“Ai ở đâu ngồi yên ở đấy”, chứng khoán trở thành kênh kiếm tiền
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, dòng tiền cá nhân, doanh nghiệp và từ kênh đầu tư khác đã đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Điều này khá dễ hiểu, khi dịch bệnh khiến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư ở các kênh khác bị gián đoạn thì thị trường chứng khoán vẫn hoạt động thông suốt, dễ tham gia và vốn đầu tư ban đầu thấp.
Rất nhiều nhà đầu tư mới (tạm gọi là nhà đầu tư F0) đã có thành tích tốt khi tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2020, hay thậm chí mới tham gia gần đây, dù có những biến động lớn trên thị trường.
Tháng 8/2021, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư mới vì vậy cũng có thêm thời gian để tìm hiểu thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới sau khi sụt giảm trong tháng 7 (giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh) lại tăng vọt lên 120.500 tài khoản, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân.
Theo thống kê, tháng 8, thanh khoản bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE qua giao dịch khớp lệnh đạt 21.700 tỷ đồng, tăng 15,9% so với tháng trước. Dù vậy, cũng như điểm số, giá trị giao dịch chỉ gia tăng mạnh ở nhóm vốn hóa trung bình thấp, còn giá trị giao dịch ở nhóm VN30 lại giảm 3,7% trong tháng, chỉ đạt 10.547 tỷ đồng/phiên.
Tính chung 8 tháng, sàn HOSE ghi nhận giá trị giao dịch bình quân 17.941 tỷ đồng/phiên, tăng 375% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến đáng chú ý, sau tháng 7 mua ròng đáng kể, khối ngoại đã quay lại bán ròng mạnh trong tháng 8 với giá trị 7.800 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE.
Một nhà đầu tư F0, sinh sống và làm việc tại TP. Vinh (Nghệ An) cho biết, anh mới tham gia thị trường được hơn 3 tháng, khi dịch bệnh bắt đầu căng thẳng, nhà hàng của anh phải đóng cửa. Nhà đầu tư này rót vào tài khoản 3 tỷ đồng và tháng 8 ghi nhận mức lãi hơn 200 triệu đồng.
Nhóm bạn của anh, là các nhà đầu tư bất động sản, cũng đã đầu tư chứng khoán, có người nhiều năm kinh nghiệm, nhưng cũng nhiều người mới gia nhập từ năm 2020 hoặc cũng có người chỉ mới tham gia vài tháng, tài khoản đều trên 5 tỷ đồng.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhập cuộc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng tham gia. Chia sẻ từ nhiều môi giới kỳ cựu, trong lúc hoạt động kinh doanh chính chưa tạo ra tiền, họ quay sang thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội, tranh thủ đầu tư kiếm lời trang trải các chi phí hoạt động.
Tập đoàn Sunhouse nằm trong số này. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse tiết lộ, Tập đoàn có một bộ phận chuyên trách phân tích thông tin, cơ hội đầu tư. Năm 2020, lợi nhuận đầu tư chứng khoán chiếm khoảng 30% lợi nhuận của Tập đoàn.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá, giai đoạn hiện tại diễn ra những con sóng ngắn của thị trường, nên có thể áp dụng chiến thuật thị trường cứ điều chỉnh 5 - 10% là mua vào, lên vùng 1.350 thì cân nhắc bán ra. Chính dòng tiền dồi dào và ưa thích lướt sóng đã tạo nên sự sôi động của thị trường.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) được thị trường gọi vui là “F0 của năm 2020”. Năm nay, trên báo cáo tài chính của VHC vẫn còn khoản đầu tư 57 tỷ đồng vào cổ phiếu và 50 tỷ đồng vào trái phiếu và có sẵn nguồn tiền mặt dồi dào hơn 1.103 tỷ đồng (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn). Trong đó, VHC đang giải ngân vào 3 cổ phiếu: KBC, CTG và DXS.
Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú cũng mới tham gia đầu tư chứng khoán trong nửa đầu năm 2021. Tại ngày 30/6/2021, công ty này đang sở hữu 2,47 triệu cổ phiếu REE với giá gốc là 124 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 143 tỷ đồng, tương ứng tạm lãi 9 tỷ đồng.
Mở cửa kinh tế, triển vọng đi kèm thách thức
Ông Stanley Chou, Chủ tịch Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) - quỹ do Dragon Capital quản lý cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp sẽ gây ra những bất ổn nhất định cho nền kinh tế trong nửa cuối năm 2021 và cả những năm tiếp theo.
Dự báo tăng trưởng GDP cũng được điều chỉnh từ 6% xuống còn 5% để phù hợp với tình hình hiện tại.
Trước các nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh, VEIL tin rằng, ngay khi làn sóng này được kiểm soát, các chủ đề trọng tâm của bức tranh vĩ mô sẽ được đẩy mạnh. Sẵn sàng cho tình huống tích cực, danh mục đầu tư của VEIL vẫn được định vị nhằm hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế.
Hiện đội ngũ quản lý đầu tư của VEIL vẫn rất tích cực trong việc tìm kiếm những cổ phiếu dẫn dắt và tăng trưởng trong lâu dài, bên cạnh việc tìm kiếm các cơ hội mới từ thị trường IPO.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, sau ngày 15/9/2021, các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 tại các khu vực có nguy cơ cao có thể được gia hạn và việc mở cửa dần các hoạt động kinh tế sẽ được tiến hành trong quý IV/2021 khi vắc-xin đóng vai trò chủ chốt để ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 chuyển sang giai đoạn nguy kịch và không cần tiếp cận điều trị.
Tuy vậy, bà Lam cũng khuyến nghị, “việc mở cửa các hoạt động kinh tế như thế nào là một vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần phải suy nghĩ trong thời gian tới”.
Theo góc nhìn của Rồng Việt, các cơ quan chức năng của TP.HCM có thể lựa chọn mở cửa nền kinh tế theo từng ngành và lĩnh vực. Những công ty hoạt động trong các lĩnh vực đã được coi là thiết yếu (chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử) sẽ tiếp tục mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất của các công ty FDI và công ty xuất khẩu đóng vai trò nòng cốt đối với nền kinh tế quốc gia, do đó, các công ty này sẽ trở thành mục tiêu được quan tâm trong đợt dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên.
Thế nhưng, câu chuyện tái hoạt động của các doanh nghiệp sẽ gặp các khó khăn về việc hội đủ lực lượng lao động, hay những thách thức về việc buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát an toàn trong các nhà máy sản xuất.
Đặc biệt, chuỗi cung ứng cũng sẽ không thể ngay lập tức thông suốt trở lại khi việc mở cửa diễn ra không đồng đều ở các tỉnh, thành phố. Điều này cũng có thể dẫn đến các khó khăn về việc không đủ, hoặc chậm trễ trong việc cung ứng nguyên vật liệu đầu vào trong ngắn hạn.
Ghi nhận trên thị trường, nhiều nhà đầu tư lâu năm cho rằng, dòng tiền trên thị trường có tính đầu cơ rất cao, đây cũng là một rủi ro tiềm ẩn, vì chỉ cần một thông tin tiêu cực, ngay lập tức sẽ có tình trạng tranh nhau bán tháo.
Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III sẽ xấu dù đã được cảnh báo nhưng rất nhiều nhà đầu tư chưa chú ý đến, vẫn mua bán liên tục với tỷ trọng cổ phiếu và margin cao.
Góc nhìn của các nhà đầu tư này cho rằng, vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, chỉ số chứng khoán sẽ đi xuống để phản ánh hết bức tranh này rồi mới có thể vào “vòng mới” – vòng của kỳ vọng sau hồi phục.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, do dịch bệnh kéo dài hơn 4 tháng, với mức độ thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn trong quý III, nên kết quả kinh doanh quý III sẽ bị tác động nặng nề, và phục hồi trong quý IV với giả định Chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10. Trên cơ sở đó, dự báo EPS nửa cuối năm sẽ tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Với giả định lạc quan này, Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm nay khoảng 33%. Với kịch bản xấu hơn, thời gian giãn cách kéo dài sang quý IV, công ty này hạ kỳ vọng tăng trưởng EPS 2021 xuống khoảng 26%.
Ông Minh cho rằng, thị trường đã phản ánh phần nào tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này kể từ tháng 7. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố lớn.
Đây là biến số lớn đối với nền kinh tế và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phản ánh qua biến động của thị trường trong tháng 9. Trong kịch bản tiêu cực nhất, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm.
Một yếu tố khác có thể tác động đến dòng tiền trên thị trường hậu giãn cách, đó là việc nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ ý định rút một phần tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để đầu tư bất động sản, hoặc để quay lại hoạt động kinh doanh chính.
Các chuyên gia phân tích cũng đồng tình rằng, diễn biến này sẽ tác động tới thanh khoản, nhưng về cơ bản, trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều triển vọng và vẫn sẽ tiếp tục thu hút được nhà đầu tư ở lại thị trường.
Dĩ nhiên, thách thức là vậy, nhưng cơ hội cho các nhà đầu tư kiên nhẫn cũng không ít.
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lạc quan đến từ nhu cầu bên ngoài đã dần được cải thiện, nhờ việc triển khai vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số PMI của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm, báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang cải thiện.
Trong bối cảnh xuất khẩu được thúc đẩy, các ngành như cảng biển, logistic… sẽ được hưởng lợi
Ông Minh kỳ vọng, hai thị trường chính - Mỹ và Trung Quốc - cũng như động lực mới từ thị trường EU, sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Qua đó, ông Minh tin tưởng, tăng trưởng xuất khẩu sẽ dần lấy lại được đà tăng trưởng khi các khu công nghiệp, thành phố kinh tế trọng điểm đang được chú trọng trong công tác phòng chống dịch và tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy mạnh. Trong bối cảnh xuất khẩu được thúc đẩy, các ngành như cảng biển, logistic… sẽ được hưởng lợi.
Điểm tích cực thứ hai là vốn đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh theo Nghị quyết 63/NQ-CP. Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95 -100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.
Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch. Thêm vào đó, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Nhiều công ty chứng khoán đều kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khi dịch bệnh được kiểm soát và đây sẽ là một trong các động lực chính cho sự hồi phục kinh tế trong quý IV/2021 và các năm sau. Trong bối cảnh thúc đẩy đầu tư công, nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, đá, xi măng… sẽ gia tăng.
Về FDI, vốn đăng ký giữ mức tăng trưởng hai chữ số trong 8 tháng đầu năm 2021 mặc dù đang trong đợt dịch lần thứ 4, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 11,3 tỷ USD, tăng 16,3%).
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI vẫn tốt nên ông Minh vẫn giữ quan điểm lạc quan đối với triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp, cũng như các ngành điện, nước.
Tuy nhiên, cần lưu ý, về mặt lạm phát, giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 8/2021, từ mức 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 7. Lạm phát tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đối với đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu.
Trong những tháng tới, bà Lam cho rằng, nguồn cung thiếu hụt và chi phí vận tải tăng có thể tiếp tục đẩy lạm phát lên mức cao hơn. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát trung bình trong 8 tháng đầu năm 2021 là khoảng 1,8% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát năm 2021 vẫn dưới mức dự báo của Rồng Việt là 3,5%.