Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán những trăn trở về việc nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên, cũng như phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cuộc bình chọn.
Là nhà tài trợ duy nhất cho Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (ARA) hàng năm, Dragon Capital có hài lòng với kết quả đạt được sau 10 năm tổ chức?
Tôi còn nhớ một công ty thực phẩm ở Hải Phòng cổ phần hóa, báo cáo thường niên đưa ra chỉ là 3 tờ giấy. Lúc đó chúng ta chưa có văn hóa làm Báo cáo thường niên.
Ông Dominic Scriven
Năm đầu tiên bình chọn, rất nhiều báo cáo thiếu nội dung trọng yếu. Đến hiện tại, tất cả các công ty đều nộp báo cáo kịp thời, với đầy đủ các nội dung cơ bản. Thậm chí, một số công ty cũng đã chủ động thực hiện Báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn cho hệ thống website có bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR).
Thị trường cũng đón nhận thêm sự ra đời của nhiều chỉ số như chỉ số phát triển bền vững, là công cụ giúp nhà đầu tư phân tích đưa ra quyết định đầu tư. Điều này một phần là nhờ sự đóng góp của Cuộc bình chọn. Kết quả này không phải là nhỏ, nhưng nhìn 10 năm tới, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Dragon Capital cũng là một công ty niêm yết ở thị trường phát triển. Theo ông, Cuộc bình chọn cần làm gì để có sức lan tỏa lớn hơn trong thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển?
Cuộc bình chọn có mục đích là bình chọn báo cáo thường niên thuần túy và đã dần mở rộng sang thúc đẩy phát triển bền vững, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua các giải phụ là giải về phát triển bền vững và quản trị công ty. Chúng ta cần làm nóng hơn các vấn đề này, vì đây là xu hướng phát triển tất yếu và thị trường Việt Nam vẫn đang có khoảng cách tụt hậu rất lớn so với thế giới.
Theo quy định, sắp tới các doanh nghiệp niêm yết sẽ cần có 1/3 thành viên HĐQT là độc lập. Ở Anh, rất hiếm công ty mà thành viên HĐQT độc lập không chiếm đa số. Công ty nào mà không có đa số thành viên HĐQT độc lập thì phải giải trình.
Cổ đông thường thuê các công ty tư vấn đến Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp để tư vấn bỏ phiếu thông qua hay không thông qua nội dung nào. Quỹ VEIL của chúng tôi có 4 thành viên HĐQT độc lập và tôi là thành viên có liên quan. Vậy mà đơn vị tư vấn có ý kiến bác lại, họ đòi 100% thành viên phải độc lập. Như vậy, quy định 1/3 thành viên độc lập trong HĐQT cũng chưa phải là hiện đại.
Chúng ta cũng phải đi sâu vào chất lượng của từng thành viên, cũng như của tập thể HĐQT. Các vấn đề mà các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thường gặp phải là các giao dịch có liên quan, sự đa dạng hóa về giới tính, tuổi tác. Việc thành lập Viện Đào tạo về quản trị công ty là rất cần thiết. Có một đặc điểm chung của HĐQT các công ty ở Việt Nam là “nam, già và có liên quan”, cũng giống như tôi vậy!
Ông Trần Văn Dũng (hiện là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chúc mừng các doanh nghiệp tại Lễ trao giải năm 2014
Năm nay, Dragon Capital có thuê 1 đơn vị để đánh giá HĐQT của Công ty và Quỹ VEIL trên các tiêu chí thế nào là độc lập, thành phần có đủ đa dạng, các thành viên có hợp tác với nhau theo hướng 1+1=3 không? Điều này khá thú vị và tôi rất mong chờ kết quả đánh giá này.
Từ năm ngoái, vấn đề môi trường và xã hội (ESG) nổi lên và không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Đứng trước sức ép của xã hội, nhiều doanh nghiệp từ không để ý đến môi trường, xã hội trong hoạt động đầu tư, điều hành doanh nghiệp, đã chuyển sang quan tâm hơn. Từ hoạt động thực tế Dragon Capital hiểu rằng, những thay đổi đó không dễ chút nào, bởi việc đáp ứng các yêu cầu môi trường và xã hội làm cho quy trình đầu tư phức tạp hơn, mất thời gian hơn, cơ hội đầu tư thu hẹp hơn.
Tuy nhiên, đây là vấn đề ngày càng lớn của quốc tế. Ngay tại Dragon Capital, cách đây 10 năm, chỉ 5% nhà đầu tư hỏi về ESG, nhưng hiện nay, ít nhất hơn 50% nhà đầu tư quan tâm vấn đề này khi quyết định đầu tư. Điều này chứng minh rằng, chúng ta phải thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm nhiều hơn nữa.
Một điểm mới của Cuộc bình chọn 2017 là các báo cáo thường niên được chấm trên bản mềm thay vì bản cứng, với hàng chồng báo cáo thường niên trên bàn Hội đồng bình chọn như các năm trước. Đây cũng là sự thay đổi theo xu hướng phát triển bền vững, nhưng cũng cho thấy công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi rất nhiều báo cáo thường niên. Chẳng hạn, sẽ có báo cáo thường niên điện tử, với nhiều video sinh động hơn?
Chúng ta đã chứng kiến sự “tàn phá” của công nghệ số. Một số doanh nghiệp, cách thức kinh doanh truyền thống đã điêu đứng vì công nghệ số. Với sự trợ giúp của công nghệ, doanh nghiệp có thể cập nhật, công bố thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh hàng ngày. Lúc đó, báo cáo thường niên sẽ rất khác.
Báo cáo thường niên của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào về nội dung, hình thức, cách thức truyền tải sau 10 năm tới là điều chúng ta nên thử hình dung, để Cuộc bình chọn có thể định hướng, dẫn dắt quá trình nâng cao chất lượng báo cáo thường niên và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sớm rút ngắn khoảng cách với các thị trường trong khu vực.
Thưa ông, rõ ràng là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã không chỉ dừng lại ở mục tiêu nâng cao chất lượng báo cáo thường niên, mà có tác dụng lan tỏa rộng hơn mục tiêu ban đầu rất nhiều. Đã đến lúc, Ban tổ chức Cuộc bình chọn chính thức đặt ra các mục tiêu mới cho các mùa giải năm sau?
Tác động lan tỏa của Cuộc bình chọn sau 10 năm giúp chúng ta hiểu rằng, Cuộc bình chọn sẽ không chỉ dừng lại ở báo cáo thường niên. Trong 10 năm tới, có thêm những vấn đề nào của thị trường chứng khoán mà chúng ta cùng quan tâm, cần thúc đẩy thì đó chính là các mục tiêu mới của Cuộc bình chọn.
Dragon Capital sẵn sàng đồng hành cùng Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên trên hành trình thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ sâu rộng hơn.