1. Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới lại chạm ngưỡng 7%, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục vững chắc hơn.
Có được mức tăng trưởng ngoạn mục này là nhờ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết số 01, sát sao trong xây dựng và thực hiện các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, hoặc điều hành chung chung, không cụ thể…
Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017...
2. Kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Đây là con số mà trước nay Việt Nam chưa bao giờ đạt được. Như vậy, Việt Nam đã có 3 năm liên tục xuất siêu với con số năm sau luôn cao hơn năm trước, là kết quả ấn tượng so với mục tiêu cân bằng cán cân thương mại đặt ra cho năm 2020. Xuất siêu lớn không chỉ góp phần quan trọng gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mà còn góp phần ổn định tỷ giá hối đoái.
Có được kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục này là nhờ thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo cơ hội để thúc đẩy dòng chảy thương mại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo toàn cầu của mình ở Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng xuất siêu cho Việt Nam.
Nhưng không chỉ là các mặt hàng chế biến, chế tạo (ngành tăng trưởng lớn nhất với mức 12,3%, đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp), năm 2018 cũng ghi nhận kỷ lục mới của xuất khẩu nông sản với giá trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính đạt trên 40 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông sản.
3. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 60 tỷ USD, tăng 3,3 lần so với cách đây 3 năm, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2018 tăng mạnh, như vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, làn sóng cổ phần hóa diễn ra mạnh mẽ, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, kiều hối tăng mạnh…
Nguồn dự trữ ngoại tệ kỷ lục đã giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong can thiệp thị trường tỷ giá. Nhờ vậy, dù năm 2018, thị trường tài chính thế giới biến động rất mạnh, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra..., khiến nhiều nước trong khu vực phải điều chỉnh mạnh giá đồng nội tệ, song tỷ giá đồng Việt Nam chỉ tăng hơn 2%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng Việt Nam ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tiền đề cho kinh tế nước ta tiếp tục phát triển.
Một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối tăng vọt là kiều hối về nước cũng đạt kỷ lục. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối của Việt Nam năm 2018 đạt 15,9 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam tăng 10% (năm 2017, kiều hối của cả nước đạt 13,8 tỷ USD).
4. Môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, thúc đẩy các kế hoạch đầu tư lớn của khu vực kinh tế tư nhân.
Sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã ghi các dấu ấn đặc biệt trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đưa niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lên cao. Năm 2018 ghi nhận kỷ lục về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành sau gần 20 năm thực hiện. Đây cũng là năm đầu tiên, Chính phủ có nghị quyết riêng về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 xác lập kỷ lục mới, với 131.275 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, năm 2018 là năm của các dự án quy mô lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, quy mô 335 ha, đã đi vào hoạt động sau hơn 1 năm xây dựng. Sân bay Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã chính thức đón chuyến bay thương mại đầu tiên…
5. Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của khu vực này đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, bổ sung vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra chiến lược mới trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới, với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, tập trung thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, gia tăng liên kết với doanh nghiệp trong nước để tạo sức lan tỏa đối với nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục Đầu tư nước ngoài vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 30 năm qua
Bên cạnh đó, năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó. Cuối năm, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, đã chính thức vận hành thương mại. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam chính là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
6. Việt Nam đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN).
Năm 2018, Việt Nam đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 - dấu ấn quan trọng nhất trong hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta trong năm
Đây là dấu ấn quan trọng nhất trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2018. Hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở, hiếu khách và tràn đầy cơ hội đầu tư - kinh doanh đã được lan tỏa rộng rãi.
Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”, chủ nhà Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thiết thực, như xây dựng quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu, hòa mạng di động một giá cước của ASEAN; kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời cho các nước ASEAN, xây dựng chuẩn kỹ năng chung trong ASEAN về công nghệ thông tin…
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn chính sách liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hoàn tất. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được ra mắt với sự tham gia của 100 trí thức người Việt trên toàn cầu. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang được xây dựng với thể chế vượt trội...
Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong vai trò nhà đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển...
7. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc đã có 7 thành viên thông qua, trong đó có Việt Nam, CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, với nội dung gần như giữ nguyên so với TPP dù 22 điều khoản được hoãn thực thi chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.
8. Kinh tế nông thôn phát triển với nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2018, cả nước đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc thù (Mỗi xã một sản phẩm - OCOP), hướng đến mục tiêu hoàn thành toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020.
Nhờ có Nghị quyết mà xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, được người dân ủng hộ. Đến nay, cả nước đã có 42% số xã đạt tiêu chí là xã nông thôn mới. Cũng nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết, năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh và tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm. Riêng miền núi, vùng đồng bào dân tộc những năm gần đây giảm 4%/năm. Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người nông dân được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và cả nước ngoài cũng đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những chuyển biến tích cực này đã mang lại thành tựu lớn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là con số kỷ lục 40 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2018. Nông nghiệp cũng đã thực sự trở thành bệ đỡ, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.
9. Kỷ lục đón 15 triệu lượt khách quốc tế.
Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế - con số lớn nhất từ trước đến nay. Trong ảnh: Lễ đón khách du lịch thứ 15 triệu tới Việt Nam
Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt được con số này, đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch. Sau 3 năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi (tăng 3 triệu lượt so với năm 2017 và 5 triệu lượt so với năm 2016), duy trì mức tăng xấp xỉ 22% so với năm 2017.
Năm 2018, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá xếp thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á trong lễ trao giải của World Travel Awards và là điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á trong lễ trao giải của Golf World Travel Awards.
Cùng với dấu mốc đón 15,5 triệu lượt khách, năm 2018, ngành du lịch cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (26 tỷ USD). Điều này góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
10. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động, trở thành đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng.
Sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là bước đi quan trọng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Sau 20 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời Ủy ban là bước đi quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong Lễ ra mắt Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với việc Ủy ban chính thức đi vào hoạt động, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ cao hơn, hoạt động doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Hoạt động hiệu quả của Ủy ban cũng là chìa khóa cho việc khơi thông, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Trong các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, sự cẩn trọng, bài bản đang thể hiện rõ, gắn với tham vọng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và cả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm thay đổi cục diện thương mại, đầu tư toàn cầu… Chưa bao giờ, khát vọng về doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, sản phẩm Việt sẽ ghi dấu ấn trong chuỗi giá trị toàn cầu lại hiện thực đến thế.
Từng người dân cũng đang háo hức đón chào năm mới với những dự định cho tương lai tươi đẹp hơn.
Song thực tế hơn 30 năm đổi mới kinh tế của Việt Nam cho thấy, dư địa này, không gian này, cơ hội này không dễ cầm nắm ngay. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, đối với đất nước ta, nếu tất cả 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng Việt Nam hùng cường, trong mọi hoàn cảnh, trên từng chặng đường phát triển của đất nước, thì chắc chắn, Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu.
Điều này cũng có nghĩa, dư địa để Chính phủ hành động, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là không hề nhỏ. Nhưng cũng không dễ thực thi nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức và đặc biệt là những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.
Ngay cả khoảng không gian phát triển mới, có thể không giới hạn mà từng người dân, doanh nghiệp đang nhìn thấy được, đang nỗ lực cải thiện, nâng cấp mình để tận dụng triệt để, cũng không thể phát huy giá trị thực tiễn nếu tư duy quản lý nhà nước không thay đổi kịp theo xu hướng phát triển mới, nếu vẫn ôm đồm trách nhiệm, muốn lo hộ người dân, doanh nghiệp, thay vì kiến tạo phát triển.
Vào lúc này, bài học về những cơ hội bị bỏ lỡ, chưa tận dụng hết sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết những năm qua cần được nhắc lại.
Thủ tướng Chính phủ đã từng nói, đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.
Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng khi khát vọng chung đó luôn cháy bỏng trong từng người dân, từng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.