Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cổ phiếu dầu khí nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu phục hồi, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua là yếu tố tạo sóng cho các cổ phiếu ngành dầu khí. Tính riêng từ đầu tháng 2 đến nay, mã PVD và PVS tăng 42%, BSR tăng 39%...

Giá dầu vượt mốc 60 USD/thùng

Thị trường dầu bước vào năm 2021 với nhiều yếu tố tác động tích cực, đẩy giá tăng 18% chỉ trong vòng 5 tuần đầu tiên của năm và chạm mức đỉnh hơn một năm.

Ngày 8/2/2021, dầu Brent vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 1 năm. Một tuần sau đó, ngày 15/2, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) vượt mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020, thời điểm căng thẳng ở Trung Đông leo thang.

Trước đó, đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, giá dầu WTI duy trì quanh mức 34 USD/thùng trong nhiều tháng. Từ giữa năm 2020, giá dầu bắt đầu hồi phục, song phải đến tháng 11 mới thực sự tăng tốc.

Theo ông Paola Rodriguez Masiu, Phó chủ tịch phụ trách thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, giá dầu tái xác lập mốc 60 USD/thùng mang lại cho nhà đầu tư cảm giác thị trường dầu mỏ đã hồi sinh sau thời gian dài chật vật trong vô vàn khó khăn.

Biến động giá xăng 92, xăng 95, dầu diesel và dầu thô (USD/ thùng). Nguồn: Bộ Công thương, Bloomberg, PHFM, PHS.

Biến động giá xăng 92, xăng 95, dầu diesel và dầu thô (USD/ thùng). Nguồn: Bộ Công thương, Bloomberg, PHFM, PHS.

Sự bùng nổ mới nhất trên thị trường năng lượng xuất hiện giữa bối cảnh thời tiết lạnh giá khiến các giàn khoan, giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas, bang sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, phải ngừng hoạt động. Canada, Bắc Dakota, Oklahoma và nhiều nơi khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bloomberg cho biết, các cơ sở sản xuất tổng cộng hơn 4 triệu thùng dầu/ngày, gần 40% sản lượng dầu thô tại Mỹ, buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Citigroup nhận định, nguồn cung có thể sẽ giảm tới 16 triệu thùng cho tới đầu tháng 3/2021. Các thông tin cơ bản cũng rất tốt khi nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi, tiến trình triển khai vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh và nguồn cung dầu của OPEC+ vẫn thắt chặt.

Biến động giá xăng A92, xăng A95, dầu diesel và dầu thô (USD/ thùng). Nguồn: Bộ Công thương, Bloomberg, PHFM, PHS.
Biến động giá xăng A92, xăng A95, dầu diesel và dầu thô (USD/ thùng). Nguồn: Bộ Công thương, Bloomberg, PHFM, PHS.

Cùng nhịp với đà tăng của giá dầu, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí thu hút nhà đầu tư và “nổi sóng”.

Tính riêng từ đầu tháng 2/2021 đến nay, cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tăng 42%, cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng 42%, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 39%. Sắc xanh bao phủ nhiều cổ phiếu khác trong ngành dầu khí như GAS, PLX, PVB, PVT, OIL…

Triển vọng kinh doanh 2021

Năm 2020 là một năm khó khăn đối với ngành dầu khí khi chịu tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu. Dưới tác động của sản lượng tiêu thụ giảm do giãn cách xã hội và giá dầu giảm kéo theo việc trích lập giảm giá tồn kho, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sụt giảm.

Cụ thể, trong năm 2020, 27 doanh nghiệp dầu khí niêm yết tạo ra khoảng 232.200 tỷ đồng doanh thu thuần và 10.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 24% và 42% so với năm 2019. Đa phần các doanh nghiệp dầu khí đều “than khó”, 19/27 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm, trong đó 7 doanh nghiệp giảm quá nửa lợi nhuận là PMG, PSH, PLX, PIT, TDG, PVC và TMC.

Năm ngoái, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) đạt gần 124.000 tỷ đồng doanh thu và 970 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 35% và 77%. Riêng quý đầu năm, PLX lỗ ròng 1.900 tỷ đồng do phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho giá trị lớn. Tính đến 31/12/2020, giá trị hàng tồn của doanh nghiệp ghi nhận giảm 20% so với đầu kỳ, song vẫn ở mức cao với 9.400 tỷ đồng.

SSI Research ước tính, lợi nhuận trước thuế của PLX trong năm 2021 sẽ tăng 200%, đạt 4.800 tỷ đồng, nhờ giá nhiên liệu tăng và sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức trước đại dịch. Đồng thời, mảng nhựa đường kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao, được hỗ trợ bởi chi đầu tư cơ sở hạ tầng tăng tốc.

BSR lỗ 2.848 tỷ đồng trong năm 2020. Dấu hiệu tích cực là sau 2 quý đầu năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bắt đầu có lợi nhuận sau thuế dương trở lại kể từ quý III.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR, năm 2021, doanh nghiệp phấn đấu đạt sản lượng 6,497 triệu tấn, doanh thu 70.661 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7.698 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 864 tỷ đồng.

Trên thị trường toàn cầu, các nước thành viên OPEC+ vẫn đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng. OPEC+ chưa quyết định kế hoạch sản lượng dầu cho tháng 4/2021, song Ả-rập Xê-út đã giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày ngoài cam kết của OPEC+ trong hai tháng 2 và 3/2021.

Trong nước, bên cạnh các dự án đang triển khai như Đại Nguyệt WHP, LNG Thị Vải và Nhà máy lọc dầu Long Sơn, nhiều dự án lớn khác được kỳ vọng sẽ khởi động trong giai đoạn 2021 - 2022, bao gồm Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 với tổng giá trị hợp đồng EPC 500 triệu USD, phát triển khí ngoài khơi ở Block B với vốn đầu tư 9,7 tỷ USD, đường ống có chi phí đầu tư 1,3 tỷ USD.

Ngoài ra, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được đẩy mạnh. Một số khu liên hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng. Trong kế hoạch dài hạn, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) sẽ là chủ đầu tư chính của 7/9 cảng nhập LNG trong 15 năm tới, còn Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) sẽ là ứng cử viên sáng giá cho vị trí vận chuyển khí LNG nhập khẩu.

Để tạo đà cho doanh nghiệp ngành dầu khí phát triển, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xây dựng dự án Luật Dầu khí mới trong năm 2021. Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện cơ chế tài chính của PVN, trình Thủ tướng ban hành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu PVN cần khắc phục tồn tại, trọng tâm là việc xử lý 5/12 dự án còn chậm, chưa chuyển biến, chưa có giải pháp đột phá; đẩy mạnh việc triển khai các dự án nhóm ngành còn chậm trễ. Tập đoàn cũng cần tập trung giải quyết tình trạng cồng kềnh trong bộ máy.

Một yếu tố khác hỗ trợ ngành dầu khí là thị trường ô tô Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh theo sự giàu lên của người dân và hạ tầng giao thông phát triển. Công ty Chứng khoán Funan cho rằng, yếu tố này sẽ khiến mức tiêu thụ xăng trên đầu người của Việt Nam (77 lít) tăng lên ngang ngửa các nước trong khu vực như Thái Lan (106 lít), Indonesia (124 lít).

Tin bài liên quan