Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khắp nơi bị bán tháo

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khắp nơi bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 15 điểm; Tiền ào ạt chảy vào Forex: Ví điện tử, thẻ quốc tế tiếp tay hay bất lực?; Cổ phiếu dầu khí nổi sóng; Quỹ đầu tư: Thua lỗ vẫn lạc quan; Chứng khoán châu Á bị bán tháo ồ ạt; Mỹ muốn xây chuỗi cung ứng công nghệ vắng bóng Trung Quốc…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.    

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/2 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,05 – 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 4 USD xuống 1.806,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,04% xuống 90,13 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.132 đồng, giảm 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.940 - 23.120 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,42 USD (+0,68%), lên 62,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+0,83%), lên 65,91 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lao dốc trong phiên nghẽn lệnh

Trong phiên sáng, thị trường dao động giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm nhẹ.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, lực cung ồ ạt được tung vào khiến VN-Index lao dốc, rơi hơn 23 điểm. Sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhưng nghẽn lệnh lại xảy ra khiến diễn biến trong hơn 40 phút cuối phiên không phản ánh đúng bản chất của thị trường và VN-Index gần như bất động ở trên 1.160 điểm cho đến khi đóng cửa.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, chỉ còn HPG, CTG, PLX, VIB, HVN giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá sâu.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, có những cổ phiếu ngược sóng thị trường như TDC, HSL, SAV, NVT, RIC, LGC, SVD khi đóng cửa ở mức giá trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,56 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 668,83 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/2: VN-Index giảm 15,63 điểm (-1,33%) xuống 1.162,01 điểm; HNX-Index giảm 0,9 điểm (-0,37%), xuống 237,89 điểm; UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,44%), xuống 76,13 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích lên trong phiên thứ Ba (23/2), khi chủ tịch Fed Jerome Powell có phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ.

Theo đó, ông Powell đã gạt bỏ những lo ngại cho rằng các chính sách hỗ trợ kinh tế của Fed làm tăng nguy cơ xoắn ốc lạm phát và khẳng định rằng chính sách tiền tệ ôn hoà của cơ quan này sẽ được duy trì.

Tuy nhiên, ông Powell cũng cảnh báo nền kinh Mỹ phục hồi không đồng đều, còn lâu mới đạt được mục tiêu về việc làm cũng như mức lạm phát đặt ra và có thể sẽ phải mất một thời gian để đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 15,66 điểm (+0,05%), lên 31.537.35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4.87 điểm (+0,13%), lên 3.881,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,85 điểm (-0,5%), xuống 13.465,20 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc mạnh

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống dưới mốc 30.000 điểm, khi giới đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ do ảnh hưởng của Nasdaq trên phố Wall trong hai phiên liên tiếp gần nhất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,61% xuống 29,671,70 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,82% xuống 1.903,07 điểm.

Cổ phiếu SoftBank Group giảm 5,2%, là tác nhân ảnh hưởng mạnh đến đến đà sụt giảm của Nikkei 225. Các cổ phiếu liên quan đến chip, chất bán dẫn cũng kéo lùi thị trường, với Fanuc mất 4,66%, Tokyo Electron giảm 2,74% và Shin-Etsu Chemical giảm 4,35%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu vốn bị tác động xấu bởi đại dịch như các nhà khai thác cửa hàng bách hóa đã tăng điểm, nhờ hy vọng bình thường hóa nền kinh tế với Isetan Mitsukoshi Holdings, tăng 5,19%, Takashimaya tăng 4,94% và J.Front Retailing tăng 4,64%.

Cổ phiếu đường sắt và hàng không tiếp tục nhích lên với Japan Airlines tăng 3,6% và ANA Holdings tăng 2,12%.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tháng, do các nhà đầu tư lo lắng về mức định giá cao, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc thắt chặt chính sách.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,99% xuống 3.564,08 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ 24/7/2020. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 2,55% xuống 5.437,57 điểm.

Dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu vật liệu, giảm 4,71%, tiêu dùng giảm 4,46% và chăm sóc sức khỏe giảm 4,41%. Zhang Qi, nhà phân tích của Haitong Securities cho biết: “Những ngành này đã tăng quá nhiều trong những phiên trước và định giá vẫn ở đang gần mức cao kỷ lục”.

Tổn thất cũng thêm phần nặng nề sau khi chính quyền Thành phố Hồng Kông tuyên bố tăng thuế giao dịch cổ phiếu.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tệ nhất trong 9 tháng, sau khi Thành phố tuyên bố tăng thuế với giao dịch chứng khoán khiến dòng tiền từ Đại lục tháo chạy.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,99% xuống 29.718,24 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 22/5/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,36% xuống 11.509,73 điểm.

Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan đã thông báo tăng thuế giao dịch cổ phiếu từ 0,1% lên 0,13% kể từ ngày 1/8.

Dữ liệu cho thấy, sau thông tin trên, các nhà đầu tư Đại lục đã bán tháo cổ phiếu với trị giá 13 tỷ đô la Hồng Kông có thể là một kỷ lục, Yan Kaiwen, một nhà phân tích của China Fortune Securities cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần một tháng, do lo ngại về định giá cao cổ phiếu và phí trước bạ ở Hồng Kông tăng đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,45% xuống 2.994,98 điểm.

Cổ phiếu của nhà điều hành Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông giảm 11%, sau khi chính quyền thành phố cho biết họ sẽ tăng phí với giao dịch chứng khoán.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là SK Biopharmaceuticals, giảm tới 13,9% xuống mức thấp kỷ lục sau khi Công ty mẹ SK Holdings bán 1,1 nghìn tỷ won (989,88 triệu USD) cổ phần của SK Biopharmaceuticals trong một thỏa thuận.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 484,33 điểm (-1,61%), xuống 29.671,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 72,28 điểm (-1,99%), xuống 3.546,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 914,40 điểm (-2,99%), xuống 29.718,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 75,11 điểm (-2,45%), xuống 2.994,98 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tiền ào ạt chảy vào Forex: Ví điện tử, thẻ quốc tế tiếp tay hay bất lực?

Đa phần tiền chuyển vào tài khoản chứng khoán quốc tế, ngoại hối (forex), tiền ảo… được nhà đầu tư nộp qua tài khoản ví điện tử Ngân Lượng hoặc các thẻ quốc tế Visa, Matescard..>> Chi tiết

- Cổ phiếu dầu khí nổi sóng

Giá dầu phục hồi, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua là yếu tố tạo sóng cho các cổ phiếu ngành dầu khí. Tính riêng từ đầu tháng 2 đến nay, mã PVD và PVS tăng 42%, BSR tăng 39%...>> Chi tiết

- Quỹ đầu tư: Thua lỗ vẫn lạc quan

Trong tháng đầu năm 2021, đa phần các quỹ đầu tư lớn hoạt động tập trung tại thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu suất đầu tư âm, nhưng duy trì sự lạc quan..>> Chi tiết

- Mỹ muốn xây chuỗi cung ứng công nghệ vắng bóng Trung Quốc

Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng các chuỗi cung ứng chip và sản phẩm chiến lược khác mà ít phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua hợp tác với những đồng minh thân cận..>> Chi tiết

Tin bài liên quan