Công chúng đầu tư ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khoán phái sinh, một trong 3 thị trường mà HNX vận hành. Ảnh: Dũng Minh.

Công chúng đầu tư ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khoán phái sinh, một trong 3 thị trường mà HNX vận hành. Ảnh: Dũng Minh.

Thống nhất nguồn lực phát triển thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ đi vào hoạt động theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, HNX sẵn sàng cho việc tái cấu trúc toàn thị trường, thực hiện nhiệm vụ được giao là tập trung quản lý thị trường trái phiếu, phái sinh.

Đại dịch Covid-19 gây nên những ảnh hưởng tiêu cực chưa từng có đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, kinh tế 2020 vẫn tăng trưởng dương và TTCK có sự tăng trưởng vượt mong đợi. Ông có thể chia sẻ kết quả hoạt động các mảng thị trường của HNX trong năm vừa qua?

Một cách tổng quan, các thị trường tại HNX luôn được vận hành an toàn và hiệu quả. Cụ thể, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển.

Tính đến ngày 15/12/2020, giá trị TPCP huy động qua đấu thầu đạt trên 323.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2019. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm đạt 348.456 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đối với TTCK phái sinh, thị trường này có sự tăng trưởng vượt bậc và phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả, góp phần tích cực vào sự ổn định thị trường cơ sở.

Thị trường phái sinh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đầu tư với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có khối lượng giao dịch bình quân hơn 163.000 hợp đồng/phiên, tăng 84,27% so với bình quân năm 2019.

Thị trường cổ phiếu cũng có thanh khoản tăng mạnh. Đặc biệt khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết bình quân đạt hơn 55,5 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch hơn 632 tỷ đồng/phiên, theo đó tăng 75,5% về khối lượng và 54,5% về giá trị so với năm trước.

Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày 31/12/2020 đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10,4% so với cuối năm 2019. Chỉ số HNX-Index tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 đạt 203,12 điểm, tăng 98,14% so với phiên giao dịchcuối cùng năm 2019.

Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019, bình quân đạt 30,4 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 420 tỷ đồng/phiên, tăng 42,3% so với năm 2019.

Tính đến hết tháng 12 năm 2020, thị trường UPCoM có 909 doanh nghiệp, vốn hóa thị trường tại phiên giao dịch ngày 31/12/2020 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Chỉ số UPCoM-Index tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 đạt 74,45 điểm, tăng 31,63% so với phiên giao dịch cuối cùng năm 2019.

Các giải pháp mà HNX dự định triển khai trong năm 2021 để giúp TTCK tiếp tục tăng trưởng bền vững là gì?

Sự điều hành linh hoạt và những giải pháp quan trọng của Chính phủ cùng nền tảng đã đạt được trong năm 2020 là cơ sở để nền kinh tế duy trì được động lực phát triển ổn định trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ngoài yếu tố vĩ mô thì các nhân tố của thị trường cả bên cung và bên cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ TTCK phát triển, cụ thể:

Về cầu chứng khoán, lãi suất ngân hàng tiếp tục được cắt giảm từ đó giải phóng được vốn khả dụng cho cả nền kinh tế.

Dòng vốn được tiếp sức thêm bởi lớp các nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong khi các kênh đầu tư khác đang tiếp tục còn bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Bên cạnh đó, sức cầu còn được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc cắt giảm các hạng mục phí, lệ phí, giảm,miễn và giãn nộp thuế.

Điều này đã tạo ra một luồng sinh khí mới không chỉ cho TTCK, sự lành mạnh của cả hệ thống tài chính mà còn là chính sách tài khóa hiệu quả, giúp nền kinh tế phát triển, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, tác động của cách mạng công nghệ 4.0 với các cơ chế giao dịch mới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hội nhập tài chính và các hiệp định thương mại mới tiếp tục thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài.

Về cung chứng khoán, với tiến trình cổ phần hóa và việc kiên định với chủ trương đưa các ngân hàng, tập đoàn nhà nước lớn lên TTCK sẽ tạo ra lượng hàng hóa có chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm mới cũng đang tiếp tục được nghiên cứu để triển khai theo các lộ trình phát triển TTCK mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã được phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.

Trên cơ sở đánh giá một cách tổng thể các yếu tố trên, HNX đã có các giải pháp như sau:

Một là, đối với thị trường TPCP, tiếp tục nghiên cứu, triển khai và thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đặc biệt là tăng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và kéo dài kỳ hạn cho trái phiếu. Ngoài ra, nghiên cứu tổ chức, vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tạo ra một kênh dẫn vốn mới cho nền kinh tế, trên cơ sở bảo đảm được an toàn cho cả hệ thống tài chính.

Quý I/2021, HNX sẽ ra mắt hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, sau đó sẽ chuẩn bị khung pháp lý cho các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn...

Hai là, đối với TTCK phái sinh, nghiên cứu, phối hợp để triển khai các sản phẩm mới, trước mắt là sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm. Sau đó là hợp đồng tương lai chỉ số VNX200 để phòng ngừa rủi ro tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục các yếu điểm của bộ chỉ số hiện hành. Ngoài ra, HNX sẽ phối hợp các cơ quan quản lý để chuẩn bị khung pháp lý cho các sản phẩm mới khác như hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ và các sản phẩm phái sinh khác.

Ba là, đối với thị trường cổ phiếu, tiếp tục các giải pháp để tăng chất lượng của cổ phiếu trên HNX, bao gồm: duy trì công tác thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết, bảo đảm chặt chẽ đúng quy định pháp luật, bảo vệ nhà đầu tư và tính toàn vẹn của thị trường; nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua các giải pháp, các chương trình chấm điểm quản trị công ty và đánh giá công bố thông tin và minh bạch; tăng cường công tác giám sát và kịp thời báo cáo để cơ quan quản lý xử lý cưỡng chế thực thi các hành vi lạm dụng thị trường, giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm làm chủ và giữ chủ quyền công nghệ, luôn chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt, nghiên cứu đón đầu các công nghệ mới để có thể hỗ trợ phát triển thị trường như công nghệ blockchain…; nghiên cứu để có giải pháp quản lý các cơ chế giao dịch mới theo thông lệ quốc tế.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu phát triển các mảng thị trường khác, đặc biệt là thị trường dành cho doanh nghiệp start-up, tạo kênh huy động vốn để hiện thực hóa các chủ trương về nền kinh tế khởi nghiệp.

Là một thành viên trong việc hoạch định chính sách phát triển TTCK, cụ thể là việc tái cấu trúc thị trường, trong đó có đề án hợp nhất các Sở giao dịch. Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị của 2 Sở?

Việc hợp nhất Sở là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thông lệ, tạo ra một TTCK thông suốt, không bị phân mảnh, phân tán, thống nhất nguồn lực và tư duy phát triển. Để triển khai công việc này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm, thể hiện qua các hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các Sở và theo một định hướng rõ ràng.

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, HNX đã phối hợp với HOSE và Báo Đầu tư tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (ARA); từ 2012, hai Sở đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình đào tạo về quản trị công ty cho các doanh nghiệp trên cả 2 sàn.

Năm 2016, HNX và HOSE đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin để chuẩn bị cho việc tái cấu trúc các mảng thị trường theo định hướng của Chính phủ. Năm 2017, HNX và HOSE đã phối hợp ra mắt chỉ số VNX. Năm 2018, tổ chức chương trình vinh danh thành viên chung của 2 Sở.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, HNX luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với HOSE để việc hợp nhất Sở được thực hiện thông suốt, không tác động tới hoạt động của thị trường.

Ngoài ra, HNX trong vài năm vừa qua cũng đã thay đổi mô hình quản trị và điều hành doanh nghiệp.

Thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận kiểm soát tuân thủ. Tách bạch chức năng điều hành ra khỏi nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, nhờ đó hoạt động của HNX chặt chẽ hơn, bảo đảm phù hợp với thông lệ tốt nhất về quản trị công ty và quản lý rủi ro.

Từ đó không những giúp cho HNX hoạt động một cách hiệu quả hơn mà lợi nhuận của HNX cũng tăng bình quân 30%/năm, đạt giá trị lợi nhuận tăng gấp 3 so với 5 năm trước. Tất cả những giá trị này sẽ chính là tiền đề để HNX tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của chính HNX và cho cả sự phát triển của Sở Việt Nam sau này.

Tin bài liên quan