Áp lực kép dồn lên nhà đầu tư
Chỉ trong 4 phiên giao dịch, từ 9 - 12/3/2020, chỉ số VN-Index đã mất 122,19 điểm, tương đương mức giảm 13,7%. Quy mô vốn hóa của sàn HOSE theo đó giảm 417.500 tỷ đồng, tương đương gần 18 tỷ USD.
Tình trạng giảm giá diễn ra trên diện rộng các cổ phiếu. Trong phiên 9/3, khi VN-Index giảm 55,95 điểm (mất 6,28%), có tới 368 mã cổ phiếu trên sàn HOSE giảm giá; trong đó, gần một nửa là giảm sàn, bao gồm 23/30 mã trong danh mục VN30.
Trong phiên 11/3, chỉ trong 15 phút sau giờ nghỉ trưa, VN-Index giảm tới 41 điểm (4,9%). Phiên ngày 12/3, chỉ số mất thêm 42,1 điểm (5,19%) với 117 mã giảm sàn, trong đó có 16/30 mã thuộc VN30.
Thống kê riêng tại nhóm VN30 - nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có nền tảng cơ bản tốt và là lựa chọn hàng đầu của các quỹ đầu tư - trong chưa đầy 1 tuần, có đến 8/30 cổ phiếu mất giá từ 20% trở lên, bao gồm GAS, MWG, PNJ, PLX, ROS, BVH, CTD và BID. 12/30 cổ phiếu giảm từ 15 - 20% và 6 cổ phiếu giảm từ 10 - 15%.
Với những nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), danh mục mất giá tương ứng sẽ gấp đôi số này khi đây đều là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hầu hết được các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ ở mức tối đa lên đến 50%.
Có nhiều nguyên nhân được lý giải cho việc thị trường giảm điểm mạnh, đến từ việc dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng, cú sốc rơi sâu của giá dầu, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hay sự chao đảo của các thị trường chứng khoán thế giới…
Tuy vậy, dịch bệnh không phải là câu chuyện mới, mà đã kéo dài suốt từ sau Tết Nguyên đán tới nay và Việt Nam cũng đã trải qua đợt sóng đầu tiên.
Vậy nhưng, tại sao trong đợt đầu tiên, thị trường nhanh chóng tìm được điểm cân bằng thì nay áp lực bán tháo lại mạnh hơn, bất chấp những nỗ lực kiểm soát của Nhà nước, những tín hiệu tốt từ Trung Quốc, Hàn Quốc…?
Nhất là khi nguy cơ dịch bệnh trở lại Việt Nam không quá khó để dự báo trước diễn biến phức tạp trên thế giới.
Cú sốc giá dầu cũng là lý do tăng áp lực thêm cho nhóm cổ phiếu dầu khí, nhưng nếu như năm 2014, khi GAS, PVD là những ông lớn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số VN-Index thì sau 6 năm cơ cấu thị trường hiện nay đã hoàn toàn khác, với hàng chục tên tuổi lớn mới, còn những cổ phiếu này chưa bao giờ trở lại như thời hoàng kim.
Chưa kể, việc giá dầu giảm nếu như là bất lợi với doanh nghiệp trong ngành thì ngược lại, sẽ đem đến “cú huých” cho nhiều doanh nghiệp như phân bón, điện, đạm, vận tải… nhờ tiết giảm chi phí nhiên, nguyên liệu sản xuất.
Ngay cả câu chuyện bán ròng của khối ngoại cũng không hề mới và rõ ràng là dòng tiền nội khối đã làm rất tốt nhiệm vụ cân đối cung cầu suốt hơn năm qua nay lại hoàn toàn bị áp đảo.
Câu trả lời chỉ có thể đến từ niềm tin của nhà đầu tư. Sự đuối sức khiến những ngưỡng hỗ trợ của thị giá cổ phiếu hay mặt bằng định giá về mức thấp nhất 2 - 3 năm hay những phát biểu tự tin của các quỹ đầu tư, lời trấn an của cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia dường như không còn đủ sức níu kéo dòng tiền.
Khi mọi lời khuyên bình tĩnh đều trở nên không còn ý nghĩa, nhiều nhà đầu tư chỉ tìm cách bán nhanh nhất danh mục để rút chân khỏi thị trường.
Một số nhà đầu tư bắt đáy trong phiên trước cũng nhanh chóng cắt lỗ khi cổ phiếu về tài khoản. VN-Index lần lượt xuyên phá các ngưỡng hỗ trợ mạnh để về mức thấp nhất 2,5 năm, P/E lũy kế 12 tháng của VN-Index đến hết phiên 12/3 giảm xuống chỉ còn 12 lần, bằng phân nửa so với thời gian chỉ số lập đỉnh vào đầu năm 2018.
Giá càng giảm, áp lực “margin call” càng mạnh mẽ, trở thành “hòn tuyết lăn” nhanh chóng đè bẹp những lực cầu yếu ớt xuất hiện và cuốn phăng thành quả tích lũy tính bằng năm của nhà
đầu tư.
Giá càng giảm, áp lực “margin call” càng mạnh mẽ, trở thành “hòn tuyết lăn” nhanh chóng đè bẹp những lực cầu yếu ớt xuất hiện và cuốn phăng thành quả tích lũy tính bằng năm của nhà đầu tư.
Thống kê trong 3 phiên giao dịch giảm điểm đầu tuần, thị trường đều có biên độ chênh lệch cao nhất và thấp nhất khá rộng: 40,31 điểm phiên 9/3; 36,65 điểm phiên 10/3 và 50,4 điểm trong phiên 11/3 thì đến phiên 12/3, mức biên độ chênh lệch trong phiên chỉ còn 15,94 điểm.
Sự co hẹp biên độ trong phiên 12/3 dù VN-Index vẫn giảm sâu đến 42,1 điểm cho thấy, thay vì những hy vọng phục hồi, dòng tiền bắt đáy tạo sự giằng co như những phiên trước, xu hướng bán nay đã áp đảo hoàn toàn.
Thanh khoản trong cả chuỗi 4 phiên giao dịch này đều tăng vọt với 3 phiên giảm điểm có giá trị khớp lệnh toàn sàn HOSE vượt mức 4.000 tỷ đồng.
Vậy nhưng, điều này chỉ cho thấy áp lực bên bán còn rất mạnh mẽ, trong khi về phía bên mua, không ít là những lệnh khớp bị động như lời nói vui của một nhà đầu tư “đã đặt ở giá thấp thế mà vẫn khớp được”!
Doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần chung tay giữ niềm tin ở lại
Thực tế tại Trung Quốc, sau hơn 2 tháng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những số liệu thống kê cho thấy, số bệnh nhân nhiễm mới đã giảm đáng kể từ cuối tháng 2 đến nay.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh cũng có dấu hiệu đạt đỉnh với số người mắc mới ngày càng giảm. Việt Nam vẫn đang quyết liệt và làm rất tốt công tác kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường chứng khoán lao dốc bởi lo ngại sức sản xuất của nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là điều dễ hiểu, và ảnh hưởng thực tế là không thể phủ nhận.
Dịch bệnh là rủi ro mang tính hệ thống, tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Việc dự báo sự kiện “thiên nga đen” này sẽ còn kéo dài bao lâu cũng như lượng hóa quy mô ảnh hưởng đang nằm ngoài khả năng của cả những chuyên gia đầu ngành, chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân thông thường.
Nhưng chúng ta cũng phải sống với niềm tin là dịch bệnh trước sau gì cũng sẽ được kiểm soát. Mặt bằng giá các cổ phiếu sẽ hồi phục theo cách “xuống sao lên vậy” là kịch bản được nhiều dự báo đưa ra. Vấn đề nằm ở thời gian và liệu nhà đầu tư có trụ được đến khi đó?
Khủng hoảng vốn là cơ hội, nhưng cơ hội chỉ chuyển hóa thành thành quả nhờ hành động. Do vậy, thay vì lo lắng nhìn thị trường giảm điểm, dằn vặt và nuối tiếc những đồng tiền đã mất, có lẽ đây là lúc phù hợp để nhà đầu tư nhìn lại, phân tích và tìm ra những cơ hội mới.
Bởi lẽ, khi khó khăn qua đi, sự phục hồi với mỗi ngành nghề, thậm chí các doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng sẽ khác nhau.
Với doanh nghiệp, bên cạnh việc tập trung cho sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như tận dụng những thuận lợi trong bối cảnh của dịch bệnh và biến động giá cả hàng hóa nguyên vật liệu…, cũng cần sát cánh với cổ đông, nhà đầu tư thông qua việc minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp sớm nhất có thể, thay vì để cho thị trường, nhà đầu tư đồn đoán.
Ðến thời điểm này, hàng loạt doanh nghiệp đã thông qua việc hoãn họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Ðiều này là cần thiết, nhưng khi mà chưa biết bao giờ đại hội được tổ chức, các doanh nghiệp cũng nên công bố sớm các thông tin về kế hoạch, định hướng kinh doanh năm nay cũng như kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức cho năm vừa qua, thay vì chỉ công bố trước Ðại hội ít nhất 10 ngày như quy định.
Với cơ quan quản lý, bên cạnh sự trấn an giữa giông bão, cũng có thể cụ thể hóa bằng những hành động mang ý nghĩa thiết thực như giảm thuế, phí giao dịch cho nhà đầu tư để thể hiện sự sát cánh, đồng hành và hỗ trợ, chia sẻ cho những khách hàng của mình, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Hay những nỗ lực dài hạn hơn là rút ngắn các thủ tục hành chính, duy trì sự trong sạch, minh bạch và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.