồ hôi nước mắt và những nụ cười, có cay đắng và vinh quang. Với những trải nghiệm thực tế và tích lũy về kinh nghiệm 10 năm qua, chúng tôi luôn hướng đến tương lai của TTCK Việt Nam với một niềm tin sâu sắc rằng, TTCK Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới.
Ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)
Khởi đầu TTCK Việt Nam chỉ với 2 DN niêm yết, sau 10 năm, TTCK đã phát triển bùng nổ cả về số lượng, quy mô vốn hóa lẫn chất lượng DN niêm yết. Tuy vậy, TTCK Việt Nam hiện tại vẫn còn rất tiềm năng và nhiều cơ hội Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho kinh tế Việt Nam và đặc biệt TTCK Việt Nam nói riêng chịu tác động khá mạnh và làm chậm tiến trình cổ phần hóa trong những năm qua. Do vậy nỗ lực phục hồi kinh tế cùng với cam kết gia nhập chính thức WTO theo đúng lộ trình đề ra… sẽ là động lực giúp cho quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước lẫn khối tư nhân diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng hơn trong thời gian tới. Và đây là một trong những cơ sở để chúng tôi có thể tự tin vào tiềm năng của TTCK Việt Nam.
Thứ hai, ngoài những yếu tố từ nội lực từ nền kinh tế, từ DN và năng lực tài chính kể trên; hạ tầng TTCK Việt Nam được nhìn nhận ở mức cơ bản nên còn nhiều cơ hội để phát triển hơn. Hiện nay, sản phẩm giao dịch trên thị trường chỉ là những "nguyên liệu cơ bản", chưa có những sản phẩm phái sinh hay những công cụ tài chính cao cấp khác. Với góc nhìn tích cực thì những thay đổi trong tương lai sẽ tạo nên những cơ hội, những dư địa đầy tiềm năng của TTCK Việt Nam.
Khi nhận thấy nhiều lý do để tự tin TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển lâu dài, chúng tôi quan niệm rằng, không nhất thiết phải đánh đổi mục tiêu ngắn hạn là cạnh tranh bằng mọi giá với các DN cùng ngành. Chúng tôi đang tiếp tục nâng cao hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao năng lực nhân sự và tổ chức tốt việc triển khai các sản phẩm mới vượt trội để tiếp tục duy trì vị trí trong Top 10 thị phần đã đạt được và góp phần vào công tác chuyên nghiệp hóa hoạt động của TTCK Việt Nam.
Bà Lê Lệ Hằng, Quyền tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI
Có nhiều điều đáng để tự hào về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 10 năm qua. Từ chỗ TTCK vẫn còn là một khái niệm rất "foreign" với Chính phủ, các cơ quan làm chính sách cho tới những nhà đầu tư ở Việt Nam, thì nay TTCK, đã được rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi. Từ chỗ cả TTCK chỉ có 2 DN niêm yết, đến nay, TTCK đã có hơn 560 DN niêm yết trên hai sàn, chưa kể các công ty đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. TTCK thực sự đã mở ra một kênh huy động vốn hiệu quả hơn cho nhiều DN và cũng tạo động lực buộc nhiều DN phải cải tổ để cạnh tranh, tạo ra một sân chơi công bằng hơn và thúc đẩy các DN nỗ lực hơn trong việc sản xuất kinh doanh để mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động.
Với giá trị vốn hóa TTCK mới bằng khoảng 40% GDP như hiện nay, bước tiến trong tương lai còn rất nhiều và đây mới chỉ là bước khởi đầu của thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai cũng có nhiều khó khăn mà các nhà làm chính sách sẽ phải nỗ lực hơn nữa, nhất là trong việc yêu cầu DN minh bạch hơn trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cũng như việc minh bạch về cơ cấu cổ đông và lợi ích của Hội đồng quản trị. Ngoài ra, các sản phẩm trên TTCK Việt Nam vẫn còn sơ sài, vì thế trong chặng đường tiếp theo, TTCK cần phải có nhiều sản phẩm mới mới có thể thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư.
Việc xây dựng một hệ thống khung pháp lý chuẩn mực, rõ ràng cũng rất quan trọng, vì hiện tại, nhiều quy định pháp lý vẫn còn chưa thật rõ ràng, khiến nhiều DN cũng như CTCK vẫn có thể lách luật để thao túng thị trường. Đến năm 2012, các CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam. Lực lượng này sẽ tạo nên nhiều sự cạnh tranh hơn đối với các CTCK trong nước, do vậy, các CTCK trong nước cũng cần phải có những chiến lược phát triển từ bây giờ để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa.
Nguồn cung sẽ cải thiện dần và sẽ tăng lên nhiều đòi hỏi hệ thống giám sát phải tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần cởi mở hơn trong những vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn, nên cho phép các tổ chức đầu tư được mở nhiều hơn 1 tài khoản, vì hiện tại, quy định 1 nhà đầu tư chỉ được mở 1 tài khoản tại 1 CTCK có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc CTCK Vietcombank
TTCK 10 năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, làm tốt vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Thành phần quan trọng trên TTCK là các CTCK, tuy số lượng khá nhiều, nhưng chất lượng chưa cao. Vì sự chênh lệch trình độ phát triển giữa nhóm CTCK lớn và phần còn lại khá nhiều, nên gây khó khăn cho triển khai công nghệ mới, sản phẩm mới, tiêu chuẩn quản lý mới cho toàn TTCK.
Qui mô vốn hóa TTCK so với GDP có vẻ rất cao, nhưng vai trò dẫn vốn cho các hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tác động trực tiếp đến nền kinh tế còn thấp. Các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên TTCK hiện còn quá đơn giản, chất lượng không cao, nhất là các dịch vụ liên quan đến huy động vốn, M&A. Việc chậm CPH các DNNN lớn khiến TTCK mới chỉ là sân chơi chủ yếu của các DN vừa và nhỏ, nên NĐT đa phần cũng chỉ là các cá nhân, tổ chức quy mô vừa và nhỏ. Để TTCK phát triển trong trung và dài hạn, Chính phủ và các cấp quản lý cần hoạch định một chiến lược phát triển phù hợp hơn, các thành phần tham gia TTCK, đặc biệt là các CTCK cần có một tầm nhìn dài hạn, phát triển lành mạnh, bền vững.
Ngay từ khi thành lập năm 2002, VCBS đã định hướng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một Investment Bank tầm khu vực, từ đó hỗ trợ cho hoạt động tự doanh và môi giới của Công ty.
Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ MB Capital
Cũng ngày này cách đây 10 năm, tôi là một trong số những đại diện sàn ngồi tại sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM, hồi hộp và vinh dự theo dõi bảng điện tử, gõ những lệnh giao dịch đầu tiên vào hệ thống khớp lệnh và được đón Phó Thủ tướng Chính phủ đến đánh cồng khai trương TTCK Việt Nam. Hồi đó, toàn TTCK Việt Nam mới chỉ có 6 CTCK và tôi khi đó là đại diện giao dịch tại sàn của CTCK Thăng Long.
10 năm qua, TTCK có bước phát triển vượt bậc và tôi tin rằng, 10 năm tới TTCK Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Kỳ vọng TTCK Việt Nam 10 năm tới có thể sánh với TTCK Singapore hay Hồng Kông bây giờ có thể là hơi quá lạc quan, nhưng có lẽ sẽ không viển vông khi kỳ vọng TTCK 10 năm nữa sẽ phát triển tương đương TTCK của các nước lân cận, như Thái Lan, Trung Quốc hay Malaysia.
10 năm vừa qua, Việt Nam đã tạo dựng thành công một TTCK với đầy đủ những nhân tố cơ bản trong đó. Sự phát triển của TTCK 10 năm qua chủ yếu theo chiều rộng và nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, có thể TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lại có tác động tích cực đến sự phát triển của TTCK trong dài hạn. Còn nhớ, từ năm 2000 - 2007, sự tăng trưởng vượt bậc của TTCK làm cho các chủ thể cảm thấy việc tham gia TTCK là quá dễ dàng. Nhưng cuộc khủng hoảng nổ ra đã khiến nhiều người phải gánh chịu những bài học đắt giá.
Với mô hình quỹ đầu tư, nếu như các năm 2006-2007, quỹ đầu tư rất dễ huy động vốn, rất dễ sinh lợi đồng vốn, thì sau đó, vào giai đoạn 2008 - 2009 khi cuộc khủng hoảng nổ ra, hầu hết các quỹ đều thua lỗ nặng nề. Từ thực tế này, việc huy động vốn để lập quỹ trở nên khó khăn hơn nhiều, các nhà đầu tư trở nên khó tính hơn, đòi hỏi công ty quản lý quỹ phải nâng cao quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo ra động lực để thị trường hoàn thiện hơn.
Qua 10 năm thăng trầm cùng TTCK, nhiều gương mặt cũ đã chia tay với ngành. Những người kinh qua 10 năm cũng đã có những bài học xương máu. Rõ ràng, cuộc chơi trên TTCK là không đơn giản khi những vị trí nóng trong ngành như tổng giám đốc các CTCK, công ty quản lý quỹ liên tục thay đổi. Một nghề đầy thách thức và thú vị với nhưng ai đam mê và dám đương đầu.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS)
TTCK Việt Nam trong những năm qua phát triển khá sôi động và trở thành một lĩnh vực nổi bật trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, thu hút sự quan tâm của nhiều DN và nhà đầu tư. Đây có thể coi là một thành quả quan trọng trong quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam và cũng là một dấu ấn nổi bật trên chặng đường 10 năm của TTCK.
Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển của thị trường trong thời gian tới là rất lớn khi có sự tham gia nhiều hơn của các công ty đại chúng làm tăng cả chất và lượng của hàng hóa trên thị trường, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và đặc biệt là năng lực phục vụ và tính chuyên nghiệp của các CTCK cũng được nâng cao. Với mục tiêu lấy sự hài lòng và thành công của khách hàng làm thước đo chất lượng dịch vụ, IRS sẽ duy trì chính sách chăm sóc khách hàng đa dạng, nhiều tầng lớp và mang tính chất tổng lực toàn Công ty, phấn đấu trở thành hình mẫu của một CTCK thân thiện với chất lượng phục vụ khách hàng tốt nhất, có bản sắc riêng. Trong đó, thương hiệu IRS sẽ gắn liền với thương hiệu nhà đầu tư tại IRS, bởi chúng tôi luôn coi khách hàng như một thành viên của Công ty.
Ông Huỳnh Minh, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi không quá bi quan về triển vọng của TTCK khi các nền tảng kinh tế vĩ mô và tình hình kinh doanh của các DN hiện tại khá ổn định. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cho rằng thị trường sẽ không có nhiều bứt phá mạnh về điểm số trong năm nay. Lý do xuất phát từ việc tăng vốn của nhiều DN, đặc biệt là khối ngân hàng sẽ tập trung vào nửa cuối năm. Quan điểm của chúng tôi là thị trường tích lũy trong năm 2010, nhưng sẽ vững chắc từng bước cải thiện dần về mặt điểm số. Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ ở mức khoảng 550 - 600 điểm vào cuối năm, tương ứng với mức tăng từ 10 - 20% so với hiện tại - một mức lợi nhuận khá khả quan đứng trên quan điểm của NĐT đầu tư giá trị.
Trong bối cảnh năm 2010, TTCK khó có những "con sóng" mạnh mẽ như trong quá khứ, với hơn 100 CTCK hiện nay, việc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần giữa khối các CTCK đang diễn ra rất gay gắt. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế, lĩnh vực môi giới là mảng kinh doanh khá quan trọng của tất cả các CTCK nhưng không phải là nhân tố quyết định tới lợi nhuận. Vì thế, VCSC coi sự phát triển của mảng dịch vụ tư vấn tài chính DN, tư vấn đầu tư sẽ là nền tảng quan trọng, tác động và hỗ trợ các hoạt động khác của Công ty. Chúng tôi đã và đang tiến hành những bước đi cụ thể, tác động tích cực đến việc đưa VCSC vào nhóm 3 ngân hàng đầu tư hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
Có thể nói, tốc độ tăng trưởng của TTCK 10 năm qua là rất ấn tượng, nhưng theo tôi chặng đường 10 năm qua của TTCK mới chỉ là bước chuẩn bị. Số lượng nhân viên có chứng chỉ hành nghề tuy nhiều nhưng cũng chỉ xấp xỉ số nhân viên của một ngân hàng TMCP lớn. Điều này cho thấy TTCK chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của DN, và nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn. Việc phát hành trái phiếu DN chưa phát triển. Hàng trăm tỷ USD trong dân vẫn ở dạng dự trữ hoặc gửi tiết kiệm chứ chưa đưa vào đầu tư trên TTCK để sinh lời. Tỷ lệ nhà đầu tư/dân cư ở độ tuổi lao động chỉ chiếm 2% trong khi ở các nước phát triển là 10%, vốn hóa thị trường so với GDP vẫn còn rất nhỏ bé khi so với tỷ lệ 150 - 300% trên thế giới.
Để thị trường phát triển mạnh trong thời gian tới, cần phải có ngay các sản phẩm thông dụng trên thị trường thế giới như cho mua, bán trong ngày, cho vay mua, bán chứng khoán... và xa hơn là cho phép giao dịch các sản phẩm phái sinh, cho thành lập các quỹ hưu trí (pension fund), đồng thời hạn chế mô hình các quỹ đánh theo sóng (hedge fund) do bản chất đánh nhanh, rút sớm của họ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển lâu dài của thị trường. Về phía cơ quan quản lý, cũng cần đặt mục tiêu dài hạn, nâng tầm TTCK lên thành kênh huy động vốn lớn của nền kinh tế và luôn nghiên cứu, ủng hộ các sản phẩm mới vì sự phát triển đa dạng và lớn mạnh của TTCK.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Sau 10 năm thành lập, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng phải nói rằng, TTCK Việt Nam đã đạt được những bước phát triển hết sức ấn tượng, thực sự khẳng định được vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, TTCK Việt Nam đã thực sự tạo một cú hích hết sức quan trọng cho những thay đổi có tính đột phá của cộng đồng DN Việt Nam, từng bước tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, tạo động lực cho sự phát triển của các DN và cho cả nền kinh tế.
CTCK Rồng Việt được thành lập từ năm 2006 trong bối cảnh TTCK Việt Nam ở giai đoạn phát triển quá nóng và cùng trải nghiệm những thăng trầm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Rồng Việt đã có những trải nghiệm hết sức quý báu nhờ tham gia hoạt động trong khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ nhất, nhiều thử thách nhất trong lịch sử 10 năm thành lập của TTCK Việt Nam. Những trải nghiệm sẽ giúp Rồng Việt trưởng thành hơn và định hướng rõ ràng hơn về chiến lược phát triển trong giai đoạn 2010-2015.
Tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế và TTCK Việt Nam, Rồng Việt phấn đấu sẽ thuộc nhóm 10 CTCK hàng đầu Việt Nam vào năm 2012 dựa vào ba trụ cột kinh doanh chính là môi giới, ngân hàng đầu tư và đầu tư tài chính.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu là đến cuối năm 2012, Công ty phải đạt được mức vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, thu hút tối thiểu 120.000 tài khoản nhà đầu tư. Rồng Việt cũng nghiên cứu khả năng mua lại, sáp nhập hoặc thành lập mới công ty quản lý quỹ nhằm tiếp cận và cung cấp dịch vụ quản lý quỹ - quản lý tài sản.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Giám đốc đầu tư Vina Capital
Vina Capital rất tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam và tin rằng đây là thị trường rất hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác, cũng như các thị trường của các nước đã phát triển. Kinh tế Việt Nam đã và đang phuc hồi với dấu hiệu nhanh và rõ ràng sau khủng hoảng. Đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn với thị trường ở thời điểm này.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất lớn vì cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, theo đó là tăng trưởng về cả tiêu dùng và tái đầu tư từ dân chúng, vay nợ thấp. Đây là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng. Đặc biệt, điều này đã được chứng minh trong thời kỳ khủng hỏang vừa qua, năm 2008- 2009, trong khi DN lớn trên thế giới khó mà duy trì được doanh thu và lợi nhuận không bị sụt giảm thì các DN hàng đầu của Việt Nam, vẫn dễ dàng đạt được mức tăng trưởng từ 10 đến 30%.
Hiện nay, lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế là chưa cao, chưa có nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam lấy chất lượng làm nền tảng để phát triển nên có ưu thế để phát triển thị trường ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Với nền tảng dân số trẻ, sáng tạo, nguồn vốn tiết kiệm và tái đầu tư trong dân chúng ngày càng cao, DN, nền kinh tế và TTCK Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển.