ÔngJohnathan Hạnh Nguyễn cho biết việc có tên trong Hồ sơ Panama liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư khi còn sinh sống tại Philippines
Được giới truyền thông gọi là "Vua hàng hiệu" tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) hiện nắm giữ danh mục phân phối 38 thương hiệu thời trang hàng đầu, kinh doanh nhượng quyền thức ăn nhanh...
Trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố 2 ngày trước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng có tên, dù không nằm trong danh sách 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam. Vai trò của ông Hạnh Nguyễn được nhắc tới là người có cổ phần trong 2 công ty được thành lập tại nước ngoài (offshore company) là Imex Asia Pacific International Limited và Imex Pan Pacific Group Inc. VnExpress đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Việt kiều về sự việc này.
- Không giống nhiều doanh nhân hoạt động trong nước khác, ông có tên trong Hồ sơ Panama song lại không xuất hiện trong danh sách những người liên quan đến Việt Nam. Đâu là lý do của điều này?
- Tôi cho rằng mình có tên trong danh sách các công ty đa quốc gia, bởi thời điểm họ thu thập dữ liệu, tôi là doanh nhân Việt kiều, song hoạt động ở Philippines.
Sở dĩ tôi có tên trong hồ sơ này là vì có cổ phần tại 2 công ty trong danh sách là Imex Asia Pacific International Limited (IAP) và Imex Pan Pacific Group Inc. Thật ra, đây là hoạt động đầu tư bình thường của công ty tôi lúc còn ở Philippines.
Cụ thể là ngày 6/3/2008, Công ty Imex Asia Pacific International Limited (IAP) được thành lập (chuyên về đầu tư) ở British Virgin Islands (BVI) và họ chào mời mua cổ phần. Lúc đó tôi đang sở hữu một công ty ở Philippines và đại diện cho công ty này mua lại cổ phần để trở thành cổ đông của IAP vì thấy dự án khả thi, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, IAP chỉ tồn tại 6 tháng vì làm ăn không hiệu quả, đóng cửa hoàn toàn vào tháng 9/2008. Sau đó, doanh nghiệp này đã trả lại cổ phần đầy đủ cho chúng tôi.
Công ty thứ 2 là Imex Pan Pacific Group Inc (chuyên đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, tài trợ dự án...) có trụ sở tại Singapore, cũng là doanh nghiệp mà tôi là cổ đông. Sau 3 năm tham gia, từ tháng 9/2007, tôi không còn là cổ đông nữa vì muốn rút hết vốn để dồn về làm ăn tại Việt Nam.
- Cảm giác của ông thế nào khi có tên trong Hồ sơ Panama?
- Tôi thấy đây là điều rất bình thường, không có gì phải căng thẳng. Bởi chúng tôi là những người làm ăn chân chính, thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế và hoạt động hợp pháp.
Hơn nữa, thời điểm liên quan là lúc tôi còn đại diện cho doanh nghiệp bên Philippines chứ không liên quan gì ở Việt Nam. Do đó, việc mua cổ phần của những công ty có địa chỉ tại BVI là hoạt động bình thường, vì bản thân tôi là nhà đầu tư quốc tế. Vấn đề này ở các nước trên thế giới cũng hoàn toàn hợp lệ.
- Vậy danh sách vừa công bố trong hồ sơ Panama, theo ông, nên hiểu thế nào?
- Chúng ta cần phân biệt rõ ràng ranh giới trong danh sách ấy. Một là những cá nhân, tổ chức làm ăn hợp pháp nhưng có liên quan đến công ty mở ở các nước được xem là "thiên đường thuế". Hai là các thành phần làm ăn phi pháp, buôn lậu, ma túy... muốn sử dụng những nơi này để rửa tiền, trốn thuế...
Với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, họ mở công ty BVI không có gì sai trái hay phạm pháp. Bởi trong hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế thì có thể chuyển tiền hoặc xử lý thu nhập ở một địa bàn theo quy định ở nơi đó. Nếu pháp luật cho phép và công khai minh bạch thì mọi chuyện trở thành hợp pháp. Thậm chí gọi lách thuế thì cũng không phải là phạm pháp.
Riêng với các trường hợp như buôn lậu, mua bán vũ khí, tham nhũng... muốn dùng nơi này rửa tiền thì mới là sai trái, phi pháp. Chẳng hạn, một tổ chức nước ngoài có nguồn tiền 'bẩn" do buôn lậu, bán vũ khí.... họ sẽ mở công ty ở BVI để rót tiền vào đây. Từ BVI, tổ chức này mới lấy nguồn tiền sang đầu tư vào một nước khác, thì lúc này, họ đã biến tiền bẩn thành tiền sạch.
Việc điều tra phụ thuộc vào pháp luật, chính sách của nước liên quan. Nếu Việt Nam đã ký hiệp định phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp, hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì hoàn toàn có thể đề nghị các cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan phối hợp, cung cấp thông tin điều tra. Nếu như không có những hiệp định, thỏa thuận nói trên thì quả thật rất khó khăn, gần như ta chỉ có thể tra soát ở đầu Việt Nam.
- Người ta hay nói về "thiên đường thuế". Vậy nó thực chất là gì?
- Thiên đường thuế chẳng hạn như BVI. Đây là một quần đảo có diện tích chỉ khoảng 153 km2, GDP hơn một tỷ USD, với 28.000 dân, nhưng họ có tổ chức như một quốc gia bình thường. Nền kinh tế này gần như xóa bỏ mọi loại thuế với người kinh doanh nên giới đầu tư tài chính toàn cầu thường dùng những từ như "thiên đường thuế" để chỉ BVI và một số nơi khác trên thế giới.
Tại đây, việc thành lập doanh nghiệp cực kỳ dễ, giấy phép gần như đã được làm sẵn, điền thông tin và ký tên là xong. Sau đó, doanh nghiệp chỉ cần trả cho chính quyền 3.000 USD và luật sư 1.500 USD. Chỉ như vậy, hằng năm chính quyền nơi đây có thể thu vào hàng trăm triệu USD.
|
Tên ông Johnathan Hạnh Nguyễncó trong hồ sơ Panama. |
- Ông có thể giải thích rõ hơn về cách thức "lách" thuế trong trường hợp chọn BVI làm nơi đặt công ty?
- Chẳng hạn, tôi là một doanh nghiệp ở Mỹ đầu tư về Việt Nam thì Chính phủ Việt Nam quy định rất rõ ràng các loại thuế như giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và chúng tôi đều tuân thủ tốt... Sau đó, lãi bao nhiêu thì chúng tôi sẽ đóng theo tỷ lệ quy định hiện hành tại Việt Nam. Số tiền lời còn lại sau thuế, chúng tôi được quyền mang về nước.
Tuy nhiên, nếu mang về Mỹ, số tiền này lại phải đóng thuế thêm một lần nữa. Do đó, chúng tôi chọn lập một công ty ở BVI và chuyển tiền này về đó thì sẽ không phải đóng thuế. Nguồn tiền tại đây vẫn được quyền để đầu tư thêm dự án hay mua bất cứ thứ gì mà công ty muốn.
Đã là thương nhân thì ai cũng thích điều này vì nó mang lại tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh. Điều này hoàn toàn không phạm pháp hay sai trái. Và thường thì các công ty, tập đoàn đa quốc gia họ hay sử dụng giải pháp này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì để thực hiện được việc này là rất khó, vì chính sách kiểm soát dòng tiền ra vào khá chặt chẽ nên khó có thể né sang BVI.
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty tại Quần đảo British Virgin, Cayman, Seychelles và Bermuda. Đây là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, lý tưởng cho các hoạt động ngầm, né thuế hay rửa tiền.