Tìm sự cân bằng giữa tiền bạc và quyền lực

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ khi hiểu rõ mục tiêu của bản thân và biết cân bằng giữa hai mục tiêu: tiền bạc và quyền lực, nhà sáng lập mới có thể đưa start-up phát triển và đi đúng hướng.
Tìm sự cân bằng giữa tiền bạc và quyền lực

“Một trong những nguyên nhân khiến các nhà sáng lập thất bại không phải vì thiếu ý tưởng hay tài chính, mà vì họ không trung thực với bản thân về thứ mình thực sự muốn: tiền bạc hay quyền lực”. Đó là kết luận đúc kết từ nghiên cứu của GS. Noam Wasserman tại Trường Kinh doanh Harvard, được trích dẫn trong bài “The Founder's Dilemma” (Thế khó của nhà sáng lập - PV).

GS. Wasserman chỉ ra rằng, các nhà sáng lập thường phải đối mặt với sự đánh đổi giữa “giàu có” (tiền bạc) và “quyền lực”. Nếu muốn tối đa hóa tài sản, họ phải chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát, ví dụ nhượng bớt cổ phần cho nhà đầu tư hoặc tuyển dụng một CEO chuyên nghiệp hơn. Ngược lại, nếu mục tiêu là duy trì quyền lực và kiểm soát toàn bộ doanh nghiệp, họ cần sẵn sàng đối mặt với thực tế rằng, công ty có thể phát triển chậm hơn hoặc không đạt được giá trị tối đa.

Từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình khởi nghiệp 10 năm với thương hiệu Ôbobun (chuỗi nhà hàng chuyên bán bún bò và ẩm thực Việt Nam tại Pháp), Nhà sáng lập Phan Viết Phong cho rằng, giữa tiền bạc và quyền lực, không có lựa chọn nào là đúng hay sai, chỉ có những lựa chọn phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh. “Mỗi người phải tự biết rõ điều thực sự muốn ở mỗi thời điểm là gì”, anh nói.

Ví dụ, ở giai đoạn mới khởi nghiệp, Ôbobun chỉ là một quán nhỏ với mong muốn mang món bún bò Nam bộ tới gần hơn với khách hàng Pháp. Để tiết kiệm chi phí, Phong tự làm gần như tất cả mọi việc, từ đi chợ, rửa rau, thái thịt, cuốn nem, nấu nướng, lên thực đơn, đến phục vụ khách. Lúc này, một người bạn gợi ý đầu tư để mở thêm chi nhánh, nhưng anh từ chối, bởi chưa sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát khi mọi thứ còn đang trong giai đoạn sơ khai.

Sau này, khi Ôbobun phát triển lên 3 chi nhánh, áp lực tài chính tăng lên, một quỹ đầu tư đề nghị rót vốn vào chuỗi. Đổi lại, họ sẽ can thiệp vào chiến lược kinh doanh và đưa một CEO chuyên nghiệp vào thay cho Phong. Trải qua quá trình đấu tranh và cân nhắc với tình hình kinh tế, cuối cùng, Nhà sáng lập chọn không nhận vốn từ quỹ đầu tư. Thay vào đó, anh tập trung tối ưu hóa vận hành, giúp Ôbobun hoạt động tinh gọn, vượt qua khủng hoảng tài chính, dù phải phát triển chậm hơn.

Quá trình tinh gọn khiến anh nhận ra: “Không phải lúc nào tiền cũng là câu trả lời. Đôi khi, giữ vững giá trị cốt lõi và quyền kiểm soát sẽ mang lại sự ổn định lâu dài”.

Đến thời điểm hiện tại, Ôbobun đã có 4 chi nhánh hoạt động ổn định. Nhà sáng lập bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng thị trường ra toàn nước Pháp. Để làm được điều đó, anh đã thay đổi cách suy nghĩ, sẵn sàng nhượng quyền nhiều hơn, thậm chí không ngại mời những người điều hành chuyên nghiệp về đồng hành. Thay vì giữ quyền kiểm soát hay tìm kiếm tiền bạc, Phan Viết Phong đề cao tầm nhìn dài hạn, hướng tới việc xây dựng chuỗi Ôbobun mạnh mẽ hơn.

Qua nhiều chặng phát triển khác nhau, anh dần nhận ra, trên hành trình khởi nghiệp, mỗi nhà sáng lập đều phải đối mặt với câu hỏi: Bạn muốn công ty tăng trưởng, muốn kiếm tiền hay muốn duy trì quyền lực? “Câu trả lời không bao giờ đơn giản. Rất nhiều người không rõ ràng và trung thực với chính mình. Nhưng việc hiểu rõ mục tiêu của bản thân ngay từ đầu sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Tiền bạc mang lại cơ hội, quyền lực mang lại cảm giác tự do. Nhưng chỉ khi biết cân bằng giữa hai điều này, bạn mới thực sự làm chủ hành trình khởi nghiệp của mình”, đại diện Ôbobun kết luận.

Tin bài liên quan