1. VN-Index lập kỷ lục 1.200 điểm, nhưng kết thúc năm tăng trưởng âm
Phiên 10/4/2018, VN-Index lập đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm, tăng 23% so với cuối năm 2017. Sau đó, chỉ số giảm còn 1.050 điểm vào cuối tháng 4 và 916 điểm vào cuối tháng 5.
Thị trường có một số đợt phục hồi nhưng diễn ra trong xu hướng giảm, đầu tháng 7, cuối tháng 10 và cuối tháng 12/2018 đều ở dưới ngưỡng 900 điểm, trong khi cuối năm 2017 là 984 điểm. Từ vị trí thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới, Việt Nam có thời điểm trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Nguyên nhân chính là do các yếu tố bên ngoài tác động như Fed có 3 lần tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang…, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng cao, kết quả kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp niêm yết ước tính tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2017.
2. Số doanh nghiệp lên sàn tiếp tục tăng cao
Cuối năm 2018, trên 3 sàn chứng khoán có tổng cộng 1.558 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch, tăng 136 doanh nghiệp so với cuối năm 2017. Trong đó, 378 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, 376 doanh nghiệp niêm yết trên HNX và 804 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM. Giá trị vốn hóa trên HOSE đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, giá trị vốn hóa trên HNX và UPCoM đạt 1 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương khoảng 82,2% GDP.
Theo thống kê, có 32 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp niêm yết mới và 6 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới. Thị trường ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn, trong đó có những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, giúp tăng cường thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
3. Thị trường chứng khoán được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng
Ngày 27/9/2018, FTSE Russell, một trong 3 tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán cũng như cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu (bên cạnh MSCI và S&P Dow Jones), đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian xem xét tối thiểu là 1 năm. Đây là thành quả của quá trình phát triển không ngừng của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam hướng tới những thông lệ quốc tế tốt nhất.
Hiện tại, TTCK Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell đối với thị trường mới nổi thứ cấp, bao gồm: môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ. Để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra.
4. Ra mắt “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước
Ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt với nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động chuyển giao 7 tập đoàn và 12 tổng công ty thuộc 5 Bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng vốn chủ sở hữu 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản 2,3 triệu tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành.
Ủy ban sẽ thay mặt Nhà nước giám sát chặt chẽ khối tài sản, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cũng góp phần giúp khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, qua đó gia tăng hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh. Việc này sẽ quyết định rất lớn sự thành công của các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
5. Vốn đầu tư gián tiếp chảy mạnh vào Việt Nam
Năm 2018, Việt Nam trở thành điểm sáng đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các thị trường mới nổi bị rút vốn ròng thì Việt Nam được khối ngoại rót vốn ròng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2018 có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 7,64 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 995 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 2,96 tỷ USD và 4.887 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,68 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán, do ảnh hưởng từ dòng vốn toàn cầu dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khối ngoại bán ròng trong quý II, nhưng từ tháng 8 trở lại đây, khối này bắt đầu quay trở lại mua ròng, ước tính cả năm mua ròng hơn 40.000 tỷ đồng.
6. Lần đầu tiên bình chọn doanh nghiệp niêm yết và chấm điểm minh bạch trên UPCoM
Năm 2018, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (thực hiện bởi HOSE, HNX, phối hợp cùng Báo Đầu tư và sự tài trợ của Dragon Capital), sự kiện đã đồng hành cùng với thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp niêm yết trong suốt 10 năm qua, đổi tên thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết.
Cuộc bình chọn đánh giá chuyên sâu nội dung quản trị công ty với bộ tiêu chí riêng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị công ty của OECD, thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN và quy định pháp luật Việt Nam. Trong tổng số 485 doanh nghiệp niêm yết được đánh giá, có 352 doanh nghiệp đạt mức điểm trên trung bình.
Năm 2018, lần đầu tiên, HNX đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên sàn UPCoM. Có 160 công ty được đánh giá, điểm số trung bình là 59,75%,
7. Công bố dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi)
Ngày 8/11/2018, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được công bố. Dự thảo luật được kỳ vọng khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là: tăng mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu lần đầu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và phải có nhà tư vấn chào bán; doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên mới được chào bán bổ sung huy động vốn, giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành và lần chào bán thêm phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán trước…
Bên cạnh đó, dự thảo khuyến khích và nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua trong năm 2019.
8. Năm kỷ lục phạt thao túng giá chứng khoán
Năm 2018 là năm kỷ lục về xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, có 9 cá nhân bị phạt với mức phạt mỗi vụ là 550 triệu đồng, tổng số tiền phạt 4,55 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tiền phạt của cả năm (20 tỷ đồng). Đơn cử, nhà đầu tư Nguyễn Minh Toàn bị phạt 550 triệu đồng do sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu MBG.
Theo dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ phải chịu mức phạt cao hơn cùng các chế tài bổ sung như cấm vĩnh viễn nhà đầu tư sai phạm tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
9. Cơ chế mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 4/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP từ ngày 1/2/2019. Nghị định mới quy định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, còn phát hành trái phiếu ra công chúng thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Theo đó, điều kiện phát hành trái phiếu được nới lỏng như bỏ điều kiện doanh nghiệp phải có lãi năm liền trước, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, hoặc phát hành trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.
Đặc biệt, Nghị định 163 yêu cầu thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán quản lý, vận hành, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia mua - bán trái phiếu. Hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có quy mô khoảng 7% GDP, chưa được tổ chức, quản lý chính thức.
10. Hai ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II
Ngày 28/11/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kể từ ngày 1/1/2019 cho Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo đó, VIB và Vietcombank chính thức trở thành hai ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.