Trong quý III/2021, các ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Dũng Minh

Trong quý III/2021, các ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận ngân hàng dần xám màu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết ngân hàng chưa có con số chính xác về kết quả kinh doanh quý III/2021, nhưng điều gần như chắc chắn là kết quả hoạt động của nhiều nhà băng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Tiền không “đẻ” ra tiền

Bà V.T. Lưu ở phố Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, đợt giãn cách xã hội vừa qua khiến bà có một phen hốt hoảng.

Chuyện là bà mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và hàng tháng, người thuê nhà ở quê sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Theo lịch cố định, trong tháng 8/2021, bà ra phòng giao dịch của Ngân hàng tại phố Nguyễn Thị Định, nhưng thấy đóng cửa.

Bà Lưu cho biết, lúc đó cảm thấy rất lo lắng bởi không hiểu chuyện gì đang xảy ra đối với Ngân hàng, nhưng may mắn là bà lưu số điện thoại cố định của VPBank nên sau cuộc trao đổi với nhân viên, bà được hướng dẫn sang giao dịch tại điểm Hoàng Đạo Thuý.

Các tổ chức tín dụng đã dành gần 31.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc truyền thông một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại miền Nam cho hay, câu chuyện của bà Lưu tương tự với các khách hàng của nhiều ngân hàng trên cả nước thời gian vừa qua, bởi quy định hoạt động tối đa không quá 30% công suất của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhưng tình hình thực tế còn khắc nghiệt hơn nhiều.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có 240 đơn vị kinh doanh trên cả nước, riêng TP.HCM là 116 đơn vị. Giai đoạn cao điểm nhất tại TP.HCM chỉ có 23 đơn vị hoạt động và thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn cũng mới có 46 đơn vị hoạt động.

“Có ngày, ngân hàng phải phát đi 20 thông báo đóng cửa điểm giao dịch do trong khu vực bị phong toả hay có khách hàng là F0 đến giao dịch”, một lãnh đạo cao cấp SCB nhớ lại.

Tại buổi toạ đàm trực tuyến do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức trong tháng 8, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, chỉ có 34 điểm giao dịch trên địa bàn TP.HCM hoạt động bình thường, trong khi 103 điểm giao dịch tạm ngừng hoạt động.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phải đóng cửa 26/30 chi nhánh, phòng giao dịch nhằm thực hiện quy định về giãn cách xã hội.

Lãnh đạo VPBank cho hay, trong thời gian phòng chống dịch, Ngân hàng thu hẹp mạng lưới tại Hà Nội, còn ở TP.HCM thì dừng hoạt động 46 trên tổng số 50 chi nhánh và 4 chi nhánh còn lại áp dụng nguyên tắc “3 tại chỗ”.

Với hoạt động “3 tại chỗ”, các ngân hàng cho biết, chi phí phát sinh khá lớn, từ trang thiết bị y tế phòng dịch đến xét nghiệm Covid-19 và các nhu cầu thiết yếu.

“Dẫu vậy, các ngân hàng vẫn triển khai nhằm đảm bảo không bị gián đoạn giao dịch tài chính đối với khách hàng có nhu cầu trong thời điểm này”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại TP.HCM nhận xét: “Đây là một phần khó khăn mà các ngân hàng với mạng lưới điểm giao dịch chủ yếu tại miền Nam phải đối mặt trong thời gian qua. Các giao dịch tài chính không thực hiện được nghĩa là tiền không đẻ ra tiền, nhưng tiền huy động trong dân vẫn phải trả đủ lãi; lương của cán bộ, nhân viên dù ở nhà do dịch bệnh, giãn cách, nhưng ngân hàng vẫn phải thanh toán; chi phí thuê mặt bằng đặt điểm giao dịch có chỗ chủ nhà nhiệt tâm hỗ trợ, nhưng có chỗ thì chưa có ý kiến gì và có nơi không thiện chí nên vẫn phải trả đủ…”.

Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hầu hết điểm giao dịch ngân hàng tại TP.HCM phải đóng cửa nhằm phòng chống dịch Covid-19

Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hầu hết điểm giao dịch ngân hàng tại TP.HCM phải đóng cửa nhằm phòng chống dịch Covid-19

Lợi nhuận phân hóa

Quý III/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đạt lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, gấp 16 lần cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 164 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 20 tỷ đồng của cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có lợi nhuận quý III/2021 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng hoàn thành 75,76% kế hoạch năm 2021.

Có ngày, SCB phát đi 20 thông báo đóng cửa điểm giao dịch do trong khu vực bị phong toả hay có khách hàng là F0 đến giao dịch.

Thông tin từ SHB cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng đạt 5.055 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ lợi nhuận đột biến trong quý I nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VietinBank đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý III bị ảnh hưởng do Ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao do nguy cơ nợ xấu mới phát sinh.

SSI cũng ước tính lợi nhuận quý III/2021 của VPBank, đạt 3.200 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý II, do bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với khoản thu gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản, lợi nhuận năm 2021 của VPBank sẽ tăng đột biến.

Một ngân hàng được dự báo có lợi nhuận giảm trong quý III/2021 là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 ước đạt 11%, nhưng thu nhập lãi thuần của VIB bị ảnh hưởng do Ngân hàng tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance (phân phối bảo hiểm), vốn chiếm khoảng 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, gặp khó khăn trong thời gian giãn cách. SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế quý III của VIB giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, VIB vẫn đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

FiinPro vừa có báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2021 dựa trên số liệu ước tính sơ bộ của 43 doanh nghiệp và đối chiếu bổ sung ước tính với các công ty chứng khoán. Theo đó, lợi nhuận quý III của 9 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM chiếm 34,1% vốn hoá toàn thị trường giảm 13,4% so với quý II và đây là quý thứ hai có lợi nhuận giảm so với quý liền trước.

Một số chuyên gia phân tích dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có khả năng giảm 19% so với quý II, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chia sẻ: “Ngân hàng đã trở lại hoạt động bình thường và tập trung xử lý tồn tại của hơn 2 tháng giãn cách vừa qua. Chưa có con số về kết quả kinh doanh chính xác của quý III, nhưng chắc chắn kết quả hoạt động bị ảnh hưởng lớn. Cơ cấu nợ tuy không nhiều, nhưng chủ yếu phải giảm lãi suất doanh nghiệp mới chịu nổi”.

Nợ xấu tiềm ẩn lên tới 8%

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi vay cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng và khoảng 3.400 tỷ đồng được dành cho công tác an sinh xã hội trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát. Như vậy, các tổ chức tín dụng đã dành gần 31.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đồng hành với người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý đến rủi ro nợ xấu trong tương lai, giữ an toàn hệ thống. Để nợ xấu gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, mà còn gây suy yếu cả nền kinh tế trong khi tình hình hiện rất khó khăn, nợ xấu tăng tốc độ khá nhanh với tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên đến 2%, nợ xấu tiềm ẩn có thể lên tới 8%”, ông Tú nhấn mạnh.

Liên quan đến nợ xấu, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành ngân hàng gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78.860 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 33.130 tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18.660 tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20.550 tỷ đồng, chiếm 26,11%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

“Từ nay tới cuối năm, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng nới lỏng điều kiện cho vay nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu... Để tránh rủi ro, các ngân hàng đang phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tái cơ cấu”, ông Tú nói.

Được biết, tính đến cuối tháng 9/2021, NCB đã trích lập dự phòng 132 tỷ đồng, gấp 66 lần cùng kỳ năm ngoái.

Một lãnh đạo cao cấp TPBank chia sẻ: “Dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ 1,02%, nhưng với sự cẩn trọng, Ban lãnh đạo TPBank đã trích lập dự phòng tăng xấp xỉ gấp đôi so với thời điểm này một năm trước”.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng có chiều hướng tăng rõ rệt. Cụ thể, 50,5% tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý III/2021, 33,7% dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong quý IV/2021 và 50,5% dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhận định mặt bằng rủi ro tăng ở kỳ điều tra trước (các tỷ lệ tương ứng là 27,2%, 23,3% và 39,8%). Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức cao và khá cao tiếp tục tăng từ 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (quý I/2014).

“Các tổ chức tín dụng đều chung nhận định, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ so với cuộc khảo sát trước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Dự báo Thống kê nói.

Thực tế, trên website của nhiều ngân hàng, thông tin liên tục được cập nhật là rao bán các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm, thậm chí có ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, 483.000 đồng gồm cả gốc và lãi, phạt, nhưng hoạt động này cũng không dễ thành công.

Chính ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng vẫn sẽ cùng doanh nghiệp vượt khó, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng doanh nghiệp nhằm từng bước ổn định và tiếp tục chu kỳ sản xuất mới, đặc biệt là dịp cuối năm. Nam A Bank sẽ có những gói tín dụng với lãi suất 6%/năm không thu phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu tái sản xuất từ nay đến cuối năm.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 do Vụ Dự báo Thống kê thực hiện cho thấy, khác với xu hướng phổ biến trong các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là cải thiện nhẹ, trong quý III/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng đánh giá có chiều hướng suy giảm so với quý II. Có 54% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước đó (67,6 - 73,3%).

Lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý I/2014), hệ thống tổ chức tín dụng cho biết, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý điều tra có chiều hướng suy giảm so với quý trước.

Trong quý IV/2021, 40,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý III, 41,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và 17,8% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm. Cả năm 2021, 83,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận giảm (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2021).

Tin bài liên quan