Warren Buffett, tỉ phú tự thân và là nhà đầu tư huyền thoại thế giới
ẢNH: REUTERS

Warren Buffett, tỉ phú tự thân và là nhà đầu tư huyền thoại thế giới ẢNH: REUTERS

10 điều nên từ bỏ nếu muốn giàu có hơn

Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, thành công và sự giàu có không dễ dàng xuất hiện. Để trở nên giàu có, nhiều người đã phải thực hiện các thay đổi đáng kể.
Dưới đây là một số lối sống, thói quen và cách suy nghĩ mà những triệu phú đã phải từ bỏ để trở nên giàu có hơn, theo tổng hợp từ CNBC.
Quá chú trọng vào tiết kiệm
Tuy những người giàu có hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng của tiết kiệm, nhưng họ cũng nhận ra rằng chìa khóa thực sự để nâng cao hiệu quả tiết kiệm chính là tập trung vào việc kiếm tiền và đầu tư khôn ngoan để tiền sinh ra tiền, chứ không phải chỉ tập trung giữ chặt nguồn tài chính.
“Nhiều người chỉ chăm chú dành thời gian để săn phiếu giảm giá, không dám chi tiêu. Nhưng làm vậy là họ đang bỏ lỡ các cơ hội lớn để kiếm thêm tiền.
Người giàu có là bậc thầy của việc tập trung tinh thần, năng lượng, thời gian của họ để xác định xem đâu mới là nơi mà nguồn tiền xuất hiện”, triệu phú Steve Siebold viết trong cuốn Người giàu suy nghĩ thế nào.

Mong muốn mức lương ổn định

Việc mong muốn được trả lương ổn định theo tháng hoặc theo giờ không có gì là sai. Nhưng trong trường hợp nếu muốn tiến nhanh hơn trên con đường thịnh vượng về tiền bạc, bạn nên thay đổi, đầu tư nâng cao kỹ năng của bản thân để tự tin kiếm tiền lương dựa trên kết quả công việc hoặc tự mình làm chủ.

“Biết tự làm chủ là con đường nhanh nhất để trở nên giàu có”, Siebold viết.

Thả trôi thời gian

Không có mục đích rõ ràng, kế hoạch cụ thể, thả lỏng thời gian sẽ khó có thể giúp bạn giàu có.

Hầu hết triệu phú trên thế giới đều là người biết tận dụng thời gian để sinh lợi nhuận. Họ hết sức tập trung vào một mục tiêu chính tại một thời điểm cũng như đặt ra thời hạn để hoàn thành nó. Và đó là cách mà các nhà triệu phú tự thân được tạo ra.

Mua những thứ không có khả năng chi trả

Nguyên nhân khiến một người thiếu tiền đôi khi không phải là vì họ kiếm được ít tiền, mà là do họ thường chi tiêu vượt ngoài khả năng kiếm được.

Những người giàu lại không như thế, họ ưu tiên trả những khoản quan trọng, cố định trước, đồng thời dùng tiền để đầu tư, kiếm thêm nhiều nguồn thu nhập khác và chỉ chi tiêu phần tiền dư còn lại.

Giải trí

Người thành công ưu tiên giáo dục hơn giải trí. Họ đánh giá cao sức mạnh của việc học, bất kể theo hình thức nào, ngay cả khi không còn đến trường. “Đi vào nhà của một người giàu có, điều bạn dễ nhận thấy nhất là một thư viện sách được sử dụng để tự giáo dục bản thân”, Siebold cho hay.

Các mối quan hệ độc hại

Những người bạn giao tiếp ảnh hưởng đến cách sống, lối tư duy và giá trị thực của bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Theo Siebold, các mối quan hệ xung quanh có khả năng lan truyền, liên kết.

Nếu bạn chọn tiếp xúc với người thành công, nhiều khả năng bạn sẽ mở rộng tư duy, kiến thức. Và đó là lý do tại sao người ưu tú thường bị thu hút bởi người ưu tú và ngược lại.

Nghĩ về quá khứ

Những người tin rằng ngày tháng tốt nhất của đời mình đã diễn ra trong quá khứ thường mất động lực để làm giàu. Đôi khi trong một số trường hợp tệ hơn, họ còn đưa bản thân rơi vào trầm cảm, căng thẳng.

Trong khi đó, “có những người tự làm giàu được vì họ sẵn sàng đặt mục tiêu và lạc quan về tương lai”, Sielbold nói.

Chỉ thích sự thoải mái

Sự thoải mái nhất thời về thể chất, tinh thần và cảm xúc là mục tiêu cũng như lối tư duy dẫn dắt những người bình thường. Mặt khác, người giàu lại bị kích thích bởi sự không chắc chắn.

Đồng thời họ cũng sớm nhận ra rằng để trở thành triệu phú không hề dễ dàng và sự thoải mái nhất thời có thể tàn phá mục tiêu làm giàu. Thay vào đó, họ học cách thoải mái với chính những tình huống, trạng thái không thoải mái.

Nỗi sợ

Ai cũng có những nỗi sợ đeo bám và những người thành công cũng vậy. Nhưng khác biệt ở chỗ họ đã lựa chọn không để cho nỗi sợ ngăn cản mình hành động.

Đặt kỳ vọng thấp

Nhiều người chấp nhận đặt kỳ vọng về tài chính thấp để tránh cảm giác thất vọng, trong khi người giàu lại không ngại nâng kỳ vọng của họ lên một mức cao hơn và sẵn sàng với mọi thách thức, thay đổi.

“Trừ những trường hợp ngoại lệ, còn lại hiếm có ai tự thân giàu có mà không có những kỳ vọng to lớn. Một khi đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, họ sẽ tìm ra cách để đạt được chúng”, Siebold viết.

Tin bài liên quan