Gót chân Achiles của công ty chứng khoán

Gót chân Achiles của công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là công ty chứng khoán tiên phong phát hành chứng quyền có đảm bảo (CW) nhưng CW của Công ty Chứng khoán KIS lại kém sức hút. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng bộc lộ những điểm yếu  riêng.

ACBS: Tăng mạnh margin nhưng hiệu quả thấp

Nửa đầu năm 2020, Công ty Chứng khoán ACB (ABCS) ghi nhận doanh thu hoạt động 231,5 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, nguồn thu từ lãi các khoản cho vay và phải thu - khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty chỉ đạt 82,98 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019. Tính đến cuối quý II/2020, giá trị các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước của Công ty là 2.082,5 tỷ đồng, chiếm vị thế lớn nhất với 62,7% cơ cấu tài sản, cao hơn so cùng kỳ 2019.

Nguyên nhân khiến thu nhập lãi của ACBS giảm mạnh là giảm lãi cho vay.

Bên cạnh đó, doanh thu từ lãi bán và đánh giá lại các tài sản FVTPL cũng giảm 25,3% so với cùng kỳ. Doanh thu nghiệp vụ lưu ký và các hoạt động khác cũng trong xu hướng giảm. Doanh thu hoạt động môi giới dù tăng trưởng nhưng mức tăng rất thấp, chỉ 2,5%.

TVS: Kỳ lạ cách sử dụng vốn

Nửa đầu năm 2020, doanh thu mảng môi giới của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) dù tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước, nhưng mới đạt 11,67 tỷ đồng; lợi nhuận thu về 4,05 tỷ đồng, lần lượt đóng góp 4,9% và 4,2% vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận. Thu nhập từ hoạt động cho vay ký quỹ cũng chiếm tỷ trọng khá nhỏ với 10,58 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối quý II/2020, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính (FVTPL, AFS và HTM) của TVS lên đến 2.935 tỷ đồng.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ tiền gửi với 2.262,7 tỷ đồng, tương đương 69,9% tổng tài sản.

Nếu như đa phần các doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty chứng khoán dành tiền cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư và chỉ dành phần thặng dư để gửi ngân hàng thì TVS lại để phần lớn tài sản của mình ở khoản mục tiền gửi.

Sau đó, Công ty dùng tài sản này đảm bảo cho các khoản vay nợ làm vốn kinh doanh, đầu tư. Cách sử dụng vốn này đã khiến quy mô tài sản, nguồn vốn của TVS gia tăng đáng kể.

KIS: Tiên phong phát hành CW nhưng kém sức hút

KIS Việt Nam (KIS) là công ty chứng khoán ngoại đầu tiên và thuộc số ít công ty chứng khoán nói chung tiên phong trong việc phát hành chứng quyền có bảo đảm (Cover Warrant - CW) ngay khi sản phẩm này được chính thức được triển khai. Số lượng các mã CW của KIS phát hành cũng chiếm ưu thế vượt trội.

Trong tổng số 94 mã CW đang niêm yết và giao dịch tính đến phiên 15/9/2020, có 31 mã chứng quyền là do KIS phát hành.

Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh của KIS như HPG, STB, VRE, DPM… cũng chính là các cổ phiếu được KIS phát hành chứng quyền.

Các chứng quyền do KIS phát hành hiện đều dựa trên các cổ phiếu còn room ngoại (do đặc thù công ty chứng khoán 100% vốn ngoại) nên không thể thực hiện phương án phòng ngừa rủi ro như phát hành trên các cổ phiếu hết room (FPT, MWG, REE, MBB).

Điều này được đánh giá là nguyên nhân khiến các chứng quyền của KIS kém thu hút hơn với nhà đầu tư.

ShinHan (SSV): Thị phần còn nhỏ

Bốn năm sau khi về tay chủ mới (Shinhan Investment Corp, Hàn Quốc), với nhiều nỗ lực tuyển nhân sự, mở rộng kinh doanh nhưng sức tăng trưởng của SSV nhìn chung vẫn còn khá chậm.

Con số 5,2 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư thực hiện giao dịch với tổng giá trị hơn 105,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 đã phần nào phản ánh điều này.

Giá trị khoản mục cho vay margin và ứng trước vỏn vẹn 15,86 tỷ đồng, chiếm 1,37% tổng tài sản đến cuối quý II/2020. Tên tuổi của Công ty được biết đến nhiều hơn qua một số thương vụ làm đại lý phát hành trái phiếu hơn là về sự tăng trưởng thị phần môi giới.

Cuối quý II/2020, giá trị danh mục FVTPL của SSV lên đến 762 tỷ đồng, tăng 78,8% so với đầu năm và đang chiếm đến 65,8% tổng tài sản, với toàn bộ là các khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Giá trị danh mục cổ phiếu chỉ 3,4 triệu đồng. Đứng thứ 2 về giá trị trong cơ cấu tài sản với tỷ trọng 27,7% là các khoản đầu tư trái phiếu dài hạn với giá trị 321,4 tỷ đồng vào trái phiếu của các doanh nghiệp.

Dù được tập đoàn mẹ cấp vốn dồi dào với lãi suất ưu đãi (Tính đến cuối quý II/2020, giá trị khoản vay nợ ngắn hạn của SSV là 238,76 tỷ đồng, với 97,5% là khoản vay từ Ngân hàng Shinhan HongKong bằng USD, lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng cộng biên độ 1,15%), nhưng việc để 2/3 tài sản vào các khoản tiền gửi rõ ràng khó có thể xem là cách sử dụng tối ưu lợi thế về vốn mà Công ty đang sở hữu.

BSI: Biên lợi nhuận có xu hướng thu hẹp

Sở hữu lợi thế lớn cả về nguồn vốn và khách hàng nhờ là công ty con của BIDV, song Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) đã bị loại khỏi Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất từ năm 2019 trên HOSE và chỉ quay trở lại trong nửa đầu năm nay.

Về kết quả kinh doanh, biên lợi nhuận hoạt động mảng môi giới đã giảm từ mức trên 30% trong những năm 2016 - 2017 về 27,5% trong năm 2018 và chỉ còn 17,5% trong năm 2019.

Tương tự là với hoạt động cho vay, tỷ suất thu nhập từ lãi cho vay và phải thu trên dư nợ bình quân giảm từ 20,8% trong 2017 xuống 15,8% trong năm 2018 và 10,38% trong năm 2019. Thị trường khó khăn hơn cũng khiến mảng tự doanh kém hiệu quả.

Biên lợi nhuận hoạt động và lợi nhuận trước thuế trên doanh thu hoạt động của BSI đã giảm liên tục trong 3 năm trở lại đây.

FUNAN (FNS): Liên tục giảm lợi nhuận

Công ty Chứng khoán Funan (FNS) hiện có tỷ trọng danh mục tự doanh cổ phiếu trên tổng tài sản khá cao so với các công ty trong ngành.

Tính đến cuối quý II/2020, giá trị danh mục FVTPL của FNS đang chiếm 40,8% tổng tài sản, với giá trị 166,6 tỷ đồng.

3/4 trong số này là các khoản đầu tư vào cổ phiếu, chiếm tỷ trọng cao nhất là các cổ phiếu ngân hàng như ABB, OCB và nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như BID, VNM STB, PNJ…

Thu nhập lãi từ các tài sản FVTPL cũng chiếm đến 3/4 doanh thu hoạt động của FNS trong nửa đầu năm.

Đóng góp của mảng môi giới còn khá thấp, với 1,21 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Sự phụ thuộc vào mảng tự doanh là nguyên nhân chính khiến FNS lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Năm 2019, Công ty chỉ lãi 2,01 tỷ đồng, giảm đến 90% so với năm 2018.

AGR: Vẫn còn lỗ lũy kế 318 tỷ đồng

Trong nửa đầu năm 2020, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 108,3 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 30,2%, đạt 53,1 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng trong kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ đầu tư trái phiếu và lãi tiền gửi, khi thu nhập của khoản mục này đạt 31,8 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thu nhập từ lãi cho vay và phải thu giảm 19%, doanh thu môi giới đạt 14,2 tỷ đồng - dù tăng trưởng 12% nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu hoạt động.

Mặc dù báo lãi tăng mạnh nhưng do ảnh hưởng từ những năm trước, tính đến cuối quý II/2020, lỗ lũy kế của AGR hiện còn 318 tỷ đồng.

DAS: “Vượt rào” đầu tư cổ phiếu OTC

Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020, Công ty Ernst & Young Việt Nam phát hiện Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) đã “vượt rào” các quy định về hạn mức đầu tư.

Theo đó, tại thời điểm 30/6/2020, DAS đã đầu tư vào các tổ chức khác và công ty chưa niêm yết lần lượt là 74% và 72% vốn chủ sở hữu của Công ty. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, các tỷ lệ này lần lượt không được vượt quá 70% và 20%.

Cùng với việc “vượt rào” quy định về hạn mức đầu tư, rủi ro hoạt động của DAS gia tăng khi 6 tháng đầu năm 2020, Công ty tiếp tục thua lỗ. Lỗ lũy kế lên tới 326,8 tỷ đồng.

Tin bài liên quan