10 luật thuế và hàng trăm văn bản hướng dẫn làm kế toán cũng khó nắm hết

Trừ đi số doanh nghiệp giải thể, phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động, mỗi năm có thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp gia nhập thị trường. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nếu không đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, ngành thuế khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
10 luật thuế và hàng trăm văn bản hướng dẫn làm kế toán cũng khó nắm hết

Luật Quản lý thuế đã có hiệu lực gần 7 năm, nhưng hệ thống tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) phát triển còn khá khiêm tốn, thưa bà?

Đại lý thuế đã được luật hóa tại Điều 20 trong Luật Quản lý thuế. Sau 7 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, đến nay cả nước mới có khoảng 1.900 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, 160 tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, không kể hàng triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, hàng trăm ngàn tổ chức có doanh thu phải nộp thuế, cả nước hiện có trên dưới 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số liệu này cho thấy, số lượng đại lý thuế, người hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế còn quá ít so với nhu cầu.

Năm 2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn tăng thêm 16.200 đơn vị. Khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, cộng với việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với nhiều cơ chế thông thoáng, số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm 2013. Vì vậy, ngành thuế chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong quản lý thuế, đặc biệt là nhiệm vụ tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế - nếu không đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch Phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020?

Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Phát triển hệ thống đại lý thuế mới được Bộ Tài chính phê duyệt, đến năm 2015 cả nước có ít nhất 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; tối thiểu 3% số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ đại lý thuế; tối thiểu 80% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp. Giai đoạn 2016-2020, cả nước có ít nhất 6.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; tối thiểu 10% số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ đại lý thuế; tối thiểu 90% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp.

Bà có nghĩ rằng, mục tiêu đặt ra là quá khiêm tốn?   

Ở nhiều nước trên thế giới, số người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế thường chiếm trên 50% tổng số người nộp thuế thuế, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện tại số lượng người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế chiếm tới 93% và 90% tổng số người nộp thuế. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới, số người hành nghề cung cấp dịch vụ đại lý thuế còn nhiều hơn cả số nhân viên thuế vụ.

Những số liệu này cho thấy, mục tiêu mà ngành tài chính đặt ra so với các nước trên thế giới còn vô cùng khiêm tốn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, mục tiêu đặt ra như vậy là phù hợp với thực tế vì hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp thuê đại lý thuế khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thay mặt người nộp thuế giao dịch với cơ quan thuế.

Theo bà, vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với dịch vụ đại lý thuế?

Hiện tại, Việt Nam có 10 luật thuế và hàng trăm văn bản hướng dẫn, nên không phải nhân viên kế toán nào cũng nắm được tất các chính sách thuế, đặc biệt là nhân viên kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, có rất nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, phải kê khai lại thuế hay thuộc đối tượng miễn, giảm, gia hạn thuế mà không biết vì không nắm được hết chính sách thuế.

Trong khi đó, nếu thuê đại lý thuế làm dịch vụ, doanh nghiệp sẽ giảm được đáng kể số lượng nhân viên kế toán; không lo vi phạm chính sách thuế; không phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quyết toán thuế; không mất thời gian khi thực hiện thủ tục giãn thuế, hoàn thuế, giảm thuế hay miễn thuế; số tiền bỏ ra trả dịch vụ đại lý thuế được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp…

Sử dụng đại lý thuế có nhiều tiện ích như vậy, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà. Theo tôi, có 2 nguyên nhân cơ bản: công tác tuyên truyền của cơ quan thuế tới doanh nghiệp về lợi ích sử dụng đại lý thuế chưa tốt, vì hiện có không ít cơ quan thuế ở địa phương vẫn muốn “quản” doanh nghiệp; rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn bất cứ ai biết được tình hình thu chi, báo cáo kế toán, hồ sơ, chứng từ của mình.

Vậy theo bà, làm sao để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế?

Hệ thống đại lý thuế phát triển giảm tải rất nhiều công việc cho ngành thuế, giảm được chi phí tuân thủ chính sách thuế cho người nộp thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế… Vì vậy, ngành thuế cần lấy số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế là một trong những tiêu chí để bình chọn cơ quan thuế hoàn thành nhiệm vụ trong năm; thực hiện các chính sách ưu tiên trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý thuế. 

Tin bài liên quan