Mỹ muốn dẫn dắt các chuỗi cung ứng công nghệ thông qua hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Mỹ muốn dẫn dắt các chuỗi cung ứng công nghệ thông qua hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Mỹ muốn xây chuỗi cung ứng công nghệ vắng bóng Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng các chuỗi cung ứng chip và sản phẩm chiến lược khác mà ít phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua hợp tác với những đồng minh thân cận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm ký ban hành một sắc lệnh hành pháp trong tháng này để nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng các chuỗi cung ứng chip và sản phẩm chiến lược khác thông qua hợp tác với các đồng minh như Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc, theo Tạp chí Nikkei Asia Review.

Với sắc lệnh này, Mỹ sẽ thiết lập một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia và kêu gọi những biện pháp xây dựng các mạng lưới cung ứng ít chịu tác động từ sự gián đoạn do thảm họa và các lệnh trừng phạt của các quốc gia "không thân thiện".

Theo dự thảo sắc lệnh mà Tạp chí Nikkei Asia Review có được, các biện pháp trên sẽ tập trung vào phát triển sản xuất chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm, và các sản phẩm y tế.

Sắc lệnh cũng nêu rõ việc "phối hợp với các đồng minh có thể giúp các chuỗi cung ứng trở nên bền vững và mạnh mẽ". Điều này cho thấy các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm trong kế hoạch của Mỹ. Washington được cho là theo đuổi quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và bắt tay với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Australia trong lĩnh vực đất hiếm.

Mỹ cũng lên kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh về việc xây dựng mạng lưới cung cấp những sản phẩm quan trọng và tìm cách đẩy mạnh sản xuất chúng. Washington sẽ xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng quan trọng trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Những đối tác tham gia các chuỗi cung ứng trên có thể được yêu cầu giảm thiểu hợp tác làm ăn với Trung Quốc.

Sáng kiến của Mỹ về phát triển các chuỗi cung ứng công nghệ vắng bóng Trung Quốc ("China free") càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh cơn khát chip toàn cầu từ cuối năm ngoái đang trở nên nghiêm trọng, khiến các nhà sản xuất ô tô trên thế giới điêu đứng, thậm chí ngừng hoạt động ở một số nhà máy.

Theo Tập đoàn tư vấn quản trị toàn cầu Boston, thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã trượt dốc trong những thập niên gần đây, từ mức 37% vào năm 1990 xuống còn 12% như hiện nay. Khi Washington thúc Đài Loan - nền kinh tế dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn toàn cầu với thị phần 22% - tăng sản lượng, các nhà máy tại Đài Loan đã kích hoạt hết công suất. Tuy nhiên, những biện pháp để thúc đẩy nguồn cung chất bán dẫn trong ngắn hạn vẫn rất ít ỏi.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ở Trung Quốc, dưới chương trình viện trợ khoảng 100 tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc, sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường thế giới với thị phần mà Boston ước tính đạt 24% vào năm 2030.

Việc phụ thuộc quá nhiều nguồn cung các sản phẩm quan trọng từ Trung Quốc dẫn đến những rủi ro an ninh. Theo Nikkei Asia Review, Bắc Kinh đã áp dụng những quy định để gây áp lực lên các đối tác thương mại, chẳng hạn như áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên quần đảo tranh chấp Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư.

Mỹ hàng năm nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc 90% nguồn cung một số sản phẩm y tế từ nước này. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là đối với chất bán dẫn, bởi số lượng các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là có hạn và họ phải cân nhắc quyết định có đi theo sự dẫn dắt của Mỹ hay không. Quyết định này phụ thuộc vào sự nhận thức và hợp tác của các chính phủ.

Nikkei Asia Review dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết: "Mỹ sẽ đánh giá sâu rộng chuỗi cung ứng của mình để phân loại mức độ phụ thuộc nguồn cung chất bán dẫn và đất hiếm từ từng quốc gia". "Sau đó Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp với các đồng minh", nguồn tin nói thêm.

Washington bắt đầu đặt nền móng xây dựng các chuỗi cung ứng công nghệ từ mùa thu năm ngoái, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi đó, chính quyền Trump kêu gọi các nền kinh tế mạnh công nghệ và giàu tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản, và Australia chung tay gỡ khó cho các chuỗi cung ứng công nghệ từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn âm ỉ.

Đài Loan đã phản ứng đặc biệt nhanh chóng khi các quan chức cấp cao của Đài Loan và Mỹ cùng ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11/2020 nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm: chất bán dẫn và 5G, cũng như đẩy mạnh các "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật, và đáng tin cậy".

Cách đây không lâu, hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy 12 tỷ USD tại bang Arizona, Mỹ. Dự án này nơi có khả năng trở thành biểu tượng hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan. Nhà máy 12 tỷ USD này đang nhận viện trợ từ chính phủ Mỹ, được thiết kế nhằm cung chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.

Năm ngoái, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng nỗ lực mời gọi TSMC đầu tư vào Nhật Bản, nhằm không chỉ thiết lập một mạng lưới cung ứng 3 bên vững chắc hơn mà còn cung cấp cho Nhật Bản nguồn chip tối tân trong tương lai. Chính phủ Nhật Bản đã dành ngân sách 200 tỷ yên (1,9 tỷ USD) để trải thảm đỏ cho hãng chip Đài Loan với mong muốn kết nối hợp tác giữa TSMC với các công ty Nhật Bản.

Nỗ lực trên của Nhật Bản dường như đang đơm hoa kết trái. Trong tháng này, Nikkei Asia Review đưa tin TSMC đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 20 tỷ yên tại Nhật Bản.

Về đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Australia để đối phó sự thống trị của Trung Quốc ở lĩnh vực này. Trong diễn biến đang chú ý, Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia đang xây dựng một nhà máy ở bang Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Pin xe điện cũng là lĩnh vực đang được Mỹ và các đồng minh nhắm đến khi Panasonic và LG Chem của Hàn Quốc đã để mất thị phần vào tay các đối thủ từ Trung Quốc. Còn ở những lĩnh vực khác như 5G, việc xây dựng các chuỗi cung ứng mới trở nên quá đắt đỏ đối với doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản, bởi họ để lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp giá rẻ của Trung Quốc như Huawei.

Tin bài liên quan