10 điều nên cấm!

10 điều nên cấm!

(ĐTCK) Cổ đông có hành vi quan tâm, hỏi han, móc máy về tình hình kinh doanh, tài chính, cổ tức…, khiến ban điều hành DN hoảng sợ sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

 > Cùng một tác giả

 

Nghe đồn cư dân mạng đang hò nhau đi buôn máy ghi âm để đáp ứng nhu cầu của anh em nếu Dự thảo văn bản về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua.

10 điều nên cấm! ảnh 1

Riêng mình thì xin nói ngay là rất tâm đắc. Lâu nay bức xúc quá. Với các bà ấy, tình yêu và sự chiếm hữu luôn hòa làm một. Năm thì mười họa mới được cấp cho cái quota đi bù khú, mà lỡ có về muộn thì quả là thảm họa. Rón rén mở khóa, nhón đầu ngón chân cái đi vào nhà, vòi tắm quấn khăn mấy vòng cho nước khỏi tí tách… Thế mà vén mùng ra đã thấy tóc tai dựng đứng, mặt mũi sáng rực trừng trừng nhìn lên. Tiếp theo đó là chì chiết, đay nghiến hoặc cấm vận về cả kinh tế và văn hóa với các nhóm giải pháp ngày càng thực chất, quyết liệt...  

Đồ rằng, bác (hoặc các bác) nào có công nghĩ ra các chế tài hẳn là cánh mày râu. Ví dụ, vợ (hoặc chồng) kiểm soát tiền của nhau có thể bị phạt đến 1 triệu đồng. Xưa nay, xin hỏi anh em, mấy ai có cơ may được giữ tiền giúp các bác gái!

Chưa hết, người bắt thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn uống, mặc rách, chịu rét, phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Việc thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, cũng bị phạt tương tự.

Người chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình sẽ bị quy vào nhóm hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự và bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm ra khỏi nhà, không cho làm việc, không tiếp cận thông tin đại chúng sẽ bị phạt 100.000 - 300.000 đồng… vân vân và vân vân…

Mình đã lén chia sẻ cái văn bản đầy tính nhân văn này vào hòm thư của bà xã. Trong lúc hồi hộp chờ phản hồi, lại chợt nghĩ rằng, trên TTCK dẫu vừa rồi đã có văn bản liên tịch về xử lý hình sự được ký kết, nhưng lỗ hổng nhẽ cũng còn nhiều. Ví như chuyện nhà đầu tư tố mất tiền ở Chứng khoán Đại Việt, thì lại bị tố ngược tội thông đồng moi tiền của công ty, hay là chứng khoán xứ ta lẽo đẽo đi sau xứ Lào về mức độ răn đe khi xử phạt. Chính vì vậy, với cảm hứng từ văn bản trên, xin được đề xuất một số chế tài cho TTCK như sau.

1. Cổ đông có hành vi quan tâm, hỏi han, móc máy về tình hình kinh doanh, tình hình tài chính, cổ tức…, khiến ban điều hành DN hoảng sợ sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

2. Nhà đầu tư bị mất tiền trong tài khoản, nếu có hành vi hoặc có ý đồ cung cấp cho cơ quan báo chí các tình tiết vụ việc, gây phương hại đến uy tín, thương hiệu, hình ảnh của CTCK sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Nếu có các tình tiết tăng nặng như khiếu kiện nhiều lần hay khiếu kiện có tổ chức sẽ tùy theo thực tế mà bị áp dụng các chế tài như cấm giao dịch tại công ty trong vòng từ 1 đến 3 ngày, hoặc có thể cấu thành tội “thông đồng với đối tượng biến chất trong CTCK để trục lợi”.

3. Nhà đầu tư có hành vi ép buộc DN đã IPO lên sàn sẽ bị phạt hành chính với khung hình phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng (nên nhớ Dự thảo Thông tư về việc thịt lợn giết ra phải bán trong vòng 8 tiếng đã bị xã hội phản đối quyết liệt. Vì vậy, không có lý do gì mà cổ đông có quyền ép DN lên sàn, dù lãnh đạo DN đã hứa).

4. Khách hàng có hành vi bạo hành broker như chì chiết, mắng mỏ, than vãn có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng. Việc sử dụng các hình ảnh, đồ vật như sao kê tài khoản hay phiếu lệnh gây bất an cho môi giới cũng chịu mức phạt tương tự. Trong trường hợp xét thấy có tình tiết giảm nhẹ như tài khoản mất mát quá nhiều hoặc than vãn chưa nhiều người nghe thấy thì khung hình phạt từ 100.000 đồng đến 900.000 đồng. 

5. Cấm nhà đầu tư lên sàn thở dài hoặc mặc áo đỏ, tạo cảm xúc bất an cho người xung quanh (không cấm hành vi cười đùa, la hét hay khóc lóc khi có lãi). Có hành vi bất cẩn tự gây thua lỗ cho mình rồi bắt vạ cơ quan quản lý, DN niêm yết hay đơn vị môi giới cũng có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng.

6. Phạt 5 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của gia đình có người chơi chứng khoán (thể theo dự thảo phạt 1 triệu đồng với hành vi xúc phạm, chế giễu người sinh con một bề).

7. Muốn làm cổ đông của các công ty đại chúng chưa niêm yết phải có giấy khám sức khỏe và chứng chỉ yoga. Nếu không có các loại chứng chỉ này mà bị mắc chứng tự kỷ vì chờ đợi thông tin hoặc Parkinson vì DN bỗng dưng không còn đại chúng thì… ráng chịu.

8. Mỗi nhà đầu tư sẽ được cấp quota để mua một lượng cổ phiếu nhất định (phỏng theo quota nhập ô tô do VAFI đề xuất). Tiêu chuẩn này nhằm hạn chế chênh lệch giàu nghèo, phục vụ công tác an sinh xã hội trên sàn.

9. Nhà đầu tư 33 tuổi trở xuống, lên sàn phải có người giám hộ (theo đề xuất phụ nữ 33 tuổi trở lên không được phép mang thai).

10. Các sàn phải ưu tiên viết lệnh cho các nhà đầu tư sinh từ 1945 trở về trước, hoặc những khách hàng có chứng nhận “anh hùng lướt sóng” - tức lỗ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tất nhiên, cũng nói luôn là trên đây tôi đề xuất vui thế, đừng có ai chì chiết nhé. Bởi chì chiết cũng sẽ bị phạt 1 triệu đồng!