Tại đợt IPO của BSR, hơn 1/3 lượng cổ phần đã được các cá nhân và tổ chức nước ngoài đặt mua

Tại đợt IPO của BSR, hơn 1/3 lượng cổ phần đã được các cá nhân và tổ chức nước ngoài đặt mua

Tiền ngoại sẵn sàng cho các cuộc IPO lớn

(ĐTCK) Sau Hà Nội, buổi roadshow tiếp theo tại TP.HCM của Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) vẫn thu hút đông đảo nhà đầu tư tham dự. Doanh nghiệp này sẽ chào bán 468 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội ngày 31/1 tới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên viên một công ty chứng khoán lớn đang chăm sóc nhóm khách hàng nước ngoài cho biết, khối ngoại rất quan tâm tới các đợt IPO lớn như thế này, nhất là với những lĩnh vực đặc thù và có nhiều tiềm năng như điện, dầu khí. Trong khi đó, một nhóm nhà đầu tư trong nước cũng cho hay, họ đã nắm đủ thông tin mà PV Power đưa ra và đã có "kế hoạch" trong đợt IPO sắp tới của doanh nghiệp này.

Tại roadshow, có ý kiến cho rằng, điểm bất lợi là phiên IPO này diễn ra trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn cũng thực hiện thoái vốn, IPO… nên sẽ ảnh hưởng phần nào đến giá đặt mua cổ phiếu PV Power, bởi các doanh nghiệp IPO trước sẽ có lợi thế hơn...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, kế hoạch IPO các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã được công bố trước đó để nhà đầu tư có thời gian tìm hiểu, nên không hẳn “trâu chậm uống nước đục”, mà quan trọng là “hàng” có tốt hay không.

Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên PV Power cho biết, sau hơn 2 năm chuẩn bị, Công ty đã tổ chức nhiều đợt roadshow tại các thị trường phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... và nhận được nhiều sự quan tâm.

"Trong số 100 nhà đầu tư muốn trở thành đối tác chiến lược của PV Power, có nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu, Nhật Bàn, Hàn Quốc... Hiện Công ty đã ký bảo mật thông tin với 3 nhà đầu tư", ông Kỳ cho hay.

Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, lãnh đạo PV Power chia sẻ, theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, PV Power sẽ ưu tiên nhà đầu tư cùng hoạt động trong lĩnh vực phát điện, kế đến là nhà đầu tư khai thác mỏ, khí, than... và các quỹ đầu tư. Sau cổ phần hóa, Nhà nước dự kiến nắm giữ 51% vốn, nhà đầu tư chiến lược là 29%, còn lại là do nhà đầu tư đại chúng và cán bộ, nhân viên sở hữu.

"Kinh nghiệm của các nước trong khối OECD sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong quản trị kỹ thuật, tài chính, nhân sự… Với các quỹ đầu tư, nguồn vốn ủy thác lớn là lợi thế cần nắm bắt. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đợt thoái vốn, IPO tại Việt Nam", ông Kỳ nhìn nhận.

Ông Đinh Văn Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại PV Power chia sẻ thêm, từ năm 2019, nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán được với các nhà tài trợ và trên cơ sở PVN cân đối được dòng tiền trả nợ thì sẽ đàm phán để trả nợ trước hạn. Khi đó, PVN sẵn sàng giảm tỷ lệ nắm giữ về 36% sớm hơn, thay vì tới năm 2025 như phương án cổ phần hóa đã được duyệt. Đây là thông tin được các nhà đầu tư có mặt tại buổi roadshow đón nhận tích cực và được đánh giá làm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược của PV Power.

Trước đó, trong đợt IPO gần 483,2 triệu cổ phần của Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), có tới 4.079 nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân đăng ký mua cổ phần, trong đó các cá nhân trong nước đăng ký mua hơn 188 triệu cổ phiếu (cá nhân nước ngoài là 44.800 cổ phiếu), tổ chức trong nước đăng ký 144 triệu cổ phiếu và tổ chức nước ngoài là gần 151 triệu cổ phiếu.

Gần đây nhất, đợt IPO của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), số lượng nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần cũng rất lớn, đạt 3.195 nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là cá nhân trong nước với 3.091 nhà đầu tư (cá nhân nước ngoài là 8 nhà đầu tư); tổ chức trong nước và nước ngoài lần lượt là 42 và 54 nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn chứng khoán như PLX, VPB, VRE, VJC, HDB… cũng đều được nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tích cực gom mua.

Thực tế cho thấy, điểm nổi bật từ các đợt IPO hay thoái vốn lớn từ cuối năm 2017 đến nay đều gây được tiếng vang, không chỉ trên bình diện thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn cả trong khu vực. Nhiều đợt IPO nhận được sự quan tâm đúng nghĩa từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco... hay chào bán công khai tại BSR, PV Oil... Điều này nói lên rằng, chỉ cần là nguồn hàng chất lượng, các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư ngoại, luôn sẵn sàng bỏ vốn. 

Tin bài liên quan