Thị trường tài chính 24h: Nhiều công ty chứng khoán bộc lộ những điểm yếu riêng

Thị trường tài chính 24h: Nhiều công ty chứng khoán bộc lộ những điểm yếu riêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần như không đổi phiên cuối tuần; Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 1,7%; Gót chân Achiles của công ty chứng khoán; Giao dịch chứng khoán: Sôi sục dòng chảy vốn nội; Chứng khoán châu Á vẫn gặp khó; IMF lạc quan hơn về dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/9 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 500.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,15 – 55,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 5,6 USD lên 1.868,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên trên 1.870 USD/ounce, nhưng sau đó đã lùi về gần 1.865 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Giá vàng tương lai giao tháng 10 trên sàn Comex New York giảm 9,7 USD xuống 1.859,2 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,18% lên 94,52 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức là 23.223 đồng, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.100 - 23.280 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,04 USD (-0,10%), xuống 40,27 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,03 USD (+0,07%), lên 41,97 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hụt hơi

Trong phiên sáng, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường có những nhịp điều chỉnh và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Bước sang phiên chiều, sau khi bị đẩy về mốc 905 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp VN-Index đảo chiều. Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững trước áp lực bán thường trực khiến chỉ số quay đầu lùi xuống dưới tham chiếu khi đóng cửa.

Điểm nhấn là STB, khi đã bứt mạnh và kịch trần, với 39,32 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp TTA thoát mức giá sàn, nhưng vẫn -6,6%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,67 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 133,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/9: VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%), xuống 908,27 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,14%), xuống 131,52 điểm; UpCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,47%), lên 61,29 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Cả ba cả số chính trên phố Wall hồi phục về cuối phiên trong ngày thứ Năm (24/9).

Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê cho thấy, có 870.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 19/9/2020, tăng từ mức 866.000 trong tuần trước. Điều này chỉ ra ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn trầm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giới phân tích cho rằng, bất chấp dữ liệu khá kém, nền kinh tế Mỹ có vẻ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V, có thể nhìn thấy qua doanh số bán ô tô, thị trường nhà ở và chi tiêu tiêu dùng nói chung.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones tăng 52,31 điểm (+0,20%), lên 26.815,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,67 điểm (+0,2%), lên 3.246,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 39,28 điểm (+0,37%), lên 10.672,27 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ theo chân phố Wall đêm qua, nhờ những kỳ vọng về các biện pháp kích thích của Mỹ sẽ bù đắp cho lo ngại về hiện trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,51% lên 23.204,62 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,48% lên 1.634,23 điểm.

Ủng hộ tâm lý thị trường hôm nay là đảng Dân chủ tại tại Hạ viện Mỹ tuyên bố đang thúc đẩy một gói kích thích kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD, dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào tuần tới.

Trong số 30 cổ phiếu lớn nhất hôm nay có Keyence và Toyota Motor Co tăng cao nhất, lần lượt cộng 2,16% và 1,73%.

Nhóm cổ phiếu phòng thủ như đường sắt giảm sâu nhất với East Japan Railway Co mất 3,56% và Central Japan Railway Co giảm 2,85%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ và ghi nhận tuần tệ nhất kể từ giữa tháng 7, khi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nước đã dấy lên lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,12% xuống 3.219,42 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,15% lên 4.570,02 điểm.

Trong tuần, CSI300 giảm 3,5%, còn SSEC mất 3,6%, cả hai đều ghi nhận mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 17/7.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ lùi bước và lo ngại về đợt lây nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nước.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,32% xuống 23.235,42 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,73% xuống 9.302,59 điểm.

Trong tuần, HSI giảm 5%, còn HSCE giảm 5,1%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu tác động mạnh với chỉ số phụ theo dõi ngành giảm 6,1% trong tuần.

Đáng chú ý hôm nay là cổ phiếu của China Evergrande Group, khi giảm gần 9,5% sau khi một tài liệu cho thấy, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc đã cảnh báo các quan chức rằng, Công ty sẽ phải đối mặt với một khoản nợ lớn có thể ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng với hệ thống tài chính của Trung Quốc, trừ khi các cơ quan quản lý chấp thuận việc niêm yết chứng khoán bị trì hoãn từ lâu của Công ty.

Nếu Công ty không được chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến trước ngày 31/1 trong năm tới, các nhà đầu tư chiến lược của Evergrande có quyền đòi hoàn trả số tiền đầu tư lên tới 130 tỷ nhân dân tệ.

Evergrande được các nhà đầu tư coi là điểm đen cho lĩnh vực bất động sản có đòn bẩy tài chính cao của Trung Quốc. Tổng số nợ của Công ty này tăng 4% lên 835 tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 6, so với 800 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2019. Nợ ròng tăng lên mức kỷ lục 631 tỷ nhân dân tệ do thiếu hụt thanh khoản tiền mặt.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 6 tháng gần đây bởi những lo ngại về đợt sóng lây nhiễm Covid-19 tại nhiều nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,27% lên 2.278,79 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm 5,5% trong tuần, ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 3.

Điểm sáng hôm này cổ phiếu của Công ty dược phẩm sinh học Celltrion, khi dẫn đầu mức tăng, đóng cửa nhích 3,4%.

Kết thúc phiên 25/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 116,80 điểm (+0,51%), lên 23.204,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,76 điểm (-0,12%), xuống 3.219,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,65 điểm (-0,32%), xuống 23.235,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,09 điểm (+0,27%), lên 2.278,79 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 1,7%, đạt 58,2 tỷ USD cuối tháng 6/2020

Việc cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư và điều kiện tài chính toàn cầu đã tạo ra sự gia tăng hết sức cần thiết cho các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi, bất chấp những nguy cơ từ đại dịch Covid-19..>> Chi tiết

- Gót chân Achiles của công ty chứng khoán

Là công ty chứng khoán tiên phong phát hành chứng quyền có đảm bảo (CW) nhưng CW của Công ty Chứng khoán KIS lại kém sức hút. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng bộc lộ những điểm yếu riêng..>> Chi tiết

- Giao dịch chứng khoán: Sôi sục dòng chảy vốn nội

Theo các công ty chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, kênh đầu tư bất động sản chưa có tín hiệu khởi sắc và yêu cầu nguồn vốn tham gia lớn, thì kênh có thanh khoản cao và dễ tham gia là chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn..>> Chi tiết

- IMF lạc quan hơn về dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu

Dù có một số tín hiệu lạc quan nhưng IMF cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức đến từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19..>> Chi tiết

Tin bài liên quan