Trong số 10 doanh nghiệp được giao nhập thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu, Petrolimex có mức nhập khẩu lớn nhất, trên 1 triệu m3.
Ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định giao 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý 2/2022 nhằm đảm bảo đủ lượng xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, lượng xăng nhập là 840.000 m3, còn dầu hơn 1,56 triệu m3
Trong danh sách các doanh nghiệp được phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm gồm có 10 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty CP đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty Xuyên Việt Oil; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Thiên Minh Đức; Công ty CP Hóa dầu Quân đội.
Petrolimex là doanh nghiệp được giao nhập khẩu với sản lượng lớn nhất, trên 1 triệu m3, tiếp đến là PVOil gần 490.000 m3, Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà 140.000 m3, Công ty TNHH Hải Linh gần 125.000 m3, Công ty CP Hóa dầu Quân đội 41.636 m3...
Theo quyết định này, Bộ Công thương giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.
Số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung.
Các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu nêu trên phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này. Đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo về Bộ Công Thương (qua Vụ Thị trường trong nước) tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Quyết định này. Giao Vụ Thị trường trong nước tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Quyết định này báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 25 hàng tháng.
Những ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có nhiều cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước.
Người đứng đầu ngành Công thương khẳng định: “Từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ điều hành xăng dầu theo kịch bản, nghĩa là xăng dầu trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn tăng nhập khẩu từ nước ngoài cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế”.
Việc ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II năm 2022 được đánh giá là cần thiết. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo ổn định nguồn cung ứng.
Thị trường xăng dầu trong nước vừa có đợt điều chỉnh giá hôm 21/2, với mức tăng gần 1.000 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao kỷ lục 26.280 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng/lít, là mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.