Thị trường tài chính 24h: Nhóm ngân hàng có thể có lợi thế hơn ở giai đoạn cuối năm

Thị trường tài chính 24h: Nhóm ngân hàng có thể có lợi thế hơn ở giai đoạn cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng dần xám màu; Chọn cổ phiếu nào cho quý IV?; Cổ phiếu VEF: Nguy cơ cầm than nóng; IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho châu Á...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/10 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 57,35 – 58,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ tăng 4,6 USD lên 1.769,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng dần và chạm sát 1.780 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 93,86 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.167 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.655 – 22.855 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,68 USD (-0,82%), xuống 82,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,86 USD (-1,10%), xuống 84,22 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên ngưỡng trên 64.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giảm nhẹ xuống dưới mốc trên vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhẹ

Diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi so với 6 phiên trước đây khi VN-Index chỉ dao động hẹp quanh vùng giá 1.400 điểm.

Bước vào phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VN-Index có thời điểm mất tới 19 điểm, nhưng dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ sau đó đã kéo chỉ số bật mạnh trở lại và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn chiếm sóng với, HQC, QBS, JVC, ITC, DLG đều tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 24,45 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.404,94 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/10: VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,11%), xuống 1.393,8 điểm; HNX-Index tăng 1,29 điểm (+0,33%), lên 388,29 điểm; UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%), lên 99,68 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm vào thứ Ba (19/10) khi các nhà đầu tư đặt niềm tin vào kết quả lợi nhuận quý III vững chắc.

Những con số lạc quan từ mùa báo cáo quý III đã làm lu mờ lo lắng về lạm phát, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu lao động hay giá cả năng lượng tăng vọt trong những phiên gần đây.

Cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 2,3%, tạo ra một cú hích lớn cho S&P 500 sau khi hãng này nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 sau quý III rực rỡ.

Công ty bảo hiểm Travelers tăng 1,6% sau khi vượt xa ước tính lợi nhuận của chính mình.

Netflix đóng cửa tăng 0,2% và ngay lập tức công bố kết quả quý III khởi sắc nhờ sự nổi tiếng của bộ phim kinh dị Hàn Quốc “Squid Game” trên phạm vi toàn cầu. Nhiều khách hàng mới đã tìm đến với hãng hơn kỳ vọng.

Theo Bank of America, trong tuần đầu tiên của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, 66% công ty đã vượt qua kỳ vọng của phố Wall về cả doanh số và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử là 47%.

Kết thúc phiên 19/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,70 điểm (+0,19%), lên 7.217,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,36 điểm (+0,27%), lên 15.515,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,25 điểm (-0,05%), xuống 6.669,85 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được củng cố bởi sự tích cực từ diễn biến Phố Wall trong đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,14% lên 29.255,55 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,05% lên 2.027,67 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 vẫn được nâng lên bởi các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như SoftBank Group tăng 4,4%, Fast Retailing tăng 0,63% và nhà sản xuất linh kiện điện tử TDK tăng 3,23%.

Các công ty môi giới và ngân hàng cũng khởi sắc nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, lần lượt tăng 1,52% và 1,19%.

Các hãng hàng không và các nhà khai thác đường sắt tiến lên trong bối cảnh hy vọng kinh tế phục hồi, lần lượt tăng 3,14% và 1,83%. Truyền thông địa phương đưa tin Chính quyền Thủ đô Tokyo đang hướng tới việc giảm bớt các hạn chế COVID-19 đối với các quán bar và nhà hàng vào tuần tới.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, chủ yếu do nhóm cổ phiếu bất động sản và than lao dốc, do sự không chắc chắn xung quanh các chính sách tiền tệ và cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande Group kéo dài.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,17% xuống 3.587,00 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,25% xuống 4.910,18 điểm.

“Bức tranh lớn là sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản sắp trở nên sâu sắc hơn,” Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics viết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của các gã khổng lồ công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,35%, lên 26.136,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,54% lên 9.276,69 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ đã tăng 2,7% và đã tăng gần 14% từ mức thấp kỷ lục vào ngày 6/10.

Phiên này, cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba và công ty con về chăm sóc sức khỏe của Alibaba lần lượt tăng 6,7% và 13,5%, là hai cổ phiếu tăng giá hàng đầu trong ngày trên Hang Seng.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm đảo chiều giảm, do các nhà đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và lo lắng gia tăng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,53% xuống 3.013,13 điểm, đảo ngược mức tăng ban đầu là 0,6%.

Kết thúc phiên 20/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,03 điểm (+0,14%), lên 29.255,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,15 điểm (-0,17%), xuống 3.587,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 348,81 điểm (+1,35%), lên 26.136,02 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 15,91 điểm (-0,53%), xuống 3.013,13 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng dần xám màu

Hầu hết ngân hàng chưa có con số chính xác về kết quả kinh doanh quý III/2021, nhưng điều gần như chắc chắn là kết quả hoạt động của nhiều nhà băng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19..>> Chi tiết

- Chọn cổ phiếu nào cho quý IV?

Nhiều ý kiến nhận định rằng, dòng cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm hồi phục lại khi vượt qua giai đoạn hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau giãn cách chống dịch trong một hai tháng tới. Khi nền kinh tế phục hồi, sản xuất, tăng trưởng GDP trở lại thì nhóm ngân hàng vẫn có lợi thế hơn ở giai đoạn cuối năm..>> Chi tiết

- Cổ phiếu Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF): Nguy cơ cầm than nóng

Cổ phiếu VEF của Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam từng rất ế khi phát hành lần đầu ra công chúng với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2014, nhưng hiện tiến lên sát ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu..>> Chi tiết

- IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho châu Á

Hôm thứ Ba (19/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 cho khu vực châu Á sau khi biến thể Delta gây ra sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở các nền kinh tế trong khu vực..>> Chi tiết

Tin bài liên quan