10 điểm nhấn kinh tế - xã hội năm 2021

10 điểm nhấn kinh tế - xã hội năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm mà kinh tế - xã hội Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Bằng nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu đáng ghi nhận. Báo Đầu tư điểm lại các điểm nhấn quan trọng này.

1. Tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII và kiện toàn bộ máy nhà nước

Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tổ chức thành công tốt đẹp, bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 60% đại biểu tái cử và 40% đại biểu tham gia lần đầu. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Đại hội, cuối tháng 3/2021, lần đầu tiên, Hội nghị trực tuyến về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII đã được tổ chức với quy mô toàn quốc, nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện của Đại hội.

Tiếp đó, tháng 5/2021, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay với tỷ lệ cử tri đi bầu 99,6% (gần 70 triệu người). Lần đầu tiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có những điểm bỏ phiếu đặc biệt được tổ chức: trong khu cách ly, cho người đang cách ly tại nhà…

Tháng 7/2021, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với 499 đại biểu, đã bầu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đứng đầu, chính thức hoàn thành kiện toàn bộ máy nhà nước

2. Thông qua các quyết sách quan trọng cho sự phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng thịnh vượng của dân tộc

Cùng với việc hoàn thành công tác nhân sự, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong 10 năm tới (2021 - 2030), với mong muốn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Không chỉ là Chiến lược 10 năm, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đề ra tầm nhìn của Đảng về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Từ tầm nhìn chiến lược này, Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế 2021 - 2025. Đây là các quyết sách quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước thịnh vượng vào năm 2045.

3. Chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt” mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Đặc biệt, đợt dịch thứ tư, bắt đầu từ ngày 27/4, đã bùng phát dữ dội tại nhiều địa phương trong cả nước, tới nay, đã có gần 1,7 triệu người mắc bệnh. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Quý III/2021, lần đầu tiên, nền kinh tế đã tăng trưởng âm tới 6,02%, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng chiến lược chống dịch, từ “zero Covid” sang “thích ứng linh hoạt và an toàn”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, áp dụng chính sách chống dịch chung cho cả nước, bãi bỏ các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, các hoạt động kinh tế - xã hội đã dần quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Nhờ đó, nền kinh tế đã có bước xoay chuyển tích cực, từ mức tăng trưởng âm của quý III đã đạt mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV, đưa tăng trưởng GDP cả nước năm 2021 ước đạt 2,58%. Tuy mức tăng trưởng này còn thấp, song trong bối cảnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, thì đây là một thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn lớn nhất kể từ trước tới nay…

4. Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

Xác định vắc-xin chính là “chìa khóa” quan trọng để chống đại dịch Covid-19, tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu 150 triệu mũi tiêm cho khoảng 75 triệu người.

Để có đủ nguồn vắc-xin, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, trích ngân sách nhà nước để mua vắc-xin, đồng thời thực hiện hiệu quả chiến lược ngoại giao vắc-xin. Nhờ đó, có thể nói, Việt Nam đã thành công trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Từ tháng 3 đến hết ngày 28/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 188,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, 175,1 triệu liều đã được phân bổ, còn khoảng 13,4 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc-xin. Và tính đến ngày 29/12/2021, cả nước đã tiêm được hơn 148,1 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 85% số vắc-xin phân bổ 112 đợt. 30/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên, trên 90%.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã tiến hành tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi. Cho đến nay, đã tiêm được 11,7 triệu liều, trong đó 7,4 triệu mũi một (bao phủ gần 82% dân số) và 4,3 triệu mũi hai (47,5%).

Với nguồn cung vắc-xin dồi dào, hiện tại, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành tiêm mũi bổ sung. Tính đến ngày 29/12/2021, đã có trên 1,5 triệu liều vắc-xin mũi 3 được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Việc vắc-xin phòng Covid-19 nhanh chóng được tiêm phủ trên diện rộng chính là điều kiện tiên quyết để Chính phủ quyết định chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh và bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Cuối năm 2021, việc thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” đã được bắt đầu. Các chuyến bay thương mại quốc tế cũng đang dần được nối lại.

5. Thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ trong phòng, chống Covid-19; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, theo đó trao quyền và “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ trong việc quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Sau Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, các giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch, cũng như để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tính đến đầu tháng 12/2021, các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140.000 tỷ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp; xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí khoảng 31.000 tỷ đồng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng...

Và hiện nay, một chương trình tổng thể và có quy mô lớn chưa từng có đang được xây dựng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tháng 1/2022, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhằm thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.

6. Xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục

Bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19, thương mại hàng hóa năm 2021 vẫn đạt mức kỷ lục, với 668,5 tỷ USD, đồng thời vẫn xuất siêu 4 tỷ USD. Đây là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2021.

Đầu năm, đặc biệt là những tháng cuối quý II, đầu quý III, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động xuất nhập khẩu trầm lắng, nhập siêu quay trở lại. Tuy nhiên, từ tháng 9, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã sôi động trở lại, liên tục thiết lập các dấu mốc mới.

Chỉ tính riêng xuất khẩu hàng hóa, cả năm, kim ngạch ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%.

Đây có thể nói là thành tích đáng tự hào và là thành quả của chiến lược hội nhập toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Năm 2021 đã đánh dấu 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam. Kể từ sau sự kiện quan trọng này, thương mại hàng hóa của Việt Nam không ngừng phát triển. Đặc biệt, những năm gần đây, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết, như CPTPP, EVFTA…, Việt Nam càng cơ có hội to lớn để thúc đẩy thương mại hàng hóa với các đối tác lớn trên thế giới.

7. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, bất động sản và giá vàng

Dù kinh tế khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2021 ghi nhận sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng. Tất cả đều tăng giá chóng mặt.

Năm 2021 đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu, trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, chỉ trong vòng một năm, số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán đã gia tăng kỷ lục. Cộng với những hạn chế, yếu kém về hạ tầng giao dịch, đã xảy ra tình trạng nghẽn lệnh kéo dài trên sàn HoSE.

Quy mô thị trường cổ phiếu cũng đã tăng mạnh, đạt trên 122% GDP. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm ngày 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên. Đây là mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường. Đặc biệt, thanh khoản sàn HoSE đã tiến sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên, xác lập ngày 23/12/2021. VN-Index có thời điểm đã lập đỉnh lịch sử khi vượt qua 1.500 điểm.

Trong khi đó, “cuồng phong” đã xuất hiện trên thị trường bất động sản khi sốt đất xảy ra suốt từ Nam tới Bắc, ngay cả ở các địa bàn miền núi, vùng xa, có nơi tăng giá tới 300 - 400% chỉ trong ít ngày. Giá đất nền ở một số địa phương đã tăng 20 - 45% trong năm 2021. Giá căn hộ chung cư cũng ghi nhận các kỷ lục mới, với các căn hộ có giá tới 800 triệu đồng/m2 xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, cơn “địa chấn” xuất hiện vào cuối năm khi phiên đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm ghi nhận con số kỷ lục: 2,45 tỷ đồng/m2.

Thị trường vàng dù trầm lắng hơn, song đã gây sốc thị trường với mức giá có thời điểm lên tới 62 triệu đồng/lượng. Bình quân giá vàng năm nay tăng 8,67% so với năm trước.

8. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại

Sau một thập kỷ chờ đợi, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được vận hành thương mại vào đầu tháng 11/2021. Ngay sau khi được đưa vào vận hành, TP. Hà Nội đã quyết định miễn phí cho hành khách đi tàu trong 15 ngày đầu. Chỉ trong 15 ngày chạy miễn phí, đã có trên 380.000 lượt khách đi tàu. Lượng khách giảm dần khi bán vé.

Dự án trên được khởi công vào tháng 10/2011, có tổng chiều dài chính tuyến 13,05 km, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h; thời gian tàu chạy từ ga Cát Linh đến Hà Đông là 23,63 phút, hoạt động liên tục từ 5h - 23h hàng ngày. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD (khoảng 18.000 tỷ đồng) bằng vốn vay Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong quá trình triển khai xây dựng, đã có không ít ì xèo xung quanh dự án này, đặc biệt là vì tiến độ chậm trễ.

Tuy nhiên, việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã mở ra những hy vọng mới về việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trong cả nước, trước mắt ở Hà Nội và TP.HCM, nhằm giảm ùn tắc giao thông và gia tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Hiện tại, các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo tại Hà Nội, cũng như tại TP.HCM vẫn đang được xây dựng.

9. Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước

75 năm sau Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức vào cuối tháng 11/2021. Hội nghị này có ý nghĩa như một “Hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực văn hóa.

Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, chỉ ra các thành tựu và những tồn tại, hạn chế trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong 35 năm Đổi mới, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Quan trọng hơn, Hội nghị đã góp phần quan trọng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta cũng “luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa” và “hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa”. Theo Tổng Bí thư, nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa thông qua, văn hóa, con người Việt Nam còn được coi là một “đột phá chiến lược”.

10. Sức sống bền bỉ của doanh nghiệp Việt

Có thể nói, một trong những dấu ấn quan trọng của kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021 chính là sức sống bền bỉ của doanh nghiệp Việt. Năm qua, có tới gần 120.000 doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có 116.800 doanh nghiệp thành lập mới. Cộng với 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 đạt gần 160.000 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội phục hồi nào. Trong số gần 120.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, vẫn có tới 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tức là vẫn đang chờ đợi thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Và chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp, tăng 70,4% so với quý III/2021.

Đặc biệt, các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam ngày càng thể hiện sức sống mãnh liệt và sự phát triển vượt trội. Năm 2021 lại ghi nhận thêm thành công của Tập đoàn Vingroup, khi tập đoàn này tung 2 mẫu xe điện ra thị trường Mỹ, cạnh tranh với các tên tuổi lớn trên toàn cầu. Vingroup cũng đã đầu tư lớn ra thị trường nước ngoài, sang Mỹ, sang châu Âu và khẳng định quyết tâm “chơi lớn” ở thị trường toàn cầu.

Sự bền bỉ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt đã góp phần quan trọng để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng dương, cũng như đạt kỷ lục xuất nhập khẩu trong năm nay.

Tin bài liên quan