VEF đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 9.196,4 tỷ đồng.

VEF đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 9.196,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF): Nguy cơ cầm than nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu VEF của Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam từng rất ế khi phát hành lần đầu ra công chúng với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2014, nhưng hiện tiến lên sát ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu.

Kỳ vọng tăng vốn

Cổ phiếu VEF gần đây bật tăng, phiên 14/10/2021 đạt 189.600 đồng/cổ phiếu, tăng trên 40% so với cuối tháng 9 và hơn gấp đôi so với đầu năm. Đợt sóng giá của cổ phiếu nằm trong danh sách thị giá cao nhất sàn chứng khoán này diễn ra khi các thông tin bên lề cho rằng, yếu tố kích hoạt là phương án tăng vốn điều lệ sắp được cấp phép.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phần của VEF trong 4 quý gần nhất tính đến hết quý II/2021 chỉ đạt 868 đồng, khiến hệ số định giá P/E lên tới 218 lần.

VEF hiện có vốn điều lệ 1.666 tỷ đồng, xét các chỉ số tài chính thì cổ phiếu không có gì hấp dẫn khi thị giá cao chót vót, còn lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) được công bố trong 4 quý gần nhất tính đến hết quý II/2021 chỉ đạt 868 đồng, khiến hệ số định giá P/E lên tới 218 lần.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, VEF đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 171 tỷ đồng.

Tính riêng quý II/2021, doanh thu hoạt động kinh doanh chỉ đạt 249 triệu đồng. Đây không phải doanh thu từ dịch vụ tổ chức triển lãm, hội chợ, mà từ doanh thu hoạt động khác.

Dù vậy, lợi nhuận quý II của VEF ghi nhận mức đỉnh trong lịch sử hoạt động với 75 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận đến từ doanh thu tài chính, chủ yếu là thu lãi tiền gửi, cho vay, đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, tương ứng tăng 73 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lợi nhuận của VEF từ quý III/2020 đến nay có chuyển biến tích cực, trên 50 tỷ đồng/quý, trong khi trước đó hầu như “giậm chân” dưới mức 10 tỷ đồng. Điều này đến từ việc thu lãi tiền gửi của Công ty.

Tính đến 30/6/2021, tiền và các khoản tương đương tiền của VEF là 2.200 tỷ đồng, giảm 2.762 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp phát sinh khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn là hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6%/năm có giá trị 1.500 tỷ đồng và chứng khoán kinh doanh là trái phiếu có lãi suất 7,5%/năm trị giá gần 923 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản mục phải thu cho vay ngắn hạn và dài hạn phát sinh với giá trị lần lượt 1.240 tỷ đồng và 410 tỷ đồng. Đây đều là phần cho vay đối tác doanh nghiệp với lãi suất 9%/năm.

Trong cơ cấu cổ đông của VEF, Tập đoàn Vingroup nắm giữ 83,3% cổ phần.

Động lực kích hoạt giá cổ phiếu VEF được cho là phương án chào bán 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu sắp được cấp phép.

Kế hoạch này đã được VEF thông qua từ đầu năm 2021, nhằm tăng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 9.196,4 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ phát hành là 1:4,52, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền được mua 4,52 cổ phiếu mới, với giá bằng mệnh giá.

Gần đây, phương án sử dụng vốn có sự thay đổi khi 1.197 tỷ đồng trong đợt chào bán dự kiến được dùng cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long đã chuyển sang mục đích triển khai dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại Hà Nội.

Hồi ức của một nhà đầu tư

Diễn biến giá hiện nay của cổ phiếu VEF khiến nhiều người quan tâm về hành trình cổ phiếu này từ khi xuất hiện trên thị trường chứng khoán cuối năm 2015 đến nay, với mức tăng gần 20 lần sau 6 năm.

Một nhà đầu tư từng tham gia đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của VEF với giá 10.000 đồng/cổ phần cho biết, cuối năm 2014, khoảng 2 tuần là đến Tết Nguyên đán, VEF được IPO. Giai đoạn cận Tết, ít người muốn mang tiền đi đầu tư mới, mà thường muốn rút vốn về, nhưng một tài sản lớn của Nhà nước được IPO. Nhà nước chấp thuận bán cho Tập đoàn Vingroup 80% cổ phần, giữ lại 10% và 10% còn lại bán ra công chúng.

Quỹ đất thực tế của VEF khi đó chưa lớn như hiện nay. Thời điểm IPO, ở huyện Đông Anh (Hà Nội), VEF mới chỉ có 194 ha, còn bây giờ, sau khi Vingroup vào, quỹ đất được mở rộng lên 420 ha. Đối với 110 ha ở Mễ Trì (một phường thuộc quận Nam Từ Liêm) và 7 ha ở Giảng Võ (thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) đến nay không thay đổi.

Anh chia sẻ: “Khi ấy, tôi nhìn nhận, VEF là cơ hội đầu tư khi giá khởi điểm chỉ là 10.000 đồng/cổ phần. Vì thế, dù đang đầu tư phân lô đất và đầu tư chứng khoán trên sàn hiệu quả, tôi vẫn quyết định bán bớt cổ phiếu nhằm lấy tiền tham gia IPO VEF. Tôi có kêu gọi bạn bè cùng tham gia, nhưng thời điểm cuối năm, ai cũng thiếu vốn. Kết quả, nhóm của tôi chỉ mua được khoảng 540.000 cổ phần trên tổng số hơn 600.000 cổ phần đấu giá thành công. Lần IPO đó ế rất nhiều, vì tổng số mang ra đấu là hơn 16 triệu cổ phần. Lượng cổ phần ế sau đó được Vingroup mua lại”.

“Ra Tết, có thêm tiền nên suốt một tháng liền tôi ăn chực nằm chờ ở văn phòng VEF nhằm mua lại cổ phần của những cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi và muốn bán ra. Tính cả lượng mua IPO, tôi sở hữu tổng cộng hơn 360.000 cổ phiếu. Biết giá trị tiềm năng của VEF, nhưng khi lên sàn, thấy giá cổ phiếu tăng gấp đôi, tôi liền bán hết và rồi tiếc hùi hụi bởi giá tiếp tục tăng cao. Quyết định hiện thực hóa lợi nhuận vội vàng này giúp tôi có được tư duy dài hạn trong đầu tư sau đó, không để vuột đi những giá trị lớn”, nhà đầu tư trên nói.

Rủi ro khi “đu bám”

Số lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường hiện nay của VEF rất ít, chưa đến 2 triệu đơn vị. 10% vốn nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nắm giữ đang được dự kiến sẽ chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý.

Trên một số diễn đàn mạng về chứng khoán dự đoán, cổ phiếu VEF có thể giành vị trí quán quân của Công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) về thị giá, tiến lên ngưỡng 300.000 đồng/cổ phiếu khi thông tin về phương án phát hành được chính thức được phê duyệt.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi đu bám theo cổ phiếu này.

Thứ nhất, với cơ chế giao đất và thu tiền sử dụng đất gần đây, doanh nghiệp khó có thể đạt siêu lợi nhuận do chênh lệch địa tô (giải phóng mặt bằng đến đâu, áp thuế đất theo biểu giá mới đến đó).

Thứ hai, phương án phát hành của VEF theo các hội nhóm trên mạng truyền cho nhau trong tuần qua là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép, nhưng tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, cơ quan quản lý đang yêu cầu Công ty bổ sung bản cáo bạch, báo cáo tài chính quý III/2021 và cam kết bảo lãnh phát hành mới xem xét tiếp hồ sơ.

Khi những nhà đầu tư gom cổ phiếu VEF giá rẻ trước đó “bung hàng” và không tiếp tục đẩy giá, nguy cơ rủi ro cao sẽ đến với người cầm “hòn than nóng” cuối cùng.

Tin bài liên quan