Xuất khẩu dệt may 2021 dự trù bằng năm 2019

0:00 / 0:00
0:00

Đánh giá tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài trong 1-2 năm tới, ngành dệt may dự trù kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 39 tỷ USD, bằng năm 2019.

Xuất khẩu dệt may dự trù đạt gần 39 tỷ USD trong năm 2021.

Xuất khẩu dệt may dự trù đạt gần 39 tỷ USD trong năm 2021.

Dự báo về khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 tại họp báo trước thềm Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) lần thứ VI (2020 – 2025) và tổng kết năm 2020 , ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1-2 năm tới, dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2021 dự trù 39 tỷ USD, bằng năm 2019.

Đánh giá về ngành dệt may trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), VITAS cho hay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 đến năm 2019. Cụ thể, năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt gần 39 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm 9,55%.

Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương tăng trưởng -9,29%, thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

"Năm 2020 là thách thức rất lớn, đảo ngược toàn bộ mục tiêu chúng ta đặt ra đầu năm là xuất khẩu đạt 42 tỷ USD", ông Giang nhìn nhận. Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam cũng có những thay đổi. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,80% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%.

Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành dệt may, theo ông Giang, đó là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh. Với riêng Vitas, Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm; tham gia ý kiến vào các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn; làm tốt vai trò là thành viên Hôi đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do...

Mục tiêu đến năm 2025 ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.

Tin bài liên quan