Thị trường tài chính 24h: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

(ĐTCK) VN-Index mất thêm gần 14 điểm; Huy động vốn trong xu hướng giảm mùa dịch; Áp lực kép dồn lên nhà đầu tư chứng khoán; Nhà đầu tư nên chọn ưu tiên bảo toàn tài khoản; Bán tháo tạo cơ hội cho nhà đầu tư giá trị; Chứng khoán châu Á chưa dò thấy đáy;  Goldman Sachs: Kinh tế Mỹ sẽ giảm 5% trong quý II, đưa nước Mỹ vào suy thoái...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 16/3 tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã hạ nhiệt, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 45,90 – 46,82 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 45,5 USD xuống 1.529,9 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã có thời điểm chạm 1.580 USD/ounce, trước khi đảo chiều giảm mạnh về dưới 1.489 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,16% lên 97,62 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.222 đồng, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.170 - 23.310 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,79 USD (-5,64%), xuống 29,94 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,75 USD (-7,76%), xuống 32,69 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất gần 14 điểm

Áp lực bán gia tăng và lan rộng khiến VN-Index thủng mốc 740 điểm ngay đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc sau đó giúp đà giảm được thu hẹp đáng kể.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ở nhóm bluechip khiến thị trường tiếp tục tụt sâu và thêm một lần chỉ số thủng 740 điểm và cũng tương tự phiên sáng, khi bật trở lại, mặc dù vậy đóng cửa vẫn mất gần 14 điểm.

Cặp đôi lớn dầu khí là điểm sáng trong nhóm VN30 với GAS +4%, PLX +1,8% cùng SAB +4,2%.

Dòng bank chịu thiệt hại nặng với VCB -6,3%, TCB -4,4%, BID -6,3%, CTG -6,6%, HDB -5,7%, MBB -3,8%, VPB giảm sàn.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh giúp hàng loạt mã như HQC, TCH, HAI, FIT, AAA, QCG, TSC, JVC, AMD… tăng trần.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,76 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 420,03 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/3:  VN-Index giảm 13,92 điểm (-1,83%), xuống 747,86 điểm; HNX-Index giảm 1,76 điểm (-1,74%), xuống 99,62 điểm; UpCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,67%), xuống 50,15 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Tổng thống Trump đã kịp thời ném ra chiếc phao cưu sinh khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia giúp giải phóng 50 tỷ USD để đối phó với đại dịch Covid-19.

Gói 50 tỷ USD này, cùng với kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới sau khi đã giảm mức kỷ lục 0,5% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đầu tháng 3 vừa qua, giúp phố Wall khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.985,00 điểm (+9,36%), lên 23.185,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 230,83 điểm (+9,29%), lên 2.711,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 673,07 điểm (+9,35%), lên 7.874,88 điểm.

Trong tuần chỉ số Dow Jones giảm 10,36%, chỉ số S&P giảm 8,79% và Nasdaq giảm 8,17%.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có thêm phiên đỏ lửa

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi, bất chấp việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo quyết định mở rộng chương trình mua tài sản.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,46% xuống 17.002,04 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Chỉ số Topix giảm 2,01% xuống 1.236,34 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.

Yusuke Ikawa, chiến lược gia người tại BNP Paribas cho biết, thị trường đã phấn khích với con số 12 nghìn tỷ yên (gần 113 tỷ USD) mà BOJ dự kiến sẽ chi ra để mua các chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), trước khi nhanh nhận ra một chú thích cho biết đó là con số tối đa.

Cụ thể, BOJ cho biết họ có thể mua khoảng 12 nghìn tỷ yên các ETF, nhưng trong phần chú thích lại cho biết sẽ tiếp tục mua các ETF trị giá khoảng 6 nghìn tỷ yên mỗi năm về mặt nguyên tắc.

Các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề, với Toyota Motor Corp mất 2,4%, Nissan Motor Co Ltd giảm 3,5% và Honda Motor Co Ltd giảm 3,4%.

Lội ngược dòng có Fujifilm Holdings Corp, tăng 0,8% sau khi cho biết sẽ mua lại 1,07% cổ phần đang lưu hành trị giá 15 tỷ yên.

Chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc, sau dữ liệu sản lượng công nghiệp giảm sâu và động thái cắt giảm lãi suất về 0% khẩn cấp của Fed đã nhấn mạnh tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 3,4% xuống 2.789,25 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 4,3% xuống 3.727,84 điểm.

Thị trường bị bán không phanh sau khi số liệu chính thức cho thấy, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 13,5% trong 2 tháng đầu năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong 30 năm qua, và càng khiến giới đầu tư lo ngại là dự báo trước đó con số này chỉ là giảm 3%.

Ben cạnh đó, việc bán tháo diễn ra sau khi Fed và các nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu tuyên bố mạnh mẽ với việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp và cung cấp thanh khoản sâu rộng trong nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19. Điều này phát đi thông điệp rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn rất lớn trong tương lai.

Hôm nay, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng cổ phiếu A của Trung Quốc với trị giá gần gần 9 tỷ nhân dân tệ thông qua chương trình kết nối Đại lục và Hồng Kông.

Chứng khoán Hồng Kông cũng bị bán tháo khá mạnh, khi dữ liệu sản lượng công nghiệp thảm hại từ Trung Quốc và việc Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần 2 trong chưa đầy hai tuần đã nhấn mạnh mức độ thiệt hại của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 4,03%, xuống 23.063,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 4,38% xuống 9.227,60 điểm.

Trên bảng điện tử, nhóm CNTT dẫn đầu sự suy giảm với chỉ số phụ theo dõi mấy 6,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc có thêm một phiên giảm sâu, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này hạ lãi suất cơ bản.

Theo đó, vào lúc 4h30’ theo giờ địa phương, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã họp và ra quyết định, cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản, từ mức 1,25% xuống 0,75%.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc xuống dưới 1%. Điều này cho thấy BOK nhận định nếu chỉ hạ 0,25% sẽ khó đối phó hiệu quả với tình hình khẩn cấp trên thị trường tài chính hiện nay.

Kết thúc phiên 16/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 429,01 điểm (-2,46%), xuống 17.002,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 98,17 điểm (-3,40%), xuống 2.789,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 969,34 điểm (-4,03%), xuống 23.063,57 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 56,58 điểm (-3,19%), xuống 1.714,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Huy động vốn trong xu hướng giảm mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19, nhiều ngân hàng cho biết không chỉ cho vay, hoạt động huy động vốn cũng giảm..>> Chi tiết

Áp lực kép dồn lên nhà đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây trước tốc độ giảm giá chóng mặt của các cổ phiếu..>> Chi tiết

Nhà đầu tư nên chọn ưu tiên bảo toàn tài khoản

Tuần giao dịch vừa qua là tuần “gánh nặng” với thị trường chứng khoán (TTCK) khi thông tin về dịch Covid-19 bao phủ toàn cầu..>> Chi tiết

Bán tháo tạo cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc cùng thị trường thế giới, nhưng tình trạng bán tháo trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giao dịch dưới mức tiền mặt của doanh nghiệp..>> Chi tiết

Goldman Sachs: Kinh tế Mỹ sẽ giảm 5% trong quý II, đưa nước Mỹ vào suy thoái

Kinh tế Mỹ sẽ suy giảm mạnh trong khoảng thời gian cuối tháng 3 và tháng 4 khi tiêu dùng và kinh doanh đình đốn vì dịch bệnh. Đà giảm này gần như chính thức đưa nước Mỹ rơi vào suy thoái, theo Goldman Sachs..>> Chi tiết

Tin bài liên quan