Thương vụ bán hơn 50% cổ phần của Sabeco nếu thành công sẽ về tối thiểu 4,8 tỷ USD

Thương vụ bán hơn 50% cổ phần của Sabeco nếu thành công sẽ về tối thiểu 4,8 tỷ USD

Tiền đâu chảy vào các cuộc bán vốn lớn?

(ĐTCK) Các đợt bán vốn lớn ở những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động kinh doanh hiệu quả đang đổ dồn vào tháng cuối năm. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã tăng mạnh trước thông tin thoái vốn. Danh tính đối tác tham gia các đợt bán vốn được thị trường rất quan tâm.

Chờ đợi bên mua lộ diện

Vào ngày cuối cùng của tháng 11, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) gây bất ngờ với thị trường khi có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị khớp lệnh đạt gần 2.500 tỷ đồng, tương ứng 28% giá trị giao dịch trên sàn HOSE. Chỉ vài giây trước phiên ATC, hơn 100 triệu cổ phiếu DIG kê bán giá trần đổ ập vào và khớp lệnh trong vòng vài phút.

Với diễn biến đó, lượng giao dịch nói trên được dự đoán do Bộ Xây dựng thực hiện, bởi chỉ có Bộ Xây dựng mới có lượng lớn cổ phiếu như vậy để bán ra một lúc. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng công bố việc thoái vốn toàn bộ 118,26 triệu cổ phiếu, tương đương 49,65% vốn của DIG.

Thông thường, việc giao dịch một lượng lớn cổ phiếu sẽ được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận, hiếm khi qua phương thức khớp lệnh như trường hợp DIG. Danh tính nhà đầu tư mua vào DIG trong phiên 28/11 đang được thị trường rất quan tâm.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, có ít nhất một quỹ ngoại lớn có mặt đã lâu tại thị trường Việt Nam tham gia mua vào và một nhà đầu tư ngoại khác mua khoảng 20 triệu cổ phiếu DIG trong phiên này. Trong phiên 28/11, khối lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 56,4 triệu cổ phiếu.

Sau phiên bán vốn của SCIC tại Vinamilk, hay phiên bán vốn của Bộ Xây dựng tại DIG vừa qua, giới đầu tư đang dồn sự quan tâm vào các đợt bán vốn lớn dự kiến được thực hiện trong tháng 12 này của SCIC tại CTCP Tập đoàn FPT (FPT), CTCP Đạm Cà Mau (DCM), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng CTCP Vinaconex (VCG), CTCP Nhựa Tiền phong (NTP)… và đợt bán tại Sabeco của Bộ Công thương. Hiện danh mục thoái vốn của SCIC cũng như mức giá định thoái và đối tác vẫn còn là ẩn số.

Mới đây, thị trường bất ngờ trước biến động của cổ đông lớn tại NTP, khi Tập đoàn Nawa Plastic (Thái Lan) thoái toàn bộ vốn và NTP ngay sau đó đón cổ đông Nhật tham gia. Theo Ban lãnh đạo NTP, Công ty mong muốn cổ đông Nhật tham gia đợt đấu giá cổ phiếu NTP của SCIC để tăng tỷ lệ sở hữu.

Còn với BMP, doanh nghiệp cũng trong danh mục SCIC dự kiến thoái vốn trong tháng 12, dự đoán được đưa ra, Nawa sẽ dồn lực để tăng tỷ lệ sở hữu trong dịp này. Nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, có thể xuất hiện cổ đông khác tham gia như đã từng xảy ra với VNM.

Thông tin mới nhất từ SCIC là tiến độ thoái vốn tại 4 doanh nghiệp BMP, NTP, FPT, VCG sẽ được giãn ra trong tháng 12, thay vì nửa đầu tháng 12 như công bố trước đó.

Thương vụ đặc biệt chờ nhà đầu tư đặc biệt

Thương vụ bán vốn nhận được sự quan tâm lớn nhất trên thị trường hiện nay có lẽ là đợt thoái vốn Nhà nước tại Sabeco (SAB). Cụ thể, Bộ Công thương sẽ bán 343,66 triệu cổ phiếu SAB, chiếm 52,39% vốn, với mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt bán vốn này thành công, Nhà nước có thể thu về tối thiểu 4,8 tỷ USD.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, đợt bán đấu giá hơn 50% cổ phần SAB là một thương vụ đặc biệt trong lịch sử bán doanh nghiệp lớn. SAB hiện có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán, chỉ số P/E cao hơn trung bình ngành cả trong và ngoài nước, nên việc bán trên 50% vốn ở mức giá này rất có lợi cho Nhà nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, đợt thoái vốn kỷ lục của SAB có thể khiến nhà đầu tư “hoảng hốt” khi nhìn vào mức giá và lượng tiền lớn dự kiến thu về. Nhưng nếu nhìn xa hơn, con số này chưa phải đã lớn.

Như trường hợp VNM, nhà đầu tư nước ngoài F&N từng mua với giá khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu và bị chê là quá cao, nhưng gần đây, khi quỹ ngoại mới tham gia với mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu thì lại được cho là hợp lý.

Thận trọng với sức ép tỷ giá khi Fed tăng lãi suất

Do vậy, mức giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc vào tỷ lệ thoái vốn có lớn hay không,  thoái ở thời điểm nào và vị thế cũng như tương lai của chính doanh nghiệp trên thị trường.

Theo ông Điệp, trong thương vụ bán vốn tại SAB tới đây, khả năng đã có nhà đầu tư cam kết mua vào và tỷ lệ thành công rất cao.

“SAB có vị thế đầu ngành, cộng thêm thị trường tiêu thụ ở Việt Nam hơn 4 tỷ lít bia/năm là con số rất ấn tượng với các nhà đầu tư nước ngoài. Và mức giá bán cổ phần SAB trong đợt này quy đổi theo USD chỉ khoảng 15 USD/cổ phiếu. Để có thể sở hữu chi phối doanh nghiệp tốt nhất ngành bia tại Việt Nam thì mức giá này vẫn có sức hấp dẫn các nhà đầu tư tầm cỡ”, ông Điệp nhận định.

Cũng theo ông Điệp, nhà máy bia Heiniken, với công suất và tiêu thụ chỉ bằng 50% Bia Sài Gòn, nhưng lợi nhuận lại cao gấp đôi. Lợi nhuận và các chỉ số tài chính hiện nay của Sabeco hoàn toàn có khả năng cải thiện mạnh nếu như có được sự tham gia của đối tác lớn sau đợt thoái vốn để nâng cao hơn về năng lực quản trị, bổ sung thêm dòng tiền, mở rộng thị trường (hiện chủ yếu trong nước).

Theo thông tin trên thị trường, những nhà đầu tư ưa thích công ty này và khả năng tham gia đấu giá hầu hết là tổ chức lớn, thậm chí có cả những nhà đầu tư chưa từng đầu tư ở thị trường Việt Nam. Thêm nữa, họ đều không phải là nhà đầu tư tài chính, tức có thể mang lại sự hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.

Dòng tiền đến từ đâu?

Nhận định về dòng tiền tham gia các cuộc bán vốn lớn trong tháng 12, đặc biệt là thương vụ bán vốn tại Sabeco, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, với mức giá cao như vậy, chỉ có số ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính rất mạnh mới có thể tham gia. Ít có khả năng nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu khác bán ra để mua SAB, nên sẽ không ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường niêm yết. Mặt khác, theo công bố trong tháng 11, tỷ lệ margin trên thị trường chứng khoán đã giảm 40% so với cùng kỳ, nên việc mất dòng tiền vào các cổ phiếu đang niêm yết khó xảy ra, bởi các công ty chứng khoán vẫn còn dư địa để tăng thêm margin.

Còn ông Nguyễn Hồng Điệp nhận định, dù thời gian còn lại rất ngắn, còn khoảng 20 ngày, nhưng áp lực phải hoàn tất các thương vụ thoái vốn lớn, doanh nghiệp tốt phải thực hiện. Nhưng vẫn có cơ sở để kỳ vọng những thương vụ này thành công. Việt Nam vừa tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC, đón nhiều các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đến Việt Nam. Và các đợt thoái vốn đều là những doanh nghiệp tốt nên đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đây là điều kiện thuận lợi về mặt chính trị do việc tổ chức APEC 2017 mang lại.

Theo ông Điệp, những đợt thoái vốn sắp tới có tính chất hoàn toàn khác với thời điểm năm 2007. Dòng tiền thị trường hầu như không bị rút ra để mua những cổ phiếu mang tính chất thông thường như trước đây, mà đều là dòng tiền mới, dòng tiền thêm vào và chủ yếu đến từ khối ngoại.

Tín hiệu vui là bên cạnh nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì nhiều nhà đầu tư ngoại đã hoạt động lâu năm đang tận dụng cơ hội hiện nay để “chốt lời”. Khi đó, theo nguyên tắc của một số quỹ là không giữ tiền mặt, thì lượng tiền này quay lại thị trường để chọn lựa cổ phiếu khác.

“Đợt bán vốn Nhà nước tại SAB nếu thành công sẽ là sự khẳng định dòng tiền lớn rất quan tâm chảy vào thị trường chứng khoán. Như vậy, trong các lần thoái vốn các doanh nghiệp tốt, quy mô lớn sau này sẽ dễ thuận lợi hơn”, ông Điệp bình luận.

Tin bài liên quan