Thị trường tài chính 24h: "Sóng"chu kỳ cổ phiếu bất động sản

Thị trường tài chính 24h: "Sóng"chu kỳ cổ phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Bán nợ xấu: Khó càng thêm khó; Cổ phiếu bất động sản vào "sóng"; Đua sóng cổ phiếu BII: Lịch sử "cháy tài khoản" có lặp lại?; Cơ hội và rủi ro khi mở cửa kinh tế trở lại; OPEC: Nhu cầu dầu sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2022… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/9 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 6,7 USD lên 1.793,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chịu sức ép và dần thoái lui về gần 1.786 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,06% xuống 92,62 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 đồng/USD, tăng 17 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.670 – 22.870 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,53 USD (+0,75%), lên 70,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm tăng 0,59 USD (+0,80%), lên 74,10 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua chạm đáy tại quanh 43. 500 USD thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên gần 46.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thêm một phiên giảm

Diễn biến có phần ảm đạm ở nhóm bluechip và áp lực chốt lời gia tăng không ít khiến VN-Index đảo chiều xuống dưới tham chiếu ngay khi bước vào phiên chiều và kéo dài nhịp rung lắc nhẹ dưới vùng giá thấp dưới 1.340 điểm cho đến khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động mạnh mẽ, với diễn biến tương tự phiên sáng, khi dòng tiền kéo hơn hơn 40 mã tăng kịch trần, trong đó, điểm đến thu hút dòng tiền nhất vẫn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, ngoài những DLG, TDH, AMD, CRE, HID, KHG, TLD, VPH, DC4, PXI đã tăng kịch trần thì trong phiên chiều còn đón nhận thêm HQC, TNI, TTB, QCG, TDG, CCI, PTL …

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,66 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 566,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/9: VN-Index giảm 3,88 điểm (0,29%), xuống 1.341,43 điểm; HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,28%), xuống 349,05 điểm; UpCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%), xuống 95,26 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch tích cực hôm thứ Hai (13/9).

Thị trường dồn sự chú ý vào thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng sẽ thông qua gói ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD, trong đó bao gồm đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 26,5% (thấp hơn mức 28% mà nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất).

Về dữ liệu kinh tế, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đạt 171 tỷ USD trong tháng 8, thấp hơn 15% so với cùng kỳ. Trong 11 tháng đầu năm tài chính 2021, tổng thâm hụt đã thu hẹp còn 2.711 tỷ USD, giảm 10% so với mức 3.007 nghìn tỷ USD của cùng kỳ năm trước do thu ngân sách được cải thiện.

Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones tăng 261,91 điểm (+0,76%), lên 34.869,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,15 điểm (+0,23%), lên 4.468,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,91 điểm (-0,807%), xuống 15.105,58 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi các cổ phiếu chu kỳ, và tốc độ gia tăng trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin trong nước làm tăng hy vọng mở cửa kinh tế trở lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,73% lên 30.670,10 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/1990. Chỉ số Topix tăng 1,01% lên 2.118,87 điểm.

“Khi các cổ phiếu nhạy cảm về kinh tế (theo chu kỳ) dẫn đầu ở phố Wall, điều đó có lợi cho thị trường Nhật Bản, vì Nhật Bản không có cổ phiếu tăng trưởng lớn tương đương với nhóm GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon)”.

Phiên hôm nay, lĩnh vực bảo hiểm dẫn đầu mức tăng với chỉ số phụ theo dõi tăng 3,67%, tiếp theo là vận tải biển tăng 2,14%.

Tâm lý thị trường cũng được thúc đẩy Nhật Bản đang trên đà đạt được mức tiêm chủng tương đương Mỹ và châu Âu. Chính phủ cho biết, hơn 50% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do nhóm cổ phiếu bất động sản và tài chính kéo lùi, sau khi China Evergrande Group cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ chéo.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,42% xuống 3.662,60 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,49% xuống 4.917,16 điểm điểm.

Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản giảm 3,8%, và chỉ số phụ tài chính giảm 2,9%, sau khi Tập đoàn China Evergrande cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ chéo khi doanh số bán bất động sản tiếp tục lao dốc.

Chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường Đại lục, sau khi Tập đoàn Evergrande cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ chéo.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,21% xuống 25.502,23 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,7% xuống 9.081,73 điểm.

Cổ phiếu của Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc giảm gần 12% xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm, sau khi cảnh báo nguy cơ vỡ nợ chéo do doanh số bán bất động sản tiếp tục lao dốc.

Các nhà phát triển bất động sản đang nhanh chóng bán bớt tài sản để tránh vỡ nợ đã góp phần làm tăng nguy cơ “lây nhiễm” cho các nhà phát triển khác, một nhà quản lý quỹ và nhà phân tích thuộc sở hữu tư nhân khác cho biết.

Cổ phiếu của các đơn vị thuộc Evergrande đã bị ảnh hưởng và lao dốc với China Evergrande New Energy Vehicle Group cùng Evergrande Property Services Group lần lượt giảm 24,7% và 12%.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, được thúc đẩy bởi lực mua của nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,67% lên mức 3.148,83 điểm, kéo dài mức tăng sang ngày thứ ba liên tiếp.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 0,39% và 0,94%, trong khi các công ty nền tảng Naver và Kakao lần lượt giảm 1,35% và 0,4%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục mua ròng với trị giá 294 tỷ won (251,14 triệu USD) cổ phiếu trên bảng chính.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 222,73 điểm (+0,73%), lên 30.670,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 52,77 điểm (-1,42%), xuống 3.662,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 311,58 điểm (-1,21%), xuống 25.502,23 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,97 điểm (+0,67%), lên 3.148,83 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bán nợ xấu: Khó càng thêm khó

Nợ xấu cũ đang tồn tại, nợ xấu mới “rình rập” trước cửa, các ngân hàng muốn xử lý nợ và dồn dập đẩy tài sản bảo đảm ra bán, nhưng không dễ dàng trong bối cảnh đại dịch hiện nay..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản vào "sóng"

Thị trường bất động sản đang được hưởng lợi từ lãi suất thấp và chu kỳ tăng giá, trong khi mùa vụ cuối năm đến gần, nên cổ phiếu ngành này bắt đầu có “sóng”..>> Chi tiết

- Đua sóng cổ phiếu BII của Louis Land: Lịch sử "cháy tài khoản" có lặp lại?

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Louis Land (mã BII) tăng chóng mặt trong thời gian gần đây..>> Chi tiết

- Cơ hội và rủi ro trên thị trường chứng khoán khi mở cửa kinh tế trở lại

Cơ hội từ khả năng phục hồi của nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát đang được giới đầu tư săn đón..>> Chi tiết

- OPEC: Nhu cầu dầu sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2022

Hôm thứ Hai (13/9), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu dự kiến ​​sẽ phục hồi trên mức trước đại dịch trong năm tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan