VietinBank xây dựng nền tảng bền vững để phát triển ngân hàng số

VietinBank xây dựng nền tảng bền vững để phát triển ngân hàng số

(ĐTCK)  “Phát triển ngân hàng số để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng được VietinBank xác định là 1 trong 5 trụ cột chiến lược trong thời gian tới, với mục tiêu: Trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Để làm được điều này, VietinBank đã củng cố nền tảng Core Banking, làm giàu hạ tầng cơ sở dữ liệu, song song với việc bắt tay với các FinTech để triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại, mang lại nhiều trải nghiệm tích cực cho khách hàng”, ông Phùng Duy Khương - Giám đốc Khối Bán lẻ hàm Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.

Trở thành ngân hàng số là xu hướng không thể bỏ qua với mọi ngân hàng. Ông có thể chia sẻ điều này đang diễn ra như thế nào tại VietinBank?

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) diễn ra mạnh mẽ, ngân hàng số trở thành xu hướng nhanh chóng được các ngân hàng Việt Nam tham gia. Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ người dùng Internet và smartphone rất cao. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng rất quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để hỗ trợ các nhà băng phát triển ngân hàng số.

 Ông Phùng Duy Khương - Giám đốc Khối Bán lẻ hàm Phó Tổng Giám đốc VietinBank .

Đối với VietinBank, chúng tôi hết sức quan tâm đến lĩnh vực này. Trong kế hoạch 5 năm và trung hạn, mảng ngân hàng số là 1 trong 5 trụ cột chiến lược của VietinBank.

Theo kế hoạch này từ nay đến năm 2020, VietinBank xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống nền tảng cơ bản và giải pháp người dùng, từ năm 2021 trở đi sẽ triển khai những giải pháp phát triển đột phá hơn.

Trên thực tế, ngay từ bây giờ VietinBank đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc triển khai ngân hàng số. Chẳng hạn thời gian qua, VietinBank đã chuyển đổi thành công Core Banking, được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, cùng với đó là việc đầu tư mạnh mẽ vào ngân hàng số. VietinBank vinh dự nhận các giải thưởng uy tín “Chương trình đổi mới Core Banking tốt nhất”, “Ngân hàng di động tốt nhất” do Tạp chí The Asian Banker trao tặng. 

Với thế mạnh về quy mô và thương hiệu, chắc chắn VietinBank có điều kiện thuận lợi hơn về đầu tư cho công nghệ so với các ngân hàng nhỏ. Nhưng dường như câu chuyện này của VietinBank ít được thị trường biết tới?

Không hẳn là như vậy. Khi nói về ngân hàng số, nhiều ngân hàng đang để tâm đến giao diện ứng dụng di động (mobile app), Internet banking, ví điện tử, chat box…

Điều này rất cần thiết để tạo trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, nhưng theo tôi, đó chỉ là bề nổi. Cụ thể, các yếu tố nền tảng (back end) đóng vai trò quan trọng hơn, bởi dù những ứng dụng bề nổi có nhiều tính năng mà nền tảng không đủ mạnh thì trải nghiệm khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy đối với VietinBank, đầu tư vào Core Banking nghĩa là đầu tư vào nền tảng. Mặc dù điều này khách hàng không thể “sờ thấy” hay “nhìn thấy”, nhưng nó giúp cho việc xử lý dữ liệu và mọi giao dịch của khách hàng nhanh và thông suốt hơn.

Đặc biệt, VietinBank có số lượng khách hàng đông hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần trong nhóm “Big 4”, số lượng giao dịch mỗi ngày rất lớn nên việc xử lý những vấn đề nền tảng càng phải được ưu tiên.

Với nền tảng hệ thống Core Banking vững chắc, các khối kinh doanh tiến hành xây dựng sản phẩm, dịch vụ đột phá dựa vào thế mạnh của Core Banking.

Thực tế trong năm 2018, Khối Bán lẻ của VietinBank đã triển khai một số sản phẩm tận dụng tốt thế mạnh của Core Banking mới mà trước đây chúng tôi không làm được trên nền tảng Core cũ. Cho nên các ngân hàng đều biết được là VietinBank đang đi đầu về khía cạnh này.

Ở góc độ khách hàng, người sử dụng cũng đánh giá iPay - mobile app của VietinBank là một ứng dụng di động rất nổi trội. Dù vậy, ứng dụng này đã được xây dựng gần 4 năm và hiện tại, VietinBank đang thực hiện dự án nâng cấp iPay lên phiên bản mới với chuyên đề là “Life Style” - coi đây là một ứng dụng thiết thực trong cuộc sống.

Cụ thể, mỗi khi người dùng phát sinh các nhu cầu bất kỳ trong cuộc sống, đều có thể sử dụng ứng dụng Life Style và khi cần thanh toán mới hiện ra VietinBank. Điều này sẽ khiến ứng dụng trở nên gần gũi và thân thiện với khách hàng hơn rất nhiều. 

Hiện tại, các dịch vụ ngân hàng số, hay các dịch vụ có ứng dụng công nghệ dành cho khách hàng bán lẻ đã xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Vậy VietinBank sẽ bước đi như thế nào và hướng tới mục tiêu gì?

Theo tôi, để phát triển thành công hoạt động bán lẻ, đặc biệt với một ngân hàng lớn như VietinBank thì việc chỉ tập trung phát triển một mình ngân hàng số là chưa đủ; thay vào đó cần phát triển song song cả kênh kinh doanh truyền thống lẫn ngân hàng số.

Nhìn xu hướng phát triển của các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, kênh truyền thống (thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch) vẫn là kênh đa phần được khách hàng ưa chuộng nhất và theo đó chiếm tỷ trọng giao dịch cao nhất.

Ngân hàng số hay “Ngân hàng không chi nhánh” sẽ hướng tới đối tượng “khách hàng của tương lai” là những người trẻ trung hơn, năng động hơn và tập trung tại các thành phố lớn.

VietinBank mong muốn luôn là ngân hàng của mọi phân khúc nên VietinBank đã đầu tư phát triển đa kênh giao dịch: Từ nâng cấp hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, đầu tư hạ tầng CNTT, phát triển ngân hàng số thông qua Internet banking, iPay mobile, kết nối với các FinTech…

Hợp tác với FinTech được xem là một giải pháp để rút ngắn đường đi trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. VietinBank có nghĩ tới điều này hay sẽ tự phát triển các ứng dụng của mình?

Hợp tác hay cạnh tranh với các FinTech là câu hỏi các ngân hàng luôn đặt ra. Đối với VietinBank, chúng tôi chọn phương án hợp tác. Vừa qua, NHNN đã thực hiện Chương trình FinTech Challenge Vietnam (FCV) với sự góp mặt của nhiều đại biểu và khách mời cùng các công ty FinTech.

VietinBank đã cùng đồng hành với 2 FinTech, trong đó Weezi Digital đã vượt qua 140 đối thủ, phần lớn là đối thủ quốc tế để đoạt được giải Nhất, đội được giải Ba là WeCash. Câu chuyện hợp tác của VietinBank với 2 công ty FinTech này để sớm ra các sản phẩm, dịch vụ tốt đã cho thấy sự thành công trong câu chuyện hợp tác giữa ngân hàng và FinTech.

Bên cạnh đó, VietinBank sẽ tiến hành việc phát triển các ứng dụng của mình, triển khai đồng loạt một thời điểm nhiều dự án. Hiện tại, chúng tôi có thể cùng một lúc hợp tác với 7 hay 10 FinTech để triển khai các giải pháp khác nhau.

Trong quá trình đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số, các nhà băng, bao gồm cả VietinBank đang gặp vướng mắc bởi hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Ví dụ, với nguyên tắc xác minh danh tính (KYC), pháp luật hiện hành yêu cầu người dân phải đến chi nhánh ngân hàng để xác thực đầu tiên trước khi trở thành khách hàng của nhà băng.

Trong khi đó, ngân hàng số phải có khả năng làm được eKYC dựa vào khuôn mặt, giọng nói… Đây là điều Việt Nam vẫn còn chậm hơn so với các nước khác ở góc độ triển khai ngân hàng số, nên vẫn chỉ dừng ở ứng dụng di động, ví điện tử mà chưa phải ngân hàng số thực sự. Hy vọng, các nội dung này sẽ được NHNN và các Bộ ban ngành sớm tháo gỡ trong thời gian tới. 

Một trong những thách thức lớn nhất của chiến lược phát triển ngân hàng số chính là dữ liệu. VietinBank đang phải ứng xử câu chuyện dữ liệu cả trên 2 phương diện là thực hiện chuẩn Basel 2 và hệ thống dữ liệu phục vụ phát triển ngân hàng số. Vấn đề này liệu có quá khó khăn với VietinBank nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung?

Khi nói về ngân hàng số, một trong những cấu phần quan trọng của phần nền tảng là dữ liệu, làm sao xử lý được một hệ thống dữ liệu rất lớn và rất nhanh. Đây là vấn đề về dữ liệu lớn - 1 trong 4 cấu phần của thời đại 4.0. Vừa qua,

VietinBank đã nhận được giải thưởng về Dự án phân tích dữ liệu khách hàng tốt nhất do Asian Banker bình chọn. Điều này phần nào thể hiện năng lực của VietinBank trong vấn đề xử lý và sử dụng dữ liệu.

Chúng tôi đã đầu tư vào EDW, một dạng của “data warehouse” - nhà kho dữ liệu này giúp ngân hàng có thể xử lý nhanh chóng và chính xác dữ liệu của khách hàng, đội ngũ CNTT của VietinBank cũng được nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. 

Dịch chuyển sang bán lẻ là bước đi đúng đắn của các nhà băng tại thị trường Việt Nam bởi dân số trẻ là cơ hội lớn để phát triển bán lẻ. Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng, mà đòi hỏi tính kỷ luật rất cao, chiến lược rõ ràng, vận hành tốt với việc đầu tư vào nhân sự, công nghệ… Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi hoạt động bán lẻ cần phục vụ nhiều phân khúc khách hàng, nhu cầu khác nhau, trên phạm vi tất cả các tỉnh/thành phố với khoảng 100 triệu dân.

Lấy khách hàng làm trung tâm cần là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngân hàng bán lẻ. Để xây dựng thành công ngân hàng bán lẻ, theo tôi chúng ta cần tập trung vào 4 trụ cột sau: Chiến lược rõ ràng, mô hình chuẩn xác, công nghệ tiên tiến và nhân sự đủ tiêu chuẩn về cả lượng và chất. Bên cạnh đó công tác triển khai 4 trụ cột này phải toàn diện, đồng bộ thì hoạt động bán lẻ mới hiệu quả và bền vững.

Tin bài liên quan