Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước lại bốc đầu tăng mạnh

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước lại bốc đầu tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn; Khối ngoại sẽ sớm quay lại; Fitch Ratings: Thâm hụt tài khóa của Mỹ vẫn ở mức cao trước cuộc bầu cử; Phát hành trái phiếu ở thị trường mới nổi đạt kỷ lục khi chi phí đi vay giảm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/1 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra, hiện đứng ở mức 71,80 – 75,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,7 USD xuống 2.024,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 2.035 USD, trước khi lui về gần 2.030 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,38 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.948 đồng/USD, tăng 20 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.295 – 24.635 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi giảm về 45.400 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp hồi mạnh lên 47.200 USD, trước khi lùi về 46.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,28 USD (+1,79%), lên 72,65 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,33 USD (+1,73%), lên 78,13 USD/thùng.

VN-Index hồi phục nhẹ

Nối tiếp nhịp giảm cuối phiên sáng, thị trường lùi về tham chiếu và giằng co nhẹ ngay khi bước vào phiên chiều. Giao dịch cũng trở nên thận trọng hơn và đà đi xuống có thời điểm khiến VN-Index rời khỏi mốc 1.160 điểm trước khi bật trở lại và lên trên tham chiếu ở những phút cuối.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,87 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 136,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/11: VN-Index tăng 0,68 điểm (+0,06%), lên 1.162,22 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm (+0,56%), lên 232,72 điểm; UpCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%), lên 87,56 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Tư (10/1), nhận động lực đến từ nhóm cổ phiếu megacap, nhưng mức tăng còn khiêm tốn do phía trước là chỉ số lạm phát và kết quả kinh doanh của một số ngân hàng lớn sẽ được thông báo vào cuối tuần.

Các megacap như Microsoft, Meta Platforms và Nvidia là những động lực lớn nhất đối với thị trường, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giữ ở gần mức 4% và cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ trị giá 37 tỷ USD đã thu hút nhu cầu trên mức trung bình.

Kết thúc phiên 10/1: Chỉ số Dow Jones tăng 170,57 điểm (+0,45%), lên 37.695,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,95 điểm (+0,57%), lên 4.783,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,94 điểm (+0,75%), lên 14.969,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng, khi đồng yên yếu hơn thúc đẩy các nhà xuất khẩu và sự thận trọng về một đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mờ nhạt dần do dữ liệu tiền lương yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,77% lên 35.049,86 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,57% lên 2.482,87 điểm.

Trận động đất mạnh xảy ra ở miền tây Nhật Bản vào tuần trước và dữ liệu tăng trưởng tiền lương mờ nhạt đang buộc những người tham gia thị trường phải "đánh giá lại" khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ, Tony Sycamore, một nhà phân tích thị trường tại IG cho biết.

Tiền lương thực tế của người lao động đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp trong tháng 11/2023, theo dữ liệu được công bố hôm thứ Tư.

Đồng yên đã giảm 0,9% so với đồng USD đêm qua và dao động quanh mức 145,52 yên/USD trong giờ giao dịch châu Á. Đồng yên yếu hơn có xu hướng hỗ trợ cổ phiếu xuất khẩu, làm tăng giá trị lợi nhuận ở nước ngoài tính theo đồng yên khi các công ty hồi hương về Nhật Bản.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ khi lực mua bắt đáy xuất hiện về cuối phiên, nhưng nhìn chung tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá mong manh.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,31% lên 2.886,65 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,57% lên 3.295,67 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn yếu do thiếu bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang được cải thiện. Họ đang chờ dữ liệu thương mại, lạm phát và tín dụng trong những ngày tới để đánh giá chính xác hơn của sự phục hồi.

Những người tham gia thị trường cũng đang mong đợi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ có động thái cắt giảm lãi suất chính sách.

Một quan chức PBOC cho biết hồi đầu tuần này rằng chính quyền sẵn sàng giữ chính sách nới lỏng bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).

Phiên này, cổ phiếu trí tuệ nhân tạo, quốc phòng tăng khoảng 1,4% mỗi nhóm, trong khi các công ty game tăng 2,4%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt sau chuỗi bảy phiên liên tiếp giảm, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,27% lên 16.302,04 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,35% lên 5.494,48 điểm.

Cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ tăng 1,8%, với Meituan dẫn đầu với mức tăng 3,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ bảy liên tiếp khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 1,71 điểm, tương đương 0,07% xuống 2.540,27 điểm.

Chỉ số Kospi đã mở cửa tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất chính sách đóng băng ở mức 3,5% lần thứ tám liên tiếp. Nhưng đã đảo chiều giảm nhẹ sau đó khi giao dịch ảm đạm, do các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Kết thúc phiên 11/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 608,14 điểm (+1,77%), lên 35.049,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,95 điểm (+0,31%), lên 2.886,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 204,76 điểm (+1,27%), lên 16.302,04 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,71 điểm (-0,06%), xuống 2.540,27 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngay sau khi được giao chỉ tiêu năm 2024, một số ngân hàng đã bắt tay vào thúc đẩy hoạt động tín dụng..>> Chi tiết

- Khối ngoại sẽ sớm quay lại

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng, năm 2024, khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi khối này bán ròng khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023..>> Chi tiết

- Phát hành trái phiếu ở thị trường mới nổi đạt kỷ lục khi chi phí đi vay giảm

Chính phủ và các doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi đã phát hành kỷ lục 50 tỷ USD trái phiếu trong những ngày đầu năm 2024 để gấp rút ứng phó với tình trạng chi phí đi vay giảm mạnh gần đây..>> Chi tiết

- Fitch Ratings: Thâm hụt tài khóa của Mỹ vẫn ở mức cao trước cuộc bầu cử

Hôm thứ Tư (10/1), cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết, họ kỳ vọng thâm hụt tài khóa của Mỹ vẫn ở mức cao trong năm nay và những tác động về chính sách tài khóa cũng như vấn đề quản trị cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ là những vấn đề chính đối với vấn đề xếp hạng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan