Thị trường M&A: Giá trị bình quân các thương vụ sẽ tăng lên trong thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với những điều kiện thuận lợi hơn ở thời điểm hiện tại, dự báo thời gian tới sẽ có thay đổi về giá trị và số lượng các thương vụ M&A, giúp giá trị bình quân các thương vụ tăng lên.

Tại Talkshow “Nhận diện dòng vốn M&A” do Báo Đầu tư thực hiện, ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam thông tin, trong 9 tháng 2024, giá trị giao dịch các thương vụ M&A cả nước đạt 3,2 tỷ USD, tăng trưởng so với mức mức 2,2 tỷ USD của 9 tháng 2023.

Nếu loại đi một số thương vụ lớn liên quan đến Vingroup bán Vincom Retail hay Vinfast hợp nhất VinES thì nhìn chung, giá trị giao dịch các thương vụ M&A toàn thị trường suy giảm so với 9 tháng 2023. Tuy nhiên, ông Thế Anh đánh giá, diễn biến này nằm trong xu hướng chung của cả thị trường Đông Nam Á.

Về số lượng các giao dịch, con số thống kê đang cho thấy sự gia tăng với 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 221 giao dịch M&A.

Theo ông Thế Anh, diễn biến giá trị giao dịch bình quân thương vụ M&A giảm nhưng số lượng gia tăng, điều này phản ánh hai vấn đề từ góc độ nhà đầu tư.

Thứ nhất, khẩu vị rủi ro thay đổi, các nhà đầu tư không sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn thực hiện các thương vụ lớn mà thường tập trung vào quy mô nhỏ, giá trị nhỏ, khẩu vị rủi ro thấp hơn. Thứ hai, các nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn, chờ đợi và đứng ngoài quan sát trước khi bỏ ra số tiền lớn cho những kế hoạch lớn.

Các diễn giả trong Talkshow “Nhận diện dòng vốn M&A” ngày 13/11.
Các diễn giả trong Talkshow “Nhận diện dòng vốn M&A” ngày 13/11.

Sau khi tham gia hội thảo M&A toàn cầu ở Nhật Bản vừa qua, ông Phạm Duy Khương, Luật sư điều hành, Công ty Luật ASL cũng nhận thấy, thị trường M&A không chỉ giảm ở Đông Nam Á mà còn giảm trên toàn cầu. Trên thế giới chỉ có 2 đầu tàu kéo hoạt động M&A là Trung Quốc và Nhật Bản, ngoài ra tất cả các nền kinh tế bị ảnh hưởng cho thấy sức mua giảm. Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

Đối với giá trị bình quân các thương vụ nhỏ đi, theo ông Khương, trong giai đoạn này dòng tiền không ổn định, sức mua của bên mua giảm đi. Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư mua được hàng chất lượng cao với giá phải chăng, trong khi ở điều kiện bình thường, giá trị thương vụ có thể cao hơn.

Theo quan sát từ đại diện Luật ASL, trong giai đoạn qua chưa có thương vụ giá trị lớn, rất nhiều bên còn chờ đợi vào kết quả cuộc bầu cử thổng thống Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Họ cho rằng nếu bà Kamala Harris trúng cử, số lượng các doanh nghiệp ở lại Trung Quốc đầu tư tiếp tục tăng, nhưng con số cho thấy Donald Trump thắng cử nên nhiều doanh nghiệp có thể quyết định rời Trung Quốc.

“Tôi cho rằng trước đó, họ chỉ thử nghiệm một vài thương vụ M&A ở quy mô vừa phải, sau thời điểm ông Trump chính thức đắc cử thì các bên mua bán có tiềm lực kinh tế đảm bảo giao dịch, có dòng vốn tài chính tốt sẽ dịch chuyển tương đối nhiều sang Việt Nam”, ông Khương đánh giá.

Theo các nhà phân tích, có 2 nước được hưởng lợi lớn nhất từ căng thẳng Mỹ - Trung là Mexico và Việt Nam. Vì vậy, dự báo thời gian tới sẽ có những thay đổi về giá trị và số lượng các thương vụ M&A, giúp giá trị bình quân các thương vụ tăng lên.

Dưới góc độ của đơn vị tài chính, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citi tại Việt Nam cho rằng, năm ngoái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy lãi suất lên quá cao, đến năm nay mới giảm 0,75%. Dự kiến đến tháng 12, Fed có thể giảm thêm 0,25 - 0,5% và tiếp tục giảm từ 1,25 – 1,5% vào năm 2025.

“Rõ ràng, chi phí vốn trước đây rất cao, nhưng bây giờ giảm sẽ giúp các giao dịch trong tương lai thuận lợi hơn” ông Trung nhận định.

Về 2 thị trường đầu kéo cho hoạt động M&A toàn cầu là Trung Quốc và Nhật Bản, ông Trung đánh giá: “Trong thời gian tới, Fed sẽ giảm lãi suất hỗ trợ cho chi phí vốn, thị trường Nhật Bản dần ổn định, Trung Quốc cũng tăng trưởng trở lại sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường M&A thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng”.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27/11/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (Quận 1, TP.HCM).

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ”, đây là lần thứ 16 diễn đàn được Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận chuyên sâu những cơ hội và xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực M&A, phân tích các chiến lược tối ưu hoá giá trị thương vụ, các mô hình hợp tác mới, và cách các doanh nghiệp có thể tận dụng làn sóng M&A để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 500 khách tham dự, là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tập đoàn tư nhân trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, các công ty niêm yết, các doanh nghiệp có kế hoạch IPO, các doanh nghiệp có nhu cầu thoái vốn và các đơn vị tư vấn M&A hàng đầu.

Tin bài liên quan